Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

18:03, 08/11/2015

Phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, cùng với Hội khuyến học trong cả nước, những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh đã đã không ngừng đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, trở thành phong trào thi đua sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhận thức được vai trò quan trọng của cán bộ Hội, trong những năm qua Hội Khuyến học tỉnh đã đặc biệt chú trọng đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác ở cơ sở. Đến nay, tổ chức Hội khuyến học cơ sở đã hình thành từ trong các làng bản, xã phường, đến các cơ quan, đơn vị, nhà trường… 

 

Năm 2015 toàn tỉnh đã có 4.308 chi hội và ban khuyến học, tăng 932 chi hội và ban khuyến học so với đầu nhiệm kỳ, số hội viên năm 2015 đã lên tới 291.994 bằng 24,33% dân số, tăng 96.602 hội viên. Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đã phát triển sâu rộng, tạo nên một điểm nhấn trong sinh hoạt cộng đồng. Đến năm 2015, Thái Nguyên đã có 150.674 gia đình đạt Gia đình hiếu học bằng 72% số gia đình đăng ký. Tăng hơn đầu nhiệm kỳ là 94.290 gia đình.

 

Đầu nhiệm kỳ trên toàn tỉnh có 389 dòng họ có phong trào khuyến học, nhưng mới tập trung chủ yếu ở huyện Phú Bình, Phổ Yên. Đến năm 2015 toàn tỉnh đã có 615 dòng họ rải khắp các địa phương và đã có 396 dòng họ được bình xét đạt Dòng họ hiếu học, bằng 65% số dòng họ đã đăng ký. Trên toàn tỉnh đã có hàng nghìn chi hội ở các xóm, bản, tổ dân cư và ban khuyến học trong các cơ quan, đơn vị, nhà trường phấn đấu và được công nhận là Cộng đồng khuyến học tiên tiến xuất sắc.

 

Thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng”, Tỉnh hội đã tiến hành thí điểm xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” theo tiêu chí mới tại tất cả 9 huyện, thành, thị trong tỉnh, mỗi địa phương tiến hành thí điểm ở 1 xã, mỗi xã phường tiến hành thí điểm ở 2 tổ nhân dân với 20 gia đình. Công tác thí điểm đã hoàn tất và đã rút ra được một số kinh nghiệm vận động để từ năm 2016 sẽ hình thành các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trên địa bàn toàn tỉnh theo những chỉ tiêu đã đặt ra cho năm 2020.

 

Nhờ đa dạng hóa các hình thức vận động tham gia, ủng hộ, đến nay, số lũy kế Quỹ Khuyến học trong toàn tỉnh đã đạt trên 16 tỷ đồng và đạt bình quân hơn 13.000 đồng/người dân (mức bình quân toàn quốc hiện nay là 10.000 đồng/người). Quỹ khuyến học không ngừng tăng nhanh và phát triển đa dạng cùng với việc sử dụng minh bạch có hiệu quả. Đầu nhiệm kỳ II (Năm 2008) số lũy kế Quỹ Khuyến học trên địa bàn toàn tỉnh mới đạt 4,8 tỷ đồng, đến năm 2015 số lũy kế đã đạt trên 16 tỷ đồng. Quỹ Khuyến học hình thành khá đa dạng: từ trong gia đình, dòng họ đến mỗi tổ nhân dân, xóm bản, xã phường, huyện, thành thị đến các cơ quan, đơn vị, nhà chùa, họ đạo, đến hội đồng hương, Hội Cựu chiến binh… để động viên con em học tập tốt. Hội Khuyến học tỉnh cũng đã tích cực liên hệ với nhiều tổ chức và doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh để tài trợ Quỹ Khuyến học. Bước tiến của việc xây dựng Quỹ Khuyến học là đã hình thành Quỹ Khuyến học mang tên doanh nghiệp như “Quỹ Khuyến học TNG”của Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại TNG Thái Nguyên. Quỹ “Vì em hiếu học” của Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel chi nhánh Thái Nguyên hỗ trợ cho học sinh nghèo vùng 135 của tỉnh; tạo nguồn lực ngày càng lớn và ổn định. Việc sử dụng Quỹ Khuyến học được tiến hành đúng đối tượng, đúng mục đích và công khai minh bạch. Tính trong cả nhiệm kỳ, tổng các nguồn Quỹ Khuyến học trên địa bàn tỉnh đã chi hơn 70 tỷ đồng. Nếu năm 2008 chi 3,36 tỷ, thì năm 2015 đã chi tới 11,20 tỷ đồng. Có thể khẳng định Quỹ Khuyến học ngày càng phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển của phong trào Khuyến học, khuyến tài trong toàn tỉnh.

 

Từ đầu năm học 2013-2014, cùng với đẩy mạnh việc động viên, khen thưởng học sinh giỏi ở tất cả các cấp Hội, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục triển khai chương trình giúp đỡ học sinh nghèo trong toàn tỉnh. Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Tiếp sức em tới trường” qua 3 năm tổ chức (2013-2015) đã trao tặng học bổng cho gần 36 nghìn học sinh nghèo với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. Từ năm 2014, Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Tiếp sức em tới trường” được kết nối với Chương trình “Vì em hiếu học” của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel - Chi nhánh Thái Nguyên, trở thành chương trình chung với chủ đề “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường - vì em hiếu học”. Từ đó đã hỗ trợ được thêm nhiều học sinh nghèo, trong đó có 820 học sinh hiếu học gia đình thuộc hộ nghèo ở 82 xã vùng đặc biệt khói khăn (vùng 135) của tỉnh. Việc tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường - Vì em hiếu học” đã có sự lan tỏa rộng khắp và trở thành một dấu ấn nổi bật trong công tác khuyến học.

 

Với những thành tích đã đạt được, năm 2009, Hội Khuyến học tỉnh được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2012 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Liên tục hàng năm, Hội Khuyến học tỉnh đều được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen.

 

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu không ngừng đổi mới phương thức hoạt động của Hội; chủ động giữ vai trò nòng cốt liên kết với các lực lượng xã hội trong hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

 

 

Các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020

- Phát triển nâng tỷ lệ hội viên lên trên 25% dân số.- 100% cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp thành lập Ban Khuyến học và hoạt động có hiệu quả.    

- 100% cán bộ, hội viên được nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.

- 70% gia đình được công nhận Danh hiệu “Gia đình học tập”; 50% dòng họ được công nhận Danh hiệu “Dòng họ học tập”; 60% cộng đồng (làng, bản, tổ dân phố và tương đương) đạt Danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các tỷ lệ này tương ứng là  60%, 40% và 50%.

- 50% các tổ chức, cơ quan, trường học, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”. - Phấn đấu nâng bình quân Quỹ Khuyến học toàn tỉnh đạt 16.000đ/người dân/ năm vào năm 2020.