Nhọc nhằn người giáo viên cắm bản

15:39, 14/11/2015

Ngày ngày, dù mưa hay nắng, chị vẫn lặng lẽ vượt hơn 50km để về nhà sau mỗi giờ miệt mài giảng dạy trên lớp. Với chị, 18 năm công tác, là chừng ấy thời gian chị được sống, trải nghiệm và gắn bó với bao vui, buồn bên lớp lớp học sinh và mảnh đất nơi rẻo cao này. Nén nỗi buồn riêng, quên đi chật vật của cuộc sống đời thường, chị vẫn vững tay “đưa đò” để “gieo mầm tương lai” cho các em. Chị là Đặng Thị Thảo, 43 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Cúc Đường (Võ Nhai).

“Cõng chữ” lên non…

 

Lần đầu tiên gặp chị, chúng tôi đã ấn tượng bởi sự hiền dịu, đôi mắt đượm buồn và cách nói chuyện nhẹ nhàng, thân tình của chị. Rót ly nước mời khách, chị nhìn xa xăm rồi bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những ngày chân ướt chân ráo vào nghề. Quê chị ở xóm Đồng Xè, xã Sơn Cẩm, Phú Lương. Tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chị cũng từng đôn đáo khắp nơi xin việc. Năm 1997, chị được nhận vào Trường Tiểu học Cúc Đường làm việc và gắn bó với ngôi trường này từ đó đến nay.

 

Ngày đầu nhận công tác, chị được phân công về dạy lớp xóa mù chữ tại khu Lầm Thăng, xóm Mỏ Chì. Đây là xóm khó khăn nhất xã, bởi xa trung tâm, đường đi khấp khuỷu, gập ghềnh, lại không có điện. 100% các hộ dân trong xóm là dân tộc Mông, nên nhận thức hạn chế, còn nhiều hủ tục lạc hậu. Thành phần lớp xóa mù đều là người lớn tuổi, lại là những lao động chính trong gia đình, nên lịch học rất đặc biệt: Không dạy theo chương trình, kế hoạch mà dạy theo mùa vụ, thời tiết, theo “hứng” của học sinh và sự sắp xếp của Trưởng xóm. Ngày nghỉ cũng như ngày thường, cứ có học sinh đến lớp là chị dạy. Nhiều khi “học trò” nghỉ đông quá, chị lặn lội đến từng gia đình để vận động đến lớp. Nhắc lại ngày đó, chị không thể quên được kỷ niệm bụng mang dạ chửa nhưng thường xuyên phải “đánh vật” với con đường để vào xóm dạy học, lấy cây gậy làm bạn. Thân gái sống xa nhà, một mình chống chọi với vô vàn khó khăn, nhiều khi tủi thân, chị chỉ biết lặng lẽ nép dưới gốc phượng để khóc.

 

Năm 2004, chị lại trở thành giáo viên cắm bản khi về tăng cường tại điểm trường Lũng Luông, xã Thượng Nung. So với Mỏ Chì, Lũng Luông ở cao và hiểm trở hơn. Chị phải leo bộ gần 20km dốc đá cheo leo để tới lớp. Sinh hoạt hàng ngày ở bản, chị hiểu nhà nào cũng nghèo, nên vận động học sinh đến tuổi đi học đã khó, giữ các em bám lớp càng khó hơn. Phòng học và nhà ở của giáo viên đều được ghép bằng tre, gỗ trống huơ trống hoắc. Nhiều đêm, mưa to, nhà dột, nước chảy vào nền nhà nhão nhoét, gió lùa rét thấu xương. Dấu chân các chị, người “cõng chữ” lên non, nuôi ước mơ cho lớp lớp trẻ em ở bản nghèo như hằn lên từng phiến đá.

 

Trường Tiểu học Cúc Đường có 4 phân trường: Trường Sơn, Lam Sơn, Tân Sơn, Mỏ Chì thì cả 4 nơi chị đều đến cắm bản. Ở những nơi còn nhiều khó khăn khiến chị không ít lần nản lòng nhưng chính ánh mắt thơ ngây, hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao, tình cảm chân thành của các “bác học trò” dành cho cô giáo, sự động viên của gia đình và cũng vì mưu sinh của bản thân… đã níu chị lại. Lớp học đầu tiên của chị, nay nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo cốt cán của xã, xóm, như: Ông Hoàng Văn Tài (Bí thư Chi bộ), ông Hoàng Văn Chú (Trưởng xóm Mỏ Chì). Nhiều học sinh tốt nghiệp đại học đã có công ăn việc làm ổn định… Còn chị vẫn tiếp tục bám trường, bám lớp, coi những khó khăn là thử thách, trải nghiệm giúp mình ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn với sự nghiệp trồng người.

 

 “Gieo mầm” tương lai

 

Giờ thể dục giữa giờ vừa tan, sau tiếng trống trường, các em học sinh lớp 1A lại ríu rít như những chú chim non gọi nhau vào lớp. Các bé nhanh chóng ổn định chỗ ngồi của mình rồi chăm chú nhìn lên bảng. Chứng kiến giờ dạy học tiếng Việt của chị theo chương trình công nghệ giáo dục, chúng tôi thấy các em đều giơ tay phát biểu, không khí lớp học rất sôi nổi, hào hứng.

 

Chị cho biết, ban đầu khi tiếp cận chương trình này cả giáo viên và học sinh đều bỡ ngỡ. Đối với phụ huynh, lúc đầu, hầu hết mọi người đều lo lắng vì khi về nhà không thể dạy được cho con em mình.Vì vậy, để phụ huynh hiểu và phần nào giúp con học tại nhà, chị thường tổ chức các buổi họp phụ huynh, phổ biến rõ quy trình mới, đồng thời thường xuyên trao đổi cập nhật kiến thức, kỹ năng truyền đạt. Sau một thời gian, thông qua các hoạt động học, học sinh được vận động, trải nghiệm qua sự hướng dẫn của cô giáo nên các em bắt đầu thấy thích thú, học sinh tiếp thu bài học với thái độ mạnh dạn, tự tin hơn. Các bậc phụ huynh cũng an tâm và đồng tình ủng hộ hơn.

 

Theo chị, để có giờ tiếng Việt - công nghệ giáo dục đạt kết quả tốt, giáo viên phải bám chắc vào thiết kế chương trình, nắm được đặc điểm tâm sinh lý học của học sinh và đặc điểm yêu cầu, mục đích của tiết dạy để sử dụng phương pháp, kỹ năng cho phù hợp.

 

Nhìn sự miệt mài của cô, sự chăm ngoan, hào hứng học tập của học trò, chúng tôi hiểu để có được kết quả đó, chị đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Anh Vũ Kỳ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cúc Đường cho biết: Chị Thảo là người sống hòa nhã, đoàn kết với mọi người, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện, liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

 

Trò chuyện với chúng tôi, chị xúc động, cố kìm nén những giọt nước mắt khi nhắc đến người chồng mới mất sau thời gian dài lâm bệnh, bỏ lại chị và cậu con trai đang học năm nhất Trường Đại học Nông Lâm. Từ khi chồng mất, con trai bận học, thường xuyên vắng nhà, ngôi nhà càng trở nên lạnh lẽo hơn. Mong muốn lớn nhất của chị là một ngày gần nhất được chuyển công tác về gần nhà.