Nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2015), phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn PGS-TS Phạm Việt Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về một số vấn đề xung quanh vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo hiện nay.
P.V: Trước hết, đồng chí có thể cho biết khái quát về lịch sử ra đời Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Dân tộc ta vốn có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Từ xưa đến nay, nghề dạy học luôn được nhân dân quý trọng và yêu mến. Phát huy truyền thống ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành GD&ĐT nước nhà đã không ngừng phát triển. Những thành tựu ngành đạt được chính là nhờ bao thế hệ các thầy, cô giáo luôn tận tình, tâm huyết với nghề, tạo nên truyền thống tốt đẹp của đội ngũ nhà giáo Việt Nam.
Ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20-11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Quyết định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp GD&ĐT lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
P.V: Thời gian qua, ngành Giáo dục rất quan tâm đến việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động. Xin đồng chí cho biết đôi nét về kết quả thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong toàn ngành Giáo dục tỉnh?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Theo chiều dài lịch sử của dân tộc, người thầy giáo được bồi dưỡng, rèn luyện trong các phong trào, cuộc vận động mang tính quần chúng rộng lớn, với đặc trưng nghề nghiệp sâu sắc, từ đó có tác dụng giáo dục tập thể và ý thức tự giác phấn đấu hoàn thiện mình của mỗi người. Đặc biệt, ngày 16-11-2007, tại Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Đây chính là việc làm cụ thể hóa một cách sáng tạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Từ đó đến nay, hàng năm, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Công đoàn ngành tổ chức tuyên truyền và phát động Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” sâu rộng trên địa bàn tỉnh, 100% các đơn vị trong ngành đăng ký thực hiện và tổ chức triển khai đến từng cán bộ, giáo viên. Kết thúc mỗi năm học, 100% các trường đều tổ chức đánh giá nghiêm túc kết quả thực hiện theo hướng dẫn của ngành. Cuộc vận động này được lồng ghép trong phong trào thi đua của toàn ngành nên đã tạo không khí thi đua sôi nổi và có chiều sâu. Từ đó có tác dụng tốt giúp cho mỗi cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành tự rèn luyện mình về đạo đức lối sống, về trình độ chuyên môn nghiệp vụ để thực sự là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay.
Về kết quả thực hiện Cuộc vận động trong năm học 2014-2015: Tổng số cán bộ, công chức, người lao động của ngành GD&ĐT tỉnh là 20.561 người, đánh giá 19.678 người (đạt 95,74%), trong đó xếp loại tốt là 16.700 người (chiếm 84,82%, tăng 2,7% so với năm học trước), loại khá 2.764 người (chiếm 14,03%, giảm 2,12%), loại đạt yêu cầu 215 người (chiếm 1,09%, tăng 0,11%), loại cần cố gắng 11 người (chiếm 0,06%, giảm 0,16%).Có thể khẳng định, thông qua việc thực hiện Cuộc vận động này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, sáng tạo trong các hoạt động dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo hướng thực chất hơn.
P.V: Hiện nay, toàn ngành đang tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trước đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với người thầy, đồng chí có nhắn nhủ gì đối với các thầy, cô giáo trong toàn ngành?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Toàn ngành đang tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đứng trước những yêu cầu cao của xã hội, tôi mong các thầy, cô giáo - với tư cách là những chiến sĩ của Đảng trên mặt trận tư tưởng và văn hóa - luôn chủ động, sáng tạo tìm biện pháp tháo gỡ những khó khăn, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá… Vận dụng linh hoạt các phương pháp tiên tiến, hiện đại trong quá trình dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho.
Kỷ niệm 33 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là dịp để mỗi cán bộ, giáo viên, người lao động trong toàn ngành GD&ĐT nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, từ đó coi việc học tập, rèn luyện, phấn đấu là nhu cầu tự thân vì sự học, sự dạy để tạo nên ý nghĩa cao cả của nghề nghiệp mà mỗi người đã và đang theo đuổi, gánh vác trọn đời. Tôi mong tất cả các cán bộ quản lý, các thầy, cô giáo phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp của đội ngũ nhà giáo Việt Nam, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, giàu lòng nhân ái, đầy lòng vị tha, suốt đời tận tụy với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, luôn sống giản dị, trong sáng, mẫu mực, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, cần cù và sáng tạo trong lao động dạy học “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người”.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!