Nữ giáo viên đoạt giải sáng tạo

11:16, 20/11/2015

“Dù sắp nghỉ hưu song cô giáo Đào Thanh Thảo vẫn rất nhiệt tình, đam mê sáng tạo khoa học, luôn nỗ lực tìm tòi và đổi mới phương pháp giảng dạy. Năm 2014, cô giáo Thảo là một trong 2 giáo viên của tỉnh đã đoạt giải trong Hội thi Nữ giáo viên sáng tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nhà trường rất vinh dự khi có giáo viên tham gia và đoạt giải”. Đó là lời nhận xét của thầy giáo Trần Quốc Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Bá Xuyên, T.P Sông Công, nơi cô Thảo đang công tác.

Chúng tôi đến nhà đúng lúc cô Thảo đang miệt mài soạn giáo án, chuẩn bị cho tiết học ngày hôm sau. Trên màn hình máy tính, bài giảng của cô có rất nhiều hình ảnh được ghép, trình bày theo từng mục rất khoa học. Cô Thảo chia sẻ: “Có máy tính nên soạn bài đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Chúng tôi không còn phải tô, vẽ hình, kẻ bảng lên các tờ lịch cũ, các tấm bảng gỗ nhỏ, thay vào đó chỉ cần vài thao tác là có rất nhiều tư liệu phục vụ cho bài học”. Cô Thảo cho chúng tôi xem các bài giảng mà cô đã hoàn thành, trong đó có đề tài mà cô đã đoạt giải Khuyến khích trong Hội thi.

 

Đề tài cô Thảo lựa chọn là bài sinh học lớp 7 “Đa dạng và đặc điểm chung của lớp chim”. Trong hàng nghìn đề tài dự thi, đây là 1 trong 3 đề tài đã được Ban Tổ chức Hội thi lựa chọn và trao giải thuộc bộ môn Sinh học. Theo cô Thảo, Hội thi được Bộ Giáo dục - Đào tạo phát động từ tháng 4-2014 nhằm phát huy tính sáng tạo ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, giảng dạy giáo dục học sinh của các nữ giáo viên tại các cấp học. Với đề tài đã chọn, cô Thảo sử dụng các phần mềm hỗ trợ, bài giảng E-Learning (học trực tuyến), sưu tầm các hình ảnh, video về các loài chim từ trên mạng. Đề tài này đã được cô Thảo dạy thử nghiệm và so sánh giữa tại 2 lớp học của khối 7 có chất lượng học sinh tương đương, 1 lớp học bài giảng điện tử và lớp giảng dạy thông thường. Kết quả, các em học sinh rất hiểu bài, phân biệt được các nhóm chim chạy, chim bay, chim bơi, qua kiểm tra đánh giá, số điểm giỏi, điểm khá nhiều hơn.

 

Tiết học chỉ gói gọn trong 45 phút nên làm thế nào để toàn bộ nội dung được truyền tải mà bài học vẫn sinh động, gây hứng khởi trong học sinh. Đó là điều mà những người làm nghề giáo như cô Thảo luôn hướng đến. Nói về những ngày làm Đề tài, cô Thảo cho biết: Lựa chọn xong chủ đề, tôi mất 1 tuần để hoàn thành, từ việc lên mạng tìm tư liệu hình ảnh đến việc cắt cúp video, xử lý hình ảnh, tạo giao diện từng trang trong bài giảng. Việc này chiếm ít thời gian bởi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động hơn chục năm qua. Chúng tôi được tham gia rất nhiều lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng thiết kế giáo án điện tử do ngành Giáo dục tổ chức. Cái khó khi thực hiện là tôi phải sử dụng các phần mềm thiết kế bài giảng, trong khi các phần mềm này đều có bản quyền. Do điều kiện kinh tế không cho phép, tôi chỉ sử dụng các bản miễn phí nên khi hết hạn lại phải tải, cài đặt phần mềm khác, tốn khá nhiều thời gian, nhiều lúc không biết xoay xở ra sao. Cũng may được các đồng nghiệp trong ngành chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, tôi đã vận dụng và hoàn thành bài giảng.

 

Tận tình, trách nhiệm với nghề, cô Thảo đã nhiều lần tự sáng tạo ra công cụ trợ giảng, các mô hình: Đột biến gen, nhiễm sắc thể... giúp học sinh ghi nhớ, vận dụng lý thuyết bằng hình ảnh, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào sách vở. Khi chúng tôi hỏi: Ở tuổi này (cô Thảo sinh năm 1962) việc đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy có gây khó cho cô không? Cô Thảo tươi cười khẳng định: Trong bất kỳ công việc gì, cái mới bao giờ cũng khó, nhất là đối với những người làm công tác giáo dục như chúng tôi. Việc đem đến cho học sinh môi trường học tập thân thiện, tích cực là trách nhiệm của Nhà trường, của các thầy, cô giáo. Bản thân mỗi thầy, cô cần phát huy tấm gương đạo đức tự học tự sáng tạo, không ngừng rèn luyện. Với riêng bản thân tôi, mọi sự cố gắng sẽ có kết quả, và tôi cũng hy vọng sẽ xóa bỏ được định kiến mà lâu nay mọi người vẫn thường nhắc đến: “Nhiều thầy cô giáo do tuổi cao nên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy còn hạn chế”.

 

Hơn 30 năm công tác tại Trường THCS Bá Xuyên, những Giấy khen, Bằng khen của cô Thảo qua các giai đoạn chính là sự ghi nhận cho sự cố gắng, nỗ lực của cô trong sự nghiệp “trồng người”.