T.P Thái Nguyên: Quá tải ở bậc học mầm non, tiểu học

09:31, 01/10/2015

Với tốc độ phát triển nhanh của các khu dân cư, các hộ kinh doanh tự do tập trung về khu trung tâm sinh sống, dân số trẻ trong độ tuổi sinh đẻ gia tăng; cùng với đó là sự thiếu chủ động và hạn chế tầm nhìn trong quy hoạch mạng lưới trường, lớp; công tác dự báo nhu cầu gia tăng của trẻ tại các địa phương chưa sát thực tế… là những nguyên nhân chính khiến các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn T.P Thái Nguyên rơi vào tình trạng quá tải.

Thực trạng quá tải

 

Phải lách người chúng tôi mới đi qua được dãy bàn học để xuống cuối  lớp 4H, Trường Tiểu học Đội Cấn (T.P Thái Nguyên) để chụp bức ảnh. Lớp học này được tổ chức tại phòng truyền thống của Trường rộng chừng trên 30m2. Nhà trường tiến hành kê thành 4 dãy bàn học, mỗi dãy có 6 bàn, 2 HS ngồi/bàn. Nhẩm qua thì sĩ số của lớp này lên tới 48 HS. Cô giáo Phan Thị Thanh Phong, Hiệu trưởng Nhà trường thở dài khi nói về sĩ số HS toàn Trường cũng như các lớp: Năm học này, Trường có 41 lớp, tổng số 1.894 HS, tăng 88 HS so với năm học trước. Bình quân 46,19 HS/lớp. Năm nay, Trường tuyển sinh 8 lớp 1 với 370 HS, bình quân khối 1 là 46,25 HS/lớp. Trong số tuyển mới này chỉ có 3 HS trái tuyến là con em cán bộ, giáo viên trong Trường, số còn lại gia đình đều ở phường Hoàng Văn Thụ. Mặc dù số HS quá tải, song chúng tôi cũng không biết giải quyết như thế nào vì không nhận không được, các em đều có hộ khẩu, gia đình trên địa bàn phường. Với số lượng HS lớn như trên không phù hợp với Điều lệ trường học và chất lượng giảng dạy sẽ khó đảm bảo.

 

Theo cô giáo Trần Thị Thủy, Chủ nhiệm lớp 1D, Trường Tiểu học Đội Cấn: Lớp của tôi có 47 HS. Sĩ số lớp đông như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình dạy và học, vì cô giáo không thể quan tâm được nhiều đến các em. Thậm chí, sắp xếp đủ chỗ ngồi cho HS trong lớp cũng khó chứ chưa nói đến những việc khác.

 

Số lượt kiểm tra bài cũ, cũng như nhận xét đối với HS cũng giảm. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chương trình học mới, sách giáo khoa mới chắc chắn cũng sẽ khó lòng đạt được những kết quả như mong muốn. Hiện nay các trường đánh giá HS theo Thông tư số 30 của Bộ GD&ĐT, như lớp tôi chủ nhiệm gần 50 HS, trong 1 buổi dạy cô giáo cũng chỉ có thể nhận xét được khoảng 10 HS. Như vậy, 5 ngày sau, HS đó mới được quay trở lại nhận xét tiếp.

 

Quan sát các lớp học trong Trường, chúng tôi nhận thấy lớp nào cũng đông HS, bàn HS kê sát với bục giảng của thầy, cô giáo khiến HS nhìn lệch, nhìn nghiêng, ảnh hưởng đến góc nhìn của mắt và cong vẹo cột sống. Sĩ số như trên thì phương pháp lấy HS làm trung tâm, học theo nhóm, phát huy khả năng, có lẽ sẽ chỉ là khẩu hiệu. Cũng như khối các trường tiểu học, nhiều trường mầm non trên địa bàn T.P Thái Nguyên có số trẻ, nhóm trẻ vượt quá quy định. Đến các trường như mầm non như: Tân Thịnh, 19-5, Trưng Vương… chúng tôi nhận thấy số trẻ trên lớp đều rất cao từ 40 đến trên 50 cháu.

 

Theo báo cáo của Phòng GD & ĐT T.P Thái Nguyên: 37/37 trường mầm non công lập đều có số trẻ/nhóm, lớp vượt theo quy định. Tổng số lớp quá tải theo điều lệ là 218 lớp với 3.221 trẻ. Đối với bậc tiểu học thì có tới 11/34 trường quá tải như: Đội Cấn, Nha Trang, Trung Thành, Tân Thành 2, Độc Lập, Phú Xá, Tân Lập, Trưng Vương, Thống Nhất, Nguyễn Viết Xuân và Nguyễn Huệ.

 

Vẫn là bài toán thiếu cơ sở vật chất

 

Cô giáo Đỗ Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Thịnh cho biết: “Do thiếu phòng học mà lượng HS quá đông nên cực chẳng đã, mỗi năm tuyển sinh, Nhà trường phải cho các bậc phụ huynh mua hồ sơ, sau đó bốc thăm. Hiện quy mô của Trường chỉ có 9 lớp, theo quy định mỗi lớp không quá 30 cháu, nhưng hiện nay, trung bình mỗi lớp đã lên đến 40 cháu, có lớp lên tới 45 cháu. Theo thống kê của Nhà trường, toàn phường có gần 700 cháu ở độ tuổi huy động ra Trường Mầm non, nhưng với cơ sở vật chất hạn chế như hiện nay thì Trường cũng chỉ tuyển được gần ½ số cháu, số còn lại nếu không xin được vào các trường quanh khu vực thì các cháu ở nhà với ông bà hoặc các phụ huynh phải gửi theo nhóm trẻ gia đình”. Đối với Trường Mầm non 19-5 (phường Hoàng Văn Thụ) cũng trong hoàn cảnh tương tự. Trường hiện có 32 phòng học thì có tới 1.461 trẻ. Để giải quyết bài toán tuyển sinh, Nhà trường cũng phải dùng hình thức bốc thăm. Theo thống kê của UBND phường Hoàng Văn Thụ thì mỗi năm toàn phường có hơn 600 cháu ở độ tuổi huy động vào Trường Mầm non. Thực tế hiện nay số huy động vào các trường công lập trên địa bàn Thành phố cũng chỉ đáp ứng được khoảng gần 50% tổng số cháu. Đối với Trường Tiểu học Đội Cấn năm học này có 41 lớp, trong khi chỉ có 35 phòng học, Nhà trường phải tận dụng 6 phòng chức năng như: Phòng Truyền thống, Phòng Đội, Thư viện…. để tổ chức lớp học. Song đây cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

 

Theo đồng chí Trần Nam Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ: “Trước nhu cầu bức bách về chỗ học của các cháu, cũng như giải quyết tình trạng quá tải đối với Trường Mầm non 19-5, ngày 20-5-2013, UBND phường đã có Công văn số 84 gửi UBND tỉnh, UBND T.P Thái Nguyên đề nghị điều chỉnh quy hoạch một phần diện tích dự án Khu nhà ở Bắc Sơn - Sông Hồng thành Khu tái định cư Dự án đường Bắc Sơn để xây dựng Trường Mầm non”. Còn đối với phường Tân Thịnh, UBND phường đã có văn bản đề nghị UBND Thành phố cho mở rộng Trường Mầm non Tân Thịnh thêm trên 200m2 và lập dự án xin đầu tư xây dựng 1 nhà lớp học 2 tầng 6 phòng học, để thu hút thêm học sinh là con em phường vào học, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục… Song do ngân sách hạn hẹp đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa đầu tư xây dựng được.

 

Trao đổi cùng chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Lê Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên cho biết thêm: Nguyên nhân của tình trạng quá tải HS trên địa bàn T.P Thái Nguyên là dân số cơ học tăng nhanh, số dân nhập cư ngày càng đông nhưng công tác dự báo về dân số, trẻ em phục vụ cho việc mở rộng và phát triển quy mô, mạng lưới trường, lớp còn hạn chế. Trong những năm gần đây, nguồn ngân sách của T.P chủ yếu chỉ dành cho việc sửa chữa các phòng học cũ, còn việc khởi công xây dựng mới rất hạn chế. Cụ thể như năm nay, ngân sách cũng chỉ đầu tư xây dựng mới 8 phòng học cho Trường THCS Phú Xuân và 6 phòng học cho Trường Mầm non Cao Ngạn, còn lại chủ yếu là sửa chữa phòng học. Về giải pháp, Phòng GD & ĐT T.P đã tham mưu cho Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND T.P đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2016-2020 cho các trường thiếu phòng học. Phòng cũng tiếp tục đề nghị UBND T.P Thái Nguyên, UBND tỉnh quan tâm bố trí ngân sách, cũng như quy hoạch mở rộng khuôn viên trường, lớp học; mở thêm Trường Mầm non, tiểu học trên những địa bàn phường quá tải. Giải quyết được bài toán sĩ số quá tải sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.