Lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển sinh đợt 3 giảm đáng kể, một số ngành quá ít thí sinh dự tuyển, giảng viên và thí sinh phải chuyển đổi ngành và nguyện vọng học tập. Không ít ý kiến cho rằng việc xét tuyển sinh kéo dài thêm nữa mà người học không có nhu cầu thì cũng không giải quyết được vấn đề tuyển sinh.
Kết thúc đợt 3 xét tuyển vào Đại học Thái Nguyên và các trường cao đẳng trên địa bàn toàn tỉnh, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít so với chỉ tiêu, nên gần như có hồ sơ nộp là trúng tuyển. Đối với ĐHTN, mặc dù “mở hết cửa” đón thí sinh qua các kênh: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2015 và xét tuyển theo học bạ THPT của học sinh sau khi tốt nghiệp, nhưng sau 3 đợt xét tuyển cũng chỉ đạt trên 80% chỉ tiêu. Đợt 3 được dự đoán sẽ đón nhận thêm nhiều thí sinh hơn vì sau khi bị loại các trường top trên, thí sinh sẽ quay trở lại các trường và các ngành học điều kiện đầu vào dễ hơn. Tuy nhiên, trái với những dự đoán, sau khi kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển đại học đợt 3, ĐHTN chỉ nhận được gần 200 hồ sơ/ 2.000 chỉ tiêu cần tuyển. Nếu như tính lưu lượng tuyển sinh đối tượng là học sinh tốt nghiệp THPT năm 2015 thì số lượng tuyển sinh năm 2015 của ĐHTN chỉ đạt trên 8.000, giảm trên 10% so với năm 2014 và quy mô đào tạo đại học của ĐHTN cũng đang giảm dần về số lượng mỗi năm gần 10% (tính từ năm 2010 đến nay). Trong khi cơ chế và các điều kiện xét tuyển được “nới rộng” hơn các năm trước đây là có thêm xét theo học bạ THPT với trên 2.000 chỉ tiêu, tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm 2014.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau về việc khó khăn trong tuyển sinh đại học và cao đẳng, nhưng thực tế các ngành đào tạo, hệ thống các trường mở thêm ngành, thêm trường không theo sát quy hoạch và nhu cầu nhân lực của từng địa phương, vùng miền. Một số ngành và trường mới mở ra nhưng chỉ thu hút được vài khóa đào tạo là không có thí sinh theo học. Điển hình như khối ngành Kinh tế, Tài chính, Quản trị kinh doanh; khối ngành Nông, Lâm nghiệp; khối ngành Ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Pháp). Chính vì ít thí sinh đăng ký vào học, nên một số ngành không đủ số lượng sinh viên cơ hữu cho một lớp, nên cả giảng viên và sinh viên phải chuyển ngành , chuyển khoa. Và như vậy đồng nghĩa với việc phải đào tạo bổ túc thêm kiến thức, học tăng cường để chuyển đổi môn, thậm chí đào tạo lại từ đầu. Như vậy khó có thể nâng cao được chất lượng dạy và học.
Đối với các trường cao đẳng, năm 2014 đã bắt đầu gặp khó trong tuyển sinh, thì năm nay càng khó khăn hơn rất nhiều do ngưỡng xét tuyển đầu vào cao hơn mọi năm 1-2 điểm, không được tổ chức thi tuyển, thí sinh chỉ quan tâm đến đại học... Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên Tô Văn Khôi cho rằng: “Xã hội vẫn còn nặng vấn đề bằng cấp nên việc tuyển sinh ở các trường cao đẳng, trung cấp gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tuyển sinh của các trường. Bởi lẽ nguồn tuyển của các trường cao đẳng là những thí sinh dưới điểm sàn đại học nhưng trên ngưỡng xét tuyển cao đẳng.
Tuy nhiên, khái niệm đó chỉ đúng với những mùa tuyển sinh trước, còn năm nay thì rất mơ hồ. Hiện cả nước có gần 200 trường đại học tuyển sinh bằng học bạ THPT, khi thí sinh không đủ điểm vào đại học bằng điểm thi THPT Quốc gia vẫn trúng tuyển bằng cách xét học bạ THPT. Như vậy, các trường đại học gần như “vét” hết nguồn của cao đẳng”. Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Trần Viết Thường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khi Luyện kim Thái Nguyên chia sẻ: "Mỗi thí sinh có 4 đợt xét tuyển ở các trường đại học, mỗi đợt có 4 nguyện vọng. Do đó, ở đợt xét tuyển dành riêng cho các trường cao đẳng vào đầu tháng 11 nguồn tuyển sẽ không còn nhiều". Còn thầy Hoàng Văn Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên thì cho biết: "Tỷ lệ ảo ở bậc cao đẳng sẽ nhiều hơn vì thí sinh được rút 4 phiếu điểm ở các đợt trước đó đi xét tuyển. Hiện, chúng tôi hoàn toàn bị động và chỉ biết ngồi chờ thí sinh. Chưa kể một số ngành xét theo học bạ THPT thì thí sinh có thể gửi bản sao đến rất nhiều trường tham gia xét tuyển, nên mức độ thí sinh ảo là rất cao. Đến thời điểm này, chúng tôi cũng không chắc mùa tuyển sinh năm nay sẽ đủ chỉ tiêu. Được biết, hiện các trường cao đẳng mới chỉ tuyển được từ 150-300 thí sinh qua hồ sơ xét tuyển, các trường tuyển sinh đạt thấp như khối kỹ thuật, công nghiệp, kinh tế chỉ đạt 25%; trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên mới chỉ đạt trên 40% chỉ tiêu; Cao đẳng Y tế Thái Nguyên đạt trên 60%...
Theo lãnh đạo nhiều trường cao đẳng, với quy định về xét tuyển như năm nay, các trường sẽ gặp phải khó khăn lớn trong công tác đào tạo. thầy Hoàng Văn Huyên chia sẻ: “Khi các trường đại học có thể khai giảng vào tháng 9 và bắt đầu chương trình đào tạo, thì đến giữa tháng 11, chúng tôi mới tuyển xong, mà chưa chắc đã tuyển đủ. Mọi năm tháng 9 là Trường đã khai giảng và bắt đầu giảng dạy cho khóa mới thì năm nay kế hoạch đào tạo hoàn toàn bị xáo trộn”.
Có thể nói, vấn đề đào tạo và việc làm đang cần có những chính sách cụ thể hơn và mang tính dài hơi hơn từ thực tế hoạt động tuyển sinh, đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Nếu như cả ba khâu quy hoạch - đào tạo - tuyển dụng được triển khai đồng bộ, chắc chắn sẽ không có tình trạng trường thiếu trò và mất cân đối trong đào tạo nghề như hiện nay.