Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

09:10, 21/11/2015

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Đại đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình việc cần thiết phải đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, vì hiện nay chương trình giáo dục phổ thông quá nặng so với độ tuổi của học sinh. Hơn nữa, chương trình và SGK hiện hành còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa chú trọng rèn luyện tư duy độc lập, thói quen tự học của học sinh.

Giám sát của các đại biểu Quốc hội thời gian qua cho thấy, ngay cả học sinh ở vùng đồng bằng, thành phố, chương trình giáo dục vẫn đang bị quá tải, không phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Nguyên nhân là chương trình được thiết kế quá cao, quá nặng. Bên cạnh đó, khi thiết kế chương trình, ngành Giáo dục cho rằng mình có đủ điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện chương trình SGK ấy, nhưng trên thực tế không thể thực hiện được vì điều kiện hạn hẹp.

 

Mọi người đều thấy con em chúng ta học hành quá vất vả và mệt mỏi, không có thời gian để vui chơi. Nhiều trẻ em bây giờ còn ít tuổi nhưng đã như một ông cụ, bộ dạng không đúng với sự phát triển của lứa tuổi, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển thể chất, tâm hồn của trẻ. Điều đó về lâu dài cũng chính là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

 

Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang xôn xao xung quanh việc thiết kế môn Lịch sử trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, ở bậc trung học phổ thông, môn Công dân với Tổ quốc là một trong bốn môn học bắt buộc được tích hợp của ba phân môn: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh. Tuy nhiên, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố dự thảo đổi mới, lập tức gây nên nhiều phản ứng, băn khoăn, lo ngại việc dạy tích hợp nội dung lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc và ở một số môn tự chọn có thể dẫn đến “khai tử” môn Lịch sử. Thiết kế tích hợp và có những nội dung tự chọn có thể khiến nhiều học sinh càng trở nên thờ ơ với môn Lịch sử. Không ai có thể phủ nhận được vai trò của giáo dục lịch sử trong trường phổ thông, bởi đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực, tư duy của con người. Học sinh được giáo dục tốt, hiểu biết về lịch sử dân tộc sẽ biết quý trọng những thành quả cha ông đã gây dựng nên. Từ kiến thức lịch sử sẽ góp phần hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, trách nhiệm công dân với đất nước…

 

Không chỉ môn Lịch sử, đổi mới SGK lần này, ngành GD&ĐT đang nghiên cứu để thiết kế một bộ các chương trình phù hợp với khả năng thực tế của học sinh, giúp cho học sinh trung bình cũng có thể tiếp thu được; đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất hiện có cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu. Trong quá trình cải cách, sẽ lược bỏ những kiến thức không cần thiết, giữ lại cốt lõi để học sinh có thể tiếp thu bài vở dễ dàng hơn, tập trung phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Việc tích hợp một số bộ môn ở các cấp học phổ thông cũng cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng.

 

Cùng với đó, ngành Giáo dục sẽ thống nhất một chương trình nhưng không cứng nhắc áp dụng ở tất cả cơ sở giáo dục. Nghĩa là sẽ có một phần mang tính chất bắt buộc với tất cả học sinh trên toàn quốc; một phần mềm sẽ dành cho các địa phương có thể thiết kế thêm nội dung phù hợp với đặc thù, dựa trên thực tế trình độ học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất của từng nơi. Và có lẽ, ngành GD&ĐT cũng nên dành thời lượng để chính các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình SGK phù hợp với trường họ. Ví dụ trường khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, học sinh tiếp thu kém, giáo viên hạn chế thì thời lượng giảng dạy có thể tăng lên; những địa phương khá hơn thì có thể bổ sung kiến thức, kỹ năng ngoài kiến thức bắt buộc. Như vậy gọi là một chương trình thống nhất nhưng bên trong có rất nhiều chương trình vì có phần "mềm". Dự thảo hiện nay, Bộ GD&ĐTthiết kế phần mềm ấy khoảng 20% thời lượng và 80% là chương trình bắt buộc.

 

Đổi mới chương trình, SGK chỉ là một trong nhiều phần của đổi mới giáo dục toàn diện. Để việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông đạt hiệu quả, Ngành cần có khảo sát, điều tra kỹ lưỡng trước khi tiến hành thực hiện. Mục tiêu cuối cùng chính là cải tiến nội dung chương trình và cách dạy, cách học sao cho các môn học trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, dễ hiểu và sinh động, làm cho học sinh không cảm thấy bị nhồi nhét kiến thức. Cần hướng đến việc truyền cảm hứng để học sinh yêu thích tất cả các môn học, tạo cho các em khát khao tìm tòi, khám phá kiến thức trong nội dung các bài học mà không cảm thấy bị gò bó hay “ép buộc”. Nếu không giúp học sinh hiểu và yêu thích các môn học thì thiết kế theo kiểu tích hợp hay môn họ#c độc lập, học sinh sẽ vẫn “quay lưng” với việc tiếp thu kiến thức các môn học. Và rất có thể, mục tiêu đổi mới chương trình, SGK sẽ khó thành hiện thực.

 

Đề án Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK phổ thông mới góp phần chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và phát triển con người Việt Nam toàn diện về Đức, Trí, Thể, Mỹ, hướng tới “công dân toàn cầu”.