Nhiều giáo viên cho rằng, môn Lịch sử nên được đứng độc lập. Việc tích hợp với các môn khác sẽ gượng ép, đưa học sinh đến những khái niệm trừu tượng.
Mới đây, trong Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, Bộ Giáo dục – Đào tạo dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng thành môn mới là Công dân với Tổ quốc. Ngay lập tức, hàng loạt ý kiến trong dư luận đã phản bác về ý tưởng này.
Nhiều chuyên gia giáo dục và giáo viên phổ thông cho rằng, với vai trò quan trọng của mình, môn Lịch sử cần đứng độc lập chứ không thể gộp kèm với bất kỳ môn học nào.
Là người công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo Quận 5, TP HCM cho rằng, dạy học tích hợp là xu thế của giáo dục thế giới mà Việt Nam nên học tập. Thế nhưng phải tích hợp sao cho khoa học và hiệu quả trên một lộ trình cụ thể.
Riêng với việc tích hợp môn Lịch sử với 2 môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng, bà Thu kịch liệt phản đối vì theo bà, đây là cách làm khập khiễng: “Việc tích hợp 3 môn Lịch sử với Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng là điều không khả thi bởi làm như vậy sẽ rất gượng ép và đưa học sinh đến những khái niệm trừu tượng. Theo tôi, nếu tích hợp thì có thể tích hợp môn Lịch sử với Giáo dục công dân. Khi học sinh hiểu được lịch sử của nước nhà, giáo viên sẽ giáo dục các em về lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước qua môn Giáo dục công dân thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Còn với An ninh quốc phòng, tôi nghĩ nên để hẳn thành một môn riêng”.
Nếu Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” nói trên của Bộ Giáo dục – Đào tạo được thông qua, người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc học gộp “3 trong 1” này không ai khác là các em học sinh.
Em Nguyễn Vũ Thành An, học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, TP HCM cho rằng: “Theo em, chúng ta không nên tích hợp vì môn Lịch sử có đặc thù riêng. Chúng ta có thể tìm hiểu về lịch sử Việt Nam cũng như thế giới còn môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng có những vấn đề về nghĩa vụ... Không tích hợp thì mọi thứ sẽ rõ ràng hơn”.
Bên cạnh người học, người dạy Lịch sử đa phần cũng tỏ ra không đồng tình với ý tưởng tích hợp môn học này với những môn học khác. Nhiều giáo viên tại TP HCM cho rằng, Lịch sử là môn học mang tính đặc thù và đặc biệt. Đây cũng là môn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ. Vì thế, thay vì cắt xén, gộp chung với các môn học khác, Bộ Giáo dục – Đào tạo nên định hướng và tạo điều kiện cho các trường thay đổi cách dạy Sử để thu hút người học.
Cô Phạm Thị Hoài Thương, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Nhân Việt cho biết: “Bản thân tôi thấy việc tích hợp này không hợp lý vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nếu như tích hợp vào chắc chắn chúng ta phải lược bỏ bớt nội dung. Và việc cắt xén, lược bỏ bớt như vậy thì sẽ không đảm bảo chương trình giáo dục toàn diện cho học sinh.
Mặt khác, khi tích hợp như vậy thì vị trí và vai trò của môn Lịch sử phải giảm đi và thế hệ học sinh các em sẽ không nắm bắt được, không hiểu hết được Lịch sử. Từ đó không có tác dụng giáo dục cho các em hướng về cội nguồn. Thứ ba, thay đổi như vậy thì nên có kế hoạch lâu dài từ trước chứ không nên thay đổi một cách đột ngột như vậy”.
Những người yêu thích môn Lịch sử mong rằng, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ lắng nghe ý kiến của dư luận để giữ nguyên vai trò độc lập của môn học giàu ý nghĩa này./.