Đại học kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên: Tăng tốc cập chuẩn ngoại ngữ

09:20, 16/11/2015

Thực hiện Đề án ngoại ngữ Quốc gia (2008-2020) về chuẩn hóa ngoại ngữ, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã và đang nỗ lực tiến gần về đích theo đúng lộ trình và trở thành một trong những đơn vị điển hình toàn quốc về “phổ cập” ngoại ngữ.

Từ năm 2011 đến 2014, Trường bắt đầu thực hiện triển khai Chương trình tiên tiến với việc chuẩn đầu ra tiếng Anh đạt 500 điểm (TOEFL-ITP làm nền tảng). Đây là chương trình đào tạo nhập khẩu, vì vậy yêu cầu cả giảng viên và sinh viên phải sử dụng thành thạo tiếng Anh. Những bỡ ngỡ ban đầu về môi trương ngoại ngữ và sử dụng ngoại ngữ trong chuyên môn, trong giao tiếp đã nhanh chóng bị loại bỏ ra khỏi suy nghĩ của người học và người dạy. Giảng viên nước ngoài lên lớp, giáo trình 100% tiếng Anh đã “bắt buộc”người học và kể cả người làm quản lý,giúp việc đều phải theo “chuẩn tiếng Anh”. Ban đầu chỉ là 1 lớp rồi 2 lớp học, tất cả đã phải theo guồng vận hành của chương trình đào tạo. Với sinh viên, giảng viên ban ngày lên lớp, ngoài giờ tự phải nâng trình độ nghe, nói, đọc, viết. Nếu không sẽ bị loại bỏ. Cũng từ những kiến thức của chương trình tiên tiến sau khi được Nhà trường nghiên cứu và nhận thấy cần thiết phải phổ cập cho các ngành học khác một cách đại trà, bởi lẽ: Kiến thức các nước tư bản là mới và mang tính ứng dụng cao, phù hợp với xu hướng đào tạo hội nhập quốc tế. Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đã xây dựng lộ trình “chuẩn” ngoại ngữ (tiếng Anh) để xây dựng khung đào tạo mới cho các khóa học từ năm 2014 trở đi, trong đó yêu cầu, giảng viên và sinh viên phải thường xuyên sử dụng tài liệu tiếng Anh để nghiên cứu. Và để nâng cao chất lượng học đi đôi với thực hành, mỗi giảng viên bắt buộc phải có giáo án điên tử bằng tiếng Anh trước khi lên lớp;sinh viên phải hoàn thành bài tập chuyên ngành bằng tiếng Anh.

 

PGS, TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Nếu đội ngũ giảng viên không biết ngoại ngữ thì sách vở, internet, các nguồn học liệu mở sẽ trở nên vô nghĩa. Cũng đã có ý kiến cho rằng: Thiếu gì phiên dịch, nhưng họ đã nhầm! Bởi ca sĩ chỉ hát hay khi cả tâm hồn của họ hòa được vào hồn của bài hát; những tinh hoa tế giới muốn tiếp thu được cũng phải bằng cảm nhận từ chính những người giảng viên trên ngôn ngữ của thế giới. Và, đó là con đường ngắn nhất để nâng cao trình độ giảng viên, chất lượng đào tạo. Đổi mới giáo dục đào tạo thực chất là đi học người khác và nếu mù chữ thì sao học được…”

 

Từ quyết tâm của tập thể lãnh đạo Nhà trường, giảng viên, những khó khăn ban đầu dần được tháo gỡ bằng việc Nhà trường hỗ trợ đội ngũ giáo viên dậy tiếng, tạo môi trường học tập và khuyến khích giảng viên, học viên đạt kết quả ngay sau đợt đầu tiên đạt “chuẩn” bằng học phí…

 

Sau gần 4 năm, từ 2011, đến 2014, toàn trường đã có gần 80% giảng viên trong độ tuổi dưới 50 với các môn chuyên ngành đạt “chuẩn” và đến nay đã nâng lên gần 100%. Đặc biệt, hàng tháng, giảng viên chuyên ngành đã soạn thảo bài giảng bằng tiếng Anh với giáo trình mới, trao đổi bài tập với sinh viên cũng bằng tiếng Anh qua hệ thống mạng nội bộ E-Lerning.

 

Giảng viên Trần Thế Long, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHTN), cũng là người mới đạt chuẩn bậc 5 thì chia sẻ: “Học ngoại ngữ chính là cách để tự vượt qua sức ì của bản thân. Hàng ngày do yêu cầu công việc nên tôi thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng Anh, nếu không tự học thì không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bây giờ kiến thức mới nhiều, các tài liệu, giáo trình cũ dịch ra tiếng Việt chủ yếu công nghệ máy vạn năng, điều khiển bằng tay, cơ học...Kiến thức mới toàn bằng số hóa, tự động hóa, lập trình... mà giáo trình chủ yếu là tiếng Anh, nên phải học tiếng Anh thì mới bổ sung được yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy. Cũng có những đề tài, nghiên cứu của giảng viên tại Trường rất hay, nhưng không được đầu tư chiều sâu hoặc chưa được dịch sang tiếng Anh, nên không được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, dẫn đến bị thiệt thòi trong hội nhập quốc tế”. Được biết, hiện nay Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên hiện đã có 93% giảng viên dạy lý thuyết đạt chuẩn  tiếng Anh Toefl iBT và bắt đầu triển khai việc giữ chuẩn, nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ. Theo đó, hàng năm giảng viên phải chủ động đăng ký dự thi đánh giá ngoại ngữ theo chuẩn Quốc tế và Nhà trường lấy kết quả đó làm điều kiện xét tiêu chuẩn thi đua cho mỗi cán bộ, giảng viên hàng năm.

 

Từ tháng 8-2015 Nhà trường chính thức áp dụng nâng chuẩn đầu ra với chương trình đào tạo chính quy dài hạn. Theo đó, mức chuẩn năm 2012 là 350 điểm TOEFL-ITP và các năm tiếp theo nâng “chuẩn” lên 10 điểm đến hết năm 2020 sinh viên tốt nghiệp sẽ phải đạt 450 điểm  TOEFL-ITP. Được biết, hết năm 2014, toàn trường đã có trên 300 sinh viên chính quy đạt và vượt chuẩn của năm 2015, tương đương 390 điểm. Đặc biệt, từ đầu năm 2015 đến nay đã có thêm 1.688 sinh viên chính quy đạt và vượt chuẩn tiếng Anh đầu ra năm 2015 (390 TOEFL-ITP trở lên), nâng tổng số sinh viên đạt và “vượt chuẩn” năm 2015 lên 2.215 sinh viên, trong đó có 833 sinh viên đạt điểm đạt và vượt chuẩn của năm 2019 (tương đương 430 điểm). Từ điểm xuất phát học tiếng Anh để nâng cao kiến thức, đến nay việc “chuẩn” tiếng Anh trong sinh viên Nhà trường đã trở thành điều kiện tốt nghiệp và đồng thời cũng là “chìa khóa” cho việc mở cánh cửa phỏng vấn ứng thí việc làm với các doanh nghiệp đã ký kết tuyển dụng với Nhà trường. Trong 3 đợt xét tốt nghiệp của năm 2015 chỉ có 18 sinh viên không đủ điều kiện tiếng Anh để xét tốt nghiệp (chiếm 0.9%) và hơn 1.877 sinh viên chính quy đạt và vượt chuẩn (bằng 99.1%).

 

Học tiếng Anh phải sử dụng được tiếng Anh, đó là kinh nghiệm của cán bộ giảng viên và sinh viên Nhà trường. Chính vì vậy, từ chỗ chỉ có duy nhất một trung tâm dạy tiếng Anh, đến nay, toàn trường đã hình thành hàng chục câu lạc bộ tự học kết hợp các chuyên gia đến từ nước ngoài tham gia thỉnh giảng, tạo không khí học tập sôi nổi. ThS Trần Thị Huê - Trưởng bộ môn Toán Lý (Giảng dạy bằng tiếng Anh - Khoa Quốc tế), Toefl-ITP 543 cho biết: Hàng năm, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên có hàng trăm lượt giảng viên được đào tạo tại nước ngoài, tham dự hội thảo quốc tế, hàng chục giảng viên tham gia đào tạo cho người nước ngoài, rất nhiều công trình khoa học viết bằng tiếng Anh được đăng trên tạp chí lớn. Để làm được điều đó, bản thân chủ thể phải đủ năng lực ngoại ngữ.

 

Có thể nói, với những thành quả đã đạt được đã và đang tạo động lực mạnh thúc đẩy tiến trình “chuẩn” tiếng Anh và hội nhập quốc tế của Trường đang dần cán đích.