Tuyển sinh Đại học Thái Nguyên năm 2015: Xét tuyển theo kiểu “lọt sàng xuống nia”

10:40, 02/10/2015

Càng gần đến thời điểm kết thúc việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH,CĐ) năm 2015 càng nhận thấy cách xét tuyển chỉ hướng đến “điểm chọn trường” chứ không theo hướng “trường chọn điểm”. Việc chọn người có điểm cao mà bỏ qua những yếu tố khác (như định hướng, nguyện vọng về nghề nghiệp) vô tình đã gây ra sự thiếu công bằng, một số thí sinh đỗ đại học mà không toàn tâm học tập.

Kết thúc xét tuyển đợt 1, đợt 2, không ít trường hợp thí sinh (TS) đã xin hủy kết quả trúng tuyển (mỗi đợt xét tuyển, TS có 4 nguyện vọng được ưu tiên lần lượt theo thang điểm từ cao xuống thấp) để xét tuyển bổ sung vì ngành trúng tuyển không phải là ngành phù hợp với bản thân. Có trường hợp TS thi được 20 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành có điểm chuẩn năm trước thấp nhất trường để có khả năng trúng tuyển cao, nhưng cuối cùng vẫn bị loại vì có những TS điểm cao hơn nhưng lại chọn ngành đó là nguyện vọng 4. Chính vì các TS điểm cao không cân nhắc kỹ ngay từ đầu, đăng ký vào những ngành điểm rất cao, bị loại ở các nguyện vọng 1, 2, 3 và cuối cùng đậu vớt nguyện vọng 4 đã đẩy những TS có nguyện vọng 1 vào ngành này (nhưng điểm thi thấp hơn) ra ngoài. Điển hình như các trường có điểm trúng tuyển cao (Đại học Y Dược, Đại học Sư phạm Thái Nguyên), tỷ lệ đấu chọi các ngành cao (1 trên 3 hoặc 1 trên 5) khiến các TS có nguyện vọng thực sự vào ngành mà chỉ thiếu 0,25 điểm đành chuyển sang các ngành học khác cùng khối dự thi. Ví dụ như TS đăng ký xét tuyển vào ngành Y đa khoa (Đại học Y Dược Thái Nguyên) với số điểm 24 (tổ hợp môn Toán, Hóa, Sinh) thì không đỗ, chỉ còn cách chuyển sang ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng…, hoặc sang các ngành Sư phạm Sinh, Sinh học của các trường thành viên Đại học Thái Nguyên (ĐHTN).

 

Em Vũ Tuấn Thành (TS đến từ tỉnh Bắc Giang) cầm giấy báo trúng tuyển cùng phụ huynh đến Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên làm thủ tục nhập học đã chia sẻ: “Vào học tại đây điểm cao sẽ được nhận các ưu tiên về chỗ ở, không phải nộp học phí lại có học bổng, nhưng có lẽ em chưa từ bỏ ước mơ được làm bác sĩ như cha mẹ đang làm. Chính vì vậy, vào trường em sẽ vừa học vừa đi ôn thêm kiến thức để sang năm có thể tiếp tục dự thi”. Suy nghĩ của Thành vô hình chung đã làm mất đi cơ hội của không ít TS khác có nguyện vọng làm giáo viên Sinh, Hóa mà điểm thi lại thấp hơn của Thành chỉ từ 1-2 điểm. Chắc chắn những TS này sẽ phải tính đến các nguyện vọng bổ sung và cũng không loại trừ họ sẽ vào học đại học theo kiểu “tạm trú” để nhận chỗ, sang năm sau tiếp tục thi tuyển sinh để thỏa nguyện vọng của mình.  

 

Ngay từ khi ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng điều này là công bằng khi người điểm cao thì đậu, người điểm thấp hơn phải chia tay cuộc đua. Trong một cuộc đua khốc liệt như xét tuyển ĐH, tất cả TS phải được đối xử bình đẳng như nhau. TS điểm cao, nếu lựa chọn sai lầm với những ngành điểm cao và rớt họ cũng phải chịu trách nhiệm với sai lầm của mình như những TS điểm thấp mà không biết lượng sức. Tất cả TS phải như nhau và tự chịu trách nhiệm nếu lựa chọn của mình sai lầm. Kiểu xét tuyển “lọt sàng xuống nia” như năm nay chỉ giúp cho các TS điểm cao không trượt đại học đúng như chủ đích của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải giúp đa số TS với mức điểm phù hợp chọn được đúng nghề, giúp nhà trường chọn được những người yêu thích ngành học và mong muốn được học. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc giáo dục hướng nghiệp suốt bao năm ở bậc học phổ thông coi như chỉ mang tính hình thức, thiếu thực tế.

 

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cho biết:  Nhiều TS sau khi không còn cơ hội ở khối ngành y dược đã quay ngoắt sang xét tuyển vào nhóm ngành kinh tế. Những TS này đều thi môn “dự phòng” và với điểm hai môn toán, hóa rất cao, khi tràn sang trường kinh tế đã ngay lập tức loại những TS điểm thấp hơn nhưng có nguyện vọng thực sự, nộp hồ sơ ngay từ đầu. Còn Tiến sĩ Nguyễn Văn Đăng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên chia sẻ: “Điểm chuẩn cao, trường cũng mừng vì đầu vào tốt nhưng cũng lo lắng liệu những TS đó có thực sự mong muốn theo học ngành vừa chọn không hay chỉ là lựa chọn vì sĩ diện: Điểm cao không thể trượt đại học. Như thế thì điểm cao trường cũng không mong muốn và thật không công bằng với TS điểm thấp hơn nhưng có nguyện vọng thật sự”…

 

Trong kỳ tuyển sinh đợt 1 vừa qua, dù được chọn trường nhưng vì ở một thời điểm TS chỉ được nộp hồ sơ vào một trường duy nhất (dù có đến 4 nguyện vọng ngay trong trường này) nên TS bắt buộc phải theo dõi thường xuyên để cập nhật danh sách xét tuyển. Bởi thế trong quá trình nộp hồ sơ diễn biến việc xét tuyển rất căng thẳng, kịch tính. Từ đó nảy sinh tình trạng rút ra nộp vào hồ sơ khiến không khí xét tuyển càng thêm căng thẳng, gây áp lực làm cho hầu hết các TS buộc phải “quên” giá trị của ngành, trường mình sẽ học mà chỉ chăm chăm tính đến khả năng có đỗ hay không. Từ thực tế này, thiết nghĩ ngành Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng định hướng nghề nghiệp cho TS trước khi tham gia dự thi và xét tuyển, để TS chọn nghề trước khi xác định việc đăng ký thi và học nghề. Mỗi TS được phép đưa ra danh sách nguyện vọng cá nhân của mình trước kỳ thi mà không phụ thuộc vào cơ hội trúng tuyển hay không.