Thầy giáo mầm non yêu nghề, mến trẻ

09:40, 18/11/2015

Chúng tôi đến xã vùng cao Vũ Chấn (Võ Nhai) vào một ngày đầu Đông đầy nắng. 15 giờ, trên sân Trường mầm non Vũ Chấn không một bóng người, trong nắng chiều, dãy nhà lớp học 2 tầng khang trang đổ bóng dài xuống sân trường. Từ trên tầng 2 vang lên một giọng nam đang giảng bài, tiếng thầy ấm áp, gần gũi, thân thương đến lạ thường.

Phải ngồi đợi khá lâu, chúng tôi mới gặp được anh - thầy giáo Ma Đình Hiểu, giáo viên Trường mầm non Vũ Chấn và là thầy giáo mầm non duy nhất ở huyện Võ Nhai. Ấn tượng đầu tiên của tôi về người thầy này là dáng người dong dỏng cao, nụ cười tươi và đôi mắt sáng. Vừa gặp chúng tôi, anh phân bua: Các chị thông cảm nhé, cứ cuối giờ chiều là tôi bận lắm! Giờ trả trẻ mà, không ngơi tay lúc nào…

 

Khi chúng tôi hỏi, cơ duyên nào đưa anh đến với cái nghề chỉ phù hợp với phụ nữ này, anh cười: Tôi tốt nghiệp THPT năm 2007, nhưng phải đến năm 2012 mới quyết định thi vào Khoa sư phạm Mầm non, hệ trung cấp của Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên. Tôi yêu nghề sư phạm, yêu con trẻ thì dấn thân vào nghề thôi…

 

Thầy Hiểu về dạy học tại Trường mầm non Vũ Chấn từ tháng 9-2014 khi đã yên bề gia thất. Dù mỗi ngày phải làm việc ở Trường từ 9 đến 10 tiếng đồng hồ mà lương bổng chẳng được bao nhiêu, nhưng thầy vẫn luôn nhận được lời động viên từ người thân, nhất là người vợ hiền đảm đang, gánh vác mọi công việc đồng áng nặng nhọc để chồng yên tâm gắn bó với nghề dạy học. Hơn một năm đứng lớp đã để lại trong thầy biết bao kỷ niệm vui buồn. Thầy chia sẻ: Yêu nghề đấy, nhưng khi mới được nhận vào dạy trẻ 4-5 tuổi, tôi cũng rất bỡ ngỡ. Ở vùng cao, trẻ em nhút nhát lắm, các cháu chủ yếu là người dân tộc Tày,  Dao… Có cháu ra lớp còn chưa biết nói tiếng Kinh, ăn cũng khóc, ngủ cũng khóc. Người thân của các cháu thì mải mê công việc nên có lúc quên cả giờ đón trẻ… Chẳng còn cách nào hơn là gần gũi và yêu thương trẻ như chính con, cháu của mình. Chăm sóc cho các cháu từng miếng ăn, giấc ngủ; dạy chúng nói tiếng Kinh, học hát, múa, đọc thơ; thậm chí là chải đầu, tết tóc cho lũ nhỏ… để chúng thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui và không quấy khóc đòi về nữa. Đồng thời, cảm thông, chia sẻ, thường xuyên trao đổi với các bậc phụ huynh để họ chăm lo đến con cái nhiều hơn.

 

Kỷ niệm đáng nhớ nhất sau một thời gian đứng lớp của thầy Hiểu là trường hợp của cậu học sinh Dương Anh Thử, người dân tộc Dao ở xóm Khe Cái. Ngày mới nhận lớp, khi gia đình đưa Thử đến trường, thầy Hiểu thấy em không được nhanh nhẹn như các bạn cùng lứa tuổi. Em nói chuyện và ăn uống rất khó khăn, miệng liên tục chảy nước miếng, thể trạng gầy yếu. Đầu năm học, Thử đã 4 tuổi nhưng mới nặng 11kg (chỉ bằng cháu bé 2 tuổi). Đặc biệt, cậu bé nhút nhát đến mức không bao giờ chơi đùa với các bạn trong lớp. Thầy Hiểu chia sẻ: Vì cháu bị dị tật bẩm sinh như vậy nên tôi quan tâm đến cháu nhiều hơn các cháu khác trong lớp. Tôi luôn quan tâm vệ sinh sạch sẽ cho cháu. Giờ ăn, tôi bón cho cháu đến khi hết khẩu phần mới thôi. Tôi thường hay hướng cháu tham gia vào các hoạt động vui chơi của lớp. Tôi mừng lắm khi lên lớp 5-6 tuổi, cháu lớn lên nhiều, thể trạng và cân nặng khá hơn trước. Mừng nhất là cháu đã hòa đồng với các bạn, nói được khá lưu loát. Với trẻ bị khuyết tật thì mức độ quan tâm là vậy, còn với những cháu hiếu động, thông minh thầy Hiểu lại phải giáo dục theo cách riêng của mình. Đó là trường hợp của cháu Triệu Phúc Lộc ở xóm Khe Nọi. Cháu Lộc rất nghịch ngợm, thường xuyên leo trèo và nhảy từ trên cao xuống. Nếu không nghiêm khắc và luôn để mắt đến cháu thì Lộc có thể sẽ tự làm đau mình và các bạn trong lớp. Thày Hiểu cho hay: Nói là nghiêm khắc không có nghĩa là quát mắng mà phải bảo ban, dạy dỗ cháu, có lúc phải vừa nhu, vừa cương thì các cháu mới nghe lời và yêu quý thầy.

 

Điều chúng tôi ngạc nhiên là cô giáo nào cũng thể hiện sự “ngưỡng mộ” mì chính cánh của Trường. Cô giáo Ma Thị Duyên nói: Nhiều cô không “theo” kịp thầy Hiểu đâu. Thầy dỗ trẻ tài lắm. Có lúc chúng tôi thấy thầy hai tay bế hai cháu, thủ thỉ với các cháu. Nhiều cháu ốm mệt nôn chớ, bị đau bụng đi ngoài “bĩnh” cả ra quần áo, thầy không quản ngại vệ sinh cho các cháu. Vào năm học mới, khi gia đình đưa đến lớp, các cháu khóc ghê lắm, nhất là những cháu mới năm đầu ra lớp. Vậy mà thầy dỗ dành thế nào, chỉ sau 1 đến 2 tuần, các cháu không khóc nữa. Còn về việc làm đồ dùng học tập, thầy Hiểu cũng rất khéo tay.

 

Ngắm phòng lớp học do thầy Hiểu đang phụ trách, chúng tôi rất nể phục con người này. Tuy là nam giới, nhưng những đồ dùng học tập; đồ trang trí được thầy làm tỉ mẩn, khéo léo, từ những bông hoa xinh xắn dán trên tường trang trí lớp học đến những cành hoa giấy đủ màu sắc cắm trong lọ hoa ở góc phòng học…  Nhiều người cứ nghĩ, dạy trẻ mầm non chỉ có các nữ giáo viên mới làm được, nhưng thầy Hiểu đã phá tan định kiến ấy. Thầy bảo: Cứ yêu nghề, mến trẻ thì dù nam hay nữ đều có thể hoàn thành tốt công việc của mình.  

 

Dẫu vẫn đang ngày ngày chật vật với nỗi lo cơm áo nhưng người thầy yêu nghề, mến trẻ này vẫn tâm nguyện một điều rằng sẽ không bao giờ lùi bước trước khó khăn, tích cực học hỏi đồng nghiệp trong chuyên môn, nghiệp vụ để mãi gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.