Đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học

15:30, 07/11/2015

“Nếu như chỉ trang bị lý thuyết và cơ sở lý luận thì cả người học và người dạy sẽ nhanh chóng trở thành những cái “máy”thuộc lòng sáo rỗng và nhàm chán. Vấn đề là người dạy cần phải trang bị cho người học những kiến thức cơ bản để họ có thể làm được gì cho tương lai. Xuất phát từ quan điểm đó, Trường Đại học khoa học Thái Nguyên đã xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác đào tạo là đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học; học phải đi đôi với thực hành”.

Cũng như nhiều trường đại học (ĐH) trong cả nước, việc đẩy mạnh hoạt động Nghiên cứu khoa học (NCKH) để vươn lên tầm cao tri thức mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội  hiện đang là vấn đề đầy thử thách, đòi hỏi các nhà khoa học phải tích cực tìm hướng giải quyết. Từ năm  2013 đến nay, hoạt động NCKH của Trường Đại học Khoa học đã đạt những thành tích đáng được ghi nhận. Cụ thể, nhà trường đã thực hiện 3 đề tài Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia), được duyệt mới 2 đề tài thực hiện trong năm 2015; thực hiện 5 đề tài cấp Bộ; nghiệm thu 12 đề tài cấp đại học, đồng thời hoàn thiện, tiếp tục thực hiện gần 30 đề tài và đề xuất trên 50 đề tài cấp đại học và cấp trường; thực hiện hàng chục đề tài NCKH cấp cơ sở, tăng gấp 2 đến 3 lần so với giai đoạn 2010-2012.

 

Hoạt động khoa học công nghệ (KH& CN) của Nhà trường luôn gắn với hoạt động đào tạo và mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Đặc biệt, trong 3 năm qua, hoạt động NCKH đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận bằng những giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam” của cán bộ giảng viên và sinh viên đoạt  được hàng năm. Riêng nhóm ngành khoa học tự nhiên có 6 đề tài được chọn vào vòng 2 để xét giải Nhất, giải Nhì. Kết quả hội đồng đã chọn ra được đề tài của ThS. Mai Viết Thuận với tên: “Tính ổn định của một số lớp phương trình vi phân hàm và ứng dụng trong lý thuyết điều khiển” đạt giải Nhì. Đây là lần thứ 2 trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên giành giải cao -giải thưởng “Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam” dành cho giảng viên trẻ. (Năm 2012, thạc sĩ Trương Minh Tuyên (khoa Toán) cũng đã đạt giải Nhì).

 

Xuất phát từ đặc thù đào tạo của Nhà trường nên bên cạnh việc phát huy tinh thần nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường cũng rất quan tâm đến hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học. Nếu như những năm 2010-2012 Trường mới chỉ có gần chục đề tài của sinh viên NCKH/năm, thì năm 2013, Trường nghiệm thu 77 đề tài sinh viên NCKH, triển khai thực hiện mới 52 đề tài sinh viên NCKH, gửi 6 đề tài đề nghị xét giải “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, kết quả đạt 1 giải Nhì, 2 giải Ba. Năm 2014, Trường nghiệm thu 52 đề tài sinh viên NCKH và trực tiếp sinh viên thực hiện 66 đề tài NCKH, gửi 5 đề tài đề nghị xét giải “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”, kết quả 1 sinh viên đạt giải Nhì. Năm 2015, Trường đã nghiệm thu trên 50 đề tài sinh viên NCKH và sinh viên thực hiện trên 60 đề tài NCKH. Với những kết quả này, liên tục trong 3 năm trở lại đây (2013-2015), Trường Đại học Khoa học là đơn vị dẫn đầu Đại học Thái Nguyên về thành tích hướng dẫn sinh viên NCKH và tham gia xét giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam”.

 

Ở mảng Khoa học xã hội Nhân văn, năm 2013, 2014 dưới sự hướng dẫn của PGS, TS. Phạm Thị Phương Thái, đề tài: “Văn hóa rượu của người Nùng An - Cao Bằng” do sinh viên Hứa Thị Kiều Oanh, Lớp cử nhân Văn học K8- Khoa Văn - Xã hội thực hiện và đề tài “Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ - từ góc nhìn văn hóa (khảo sát tại huyện Pắc Nặm - Bắc Kạn) do sinh viên Phạm Thị Luyến (cử nhân Văn học K8) và Lương Lê Hồng Hạnh (cử nhân Văn học K11) thực hiện đều đoạt giải Nhì. Đây là những đề tài nghiên cứu về văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp thêm cứ liệu về bản sắc văn hóa của cộng đồng, đồng thời là gợi dẫn đáng quý, thiết thực đóng góp vào việc giữ gìn, bảo tồn, quảng bá văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam. Với những thành tích như trên, nhà trường là đơn vị duy nhất của ĐHTN và là 1 trong 22 trường ĐH trên toàn quốc được nhận 2 bằng khen của Bộ GD&ĐT về thành tích KH&CN năm 2012-2013 và 2013-2014.

 

Việc NCKH đối giảng viên và sinh viên không những củng cố kiến thức đã học mà còn phát huy tính năng động, sáng tạo trong tiếp cận vấn đề khoa học. Thông qua nghiên cứu khoa học, sinh viên được rèn luyện khả năng nghiên cứu độc lập, gắn liền lý thuyết với thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho công tác sau này. Sinh viên Lương Lê Hồng Hạnh với đề tài “Lễ trưởng thành của người Sán Chỉ - từ góc nhìn văn hóa” đoạt giải Nhì “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” chia sẻ: “Nếu như chỉ học những kiến thức trong sách vở, thì rất nhanh chán, nhưng trên cơ sở những kiến thức đó, đối chiếu với quá trình đi thực tế mới thấy được những giá trị văn hóa vô cùng quý báu và nhân văn cao cả được đúc kết từ nhiều đời của cộng đồng dân cư. Còn sinh viên Hà Thị Thương cử nhân Văn học K12 chia sẻ: “Sau khi được nghiên cứu những kiến thức cơ bản của môn Việt Nam học, em mới hiểu thêm những phong tục làm lễ trong đám tang - Tại sao những người thân ruột thịt trong gia đình lại phải đội mũ rơm, bện đai tết dây chuối khô bên hông… Chính vì vậy, vừa học, chúng em luôn được trải nghiệm thực tế, tăng thêm nhưng kiến thức làm hành trang cho cuộc sông sau này”.   

 

Có thể nói, hoạt động NCKH của trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) đã và đang góp phần không nhỏ trong việc tạo ra tri thức mới phục vụ xã hội, đào tạo nguồn nhân lực năng động và sáng tạo và từng bước khẳng định vị thế của nhà trường trong hoạt động đào tạo và NCKH.