Góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục

16:35, 27/11/2015

Theo Quyết định của UBND tỉnh, Hội Cựu giáo chức (CGC) tỉnh được thành lập ngày 22-7-2005. Với hơn 1.000 hội viên ban đầu, đến nay, sau 10 năm hoạt động, Hội CGC tỉnh đã có hơn 7.000 hội viên, hình thành một tổ chức hội từ cấp tỉnh, huyện đến xã, phường, các trường học và cơ quan giáo dục. Hội trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người trước đây từng công tác trong hệ thống giáo dục quốc dân, nay đang nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh.  

Hoạt động của Hội CGC tỉnh đã tập hợp được những nhà giáo, người công tác trong ngành Giáo dục đã nghỉ hưu tự nguyện tham gia để tiếp tục phát huy năng lực và trí tuệ, phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, nhằm giao lưu tình cảm, nghề nghiệp, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, động viên nhau tiếp tục góp phần thực hiện chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, tham gia hoạt động xã hội, chính trị ở nơi cư trú. Những năm qua, Hội đã duy trì các hoạt động thường kỳ hàng năm như: Tổ chức gặp mặt các hội viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11; chúc Tết các nhà giáo cao niên nhân dịp đầu Xuân mới... Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, nét văn hóa trong giáo dục Việt Nam được giữ gìn, phát huy trong những lần gặp mặt này. Mọi hội viên đều tâm niệm “Thủy chung sự nghiệp trồng người/ Tấm gương giáo chức một đời sáng trong”, tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục cống hiến cho gia đình, đóng góp cho xã hội. Việc thăm hỏi lúc ốm đau, tiễn đưa nhau khi qua đời, chia sẻ với nhau khi gia đình có biến cố đã được các hội viên ở cơ sở tổ chức rất chu đáo. Một số giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy, tham gia hội đồng bảo vệ luận văn sau đại học của sinh viên.

 

Một số nhà giáo ngành học mầm non, tiểu học vừa nghỉ hưu đã tiếp tục tham gia giảng dạy ở một số trường tư thục. Hội CGC ở các xã nông thôn, miền núi còn tham gia vận động học sinh tiểu học, THCS bỏ học trở lại trường, quyên góp sách vở, giấy bút, quần áo giúp các em nhà nghèo học tập. Hầu hết các Hội CGC theo địa bàn hành chính đều là thành viên của Ủy ban MTTQ cùng cấp. Nhiều hội viên được bầu vào cấp ủy, làm bí thư chi bộ, trưởng xóm hoặc tổ trưởng tổ dân phố, tham gia các tổ chức quần chúng ở địa phương…Dù trên cương vị nào, các hội viên cũng phát huy được tinh thần trách nhiệm của nhà giáo. Hầu hết các gia đình CGC đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa, nhiều hội viên còn nêu gương sáng trong việc xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học. Các hội viên CGC còn là nòng cốt của hội khuyến học từ cấp tỉnh, huyện đến cơ sở.

 

Hoạt động của Hội CGC đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ủy ban MTTQ và ngành Giáo dục ghi nhận, động viên. Ban đầu là những câu lạc bộ chủ yếu chỉ giao lưu tình cảm, Hội đã tổ chức, động viên, khuyến khích các tổ chức hội và hội viên tiếp tục tham gia các hoạt động giáo dục cũng như hoạt động xã hội. Dù chỉ mang tính chất là tổ chức hội xã hội nghề nghiệp, không có trợ cấp thường xuyên, không được trang bị điều kiện cơ sở vật chất, không có biên chế giúp việc, nhưng Hội CGC đã được các hội viên tin yêu, ngành Giáo dục trân trọng, xã hội tin tưởng.

 

Những hoạt động của Hội CGC để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong hai nhiệm kỳ vừa qua đó là: Gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (1982-2012), kỷ niệm 45 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành Giáo dục (15/10/1968 - 15/10/2013); tổ chức cho các hội viên về nguồn thăm ATK Định Hóa - nơi Bác Hồ và Trung ương Đảng đã ở, làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp - để nhớ về những lời dạy của Bác với công tác giáo dục - đào tạo; động viên các tổ chức Hội và hội viên tiếp tục hoạt động cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (năm 2015), Hội đã tổ chức gặp mặt hơn 300 nhà giáo hội viên là những người đã tham gia phát triển giáo dục trong các cuộc kháng chiến. Đó là những nhà giáo ở miền xuôi lên Thái Nguyên dạy học từ những năm 1950; những nhà giáo Thái Nguyên đi dạy học ở các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc - nơi giáo dục còn khó khăn hơn tỉnh ta - vào những năm 1960; những nhà giáo Thái Nguyên đi dạy học ở vùng giải phóng miền Nam trước năm 1975 và những nhà giáo của tỉnh tham gia giúp hai nước bạn Lào, Campuchia phát triển giáo dục trong kháng chiến. Tháng 6-2015, Hội tổ chức thảo luận về nội dung giáo dục trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) và các biện pháp thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Những ý kiến đóng góp tâm huyết của các hội viên đã được gửi tới Hội CGC Việt Nam và Tỉnh ủy Thái Nguyên…

 

Để đạt được những kết quả trên là do Hội CGC có một hệ thống ban chấp hành từ cấp tỉnh, huyện đến cơ sở, các nhà trường và đơn vị giáo dục hoạt động nhiệt tình, trách nhiệm. Tổ chức Hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ của ủy ban MTTQ, các đoàn thể, ngành Giáo dục và các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Những năm tới, với phương châm đoàn kết, trách nhiệm, trí tuệ, Hội sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong 10 năm qua, nâng cao hiệu quả các hoạt động, thực sự là một tổ chức hội nghề nghiệp tin cậy của ngành Giáo dục, là lực lượng xã hội tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.