Trong những năm qua, phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Kết quả đó có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở. Nhân Đại hội Hội Khuyến học tỉnh lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020, TNĐT trân trọng giới thiệu đến độc giả những tấm gương cán bộ Hội tiêu biểu.
Cán bộ Hội phải tâm huyết, nhiệt tình
Ông Dương Viết Cam, Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Hương Sơn (huyện Phú Bình)
Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện năm 2012, tôi đã bàn với Ban Chấp hành tập trung làm ngay 9 công việc, trong đó trọng tâm là củng cố tổ chức Hội, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng năm; hoàn thiện các sổ sách: Sổ nghị quyết, sổ khen thưởng, sổ thu chi, sổ theo dõi hội viên, sổ vàng khuyến học, giấy chứng nhận tấm lòng vàng... Đồng thời trang bị những tài liệu này đến các chi hội. Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong năm 2012, Hội đã tổ chức được đại hội biểu dương gia đình, dòng họ hiếu học, tuyên dương học sinh đỗ đại học. Năm tiếp theo chúng tôi phối hợp với các trường trên địa bàn tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin tiếp sức em đến trường” vận động các đại biểu, thầy cô giáo, phụ huynh ủng hộ trên 4 triệu để mua vở viết tặng 150 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Với kết quả trên Hội luôn được Hội Khuyến học huyện và tỉnh đánh giá cao. Từ công việc thực tế tôi rút ra bài học kinh nghiệm đó là muốn làm tốt công tác khuyến học phải biết tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền của địa phương, làm tốt công tác phối hợp và yếu tố quan trọng nhất là xây dựng được đội ngũ cán bộ Hội tâm huyết, uy tín, nhiệt tình.
Phối hợp để tổ chức các hoạt động
Ông Phạm Đức Hà, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên)
Làm công tác khuyến học của địa phương gần 10 năm qua tôi đúc rút ra là muốn cho phong trào của Hội phát triển cán bộ phải nhiệt huyết với phong trào. Với vai trò là chủ tịch Hội, tôi cùng Ban chấp hành chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng nghị quyết chuyên đề về vận động toàn dân tham gia xây dựng Quỹ Khuyến học, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Để tổ chức tốt các hoạt động, Hội Khuyến học đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể để triển khai. Do làm tốt công tác tuyên truyền, hiện nay, 18 tổ dân phố, các cơ quan trên địa bàn phường đều có chi hội khuyến học với số quỹ hoạt động thấp nhất từ 3,5 triệu đồng/chi hội, cao nhất là 23 triệu đồng. 5 năm qua, tổng số Quỹ Khuyến học của phường lên tới trên 1 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Các quỹ trên chủ yếu dùng để khen thưởng, động viên các cháu học sinh nỗ lực vượt khó có thành tích cao trong học tập. Do làm tốt công tác vận động, đến nay toàn phường đã xây dựng được 15 dòng học hiếu học, tiêu biểu như dòng họ Đặng Đắc, Nguyễn Đức, Nguyễn Văn, Phạm Quang, Lê Danh…
Ngồi một chỗ thì không bao giờ có phong trào
Bà Phạm Thị Đáng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên)
Là nhà giáo, sau khi nghỉ hưu (năm 2005), tôi làm tổ trưởng tổ dân phố, phó bí thư chi bộ, thường trực Hội Cựu giáo chức, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học nên tôi nắm bắt tốt tình hình các gia đình trên địa bàn phường. Nếu cán bộ khuyến học chỉ ngồi một chỗ thì không bao giờ có phong trào. Tôi đã cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội đến từng tổ dân phố để tuyên truyền, vận động, tập trung tháo gỡ khó khăn trong phương thức hoạt động của các chi hội cơ sở. Ban Chấp hành Hội đặc biệt quan tâm phát triển mạng lưới chi hội. Bám sát các tổ trưởng tổ dân phố, Hội đã định hướng cho các chi hội làm tốt công tác tuyên truyền, vào xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học. Hiện nay trên địa bàn phường 40 tổ dân phố và 5 nhà trường đều có chi hội khuyến học. Tỷ lệ dân số là hội viên Hội Khuyến học chiếm tới 96%.
Sáng tạo trong phương pháp vận động
Ông Dương Ngọc Liệu, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Bách Quang (T.P Sông Công)
Với trách nhiệm là người đứng đầu tổ chức Hội cấp phường, bản thân tôi luôn tìm tòi, sáng tạo trong phương pháp vận động. Thông qua các hoạt động của đoàn thể địa phương để lồng ghép nội dung khuyến học vào chương trình. Nhờ vậy, vị thế của Hội ngày một nâng cao, mọi gia đình trên địa bàn đều rất quan tâm, ủng hộ phong trào khuyến học, khuyến tài. Đến nay, 100% số hộ tham gia đóng góp xây dựng quỹ Hội với mức bình quân 30 nghìn đồng/hộ. Tổ chức Hội phát triển rộng khắp với 14 chi hội ở các tổ dân phố và 3 ban khuyến học tại các nhà trường. Khi mới thành lập Hội Khuyến học (năm 2011) toàn phường có 800 hội viên thì giờ nâng lên 1.600 hội viên (đạt gần 30%) tổng dân số của phường, mức này cao hơn bình quân chung của toàn thành phố (20%).
Vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài
Ông Trần Đình Lưỡng, Nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ)
Tôi làm Chủ tịch Hội Khuyến học từ năm 2002, do sức khỏe yếu tại đại hội vừa qua tôi xin nghỉ. Trước đây, hoạt động của Hội Khuyến học và Trung tâm học tập cộng đồng của thị trấn rất còn mờ nhạt, hiệu quả thấp, chưa được sự quan tâm của xã hội. Với tâm huyết của mình, tôi quyết tâm bằng mọi giá đưa phong trào khuyến học, khuyến tài của địa phương phát triển. Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, tôi cùng Ban Chấp hành Hội đã tích cực tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội. Tích cực đi sâu bám sát cơ sở, thị trấn đến các xóm vận động đến từng hộ gia đình, xây dựng nòng cốt điển hình tiên tiến. Với phương châm lấy kết quả việc làm để thuyết phục tuyên truyền, tổ chức Hội Khuyến học đã được kiện toàn và củng cố ở tất cả các xóm, các nhà trường trên địa bàn. Đồng thời xây dựng Quỹ Khuyến học để khen thưởng, giúp đỡ học sinh trên địa bàn vươn lên. 5 năm qua, Hội đã tổ chức khen thưởng trên 100 cháu đỗ đại học; trên 40 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trên 1.000 lượt các cháu học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và các gia đình, dòng họ hiếu học tiêu biểu.
Không có tâm không làm được
Ông Đoàn Văn Hùng, Phó Giám đốc, Phó Ban Khuyến học Bệnh viện C
Ban Khuyến học của Bệnh viện C được thành lập đến nay đã được 12 năm. Hoạt động khuyến học của Bệnh viện không chỉ tập trung vào khen thưởng con em cán bộ, CNVC người lao động mà còn động viên, khích lệ cán bộ, CNVC có thành tích cao trong học tập. Với vai trò là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn, Phó Ban Khuyến học, tôi đã trực tiếp lãnh đạo và tổ chức các hoạt động để đưa Ban khuyến học của Bệnh viện trở thành đơn vị xuất sắc của thành phố Sông Công. Tôi nghĩ làm công tác khuyến học, khuyến tài nếu không có tâm thì không thể làm được. Tại hội nghị cán bộ công chức đầu năm, Ban Khuyến học đã khuyến khích các cán bộ đăng ký các danh hiệu thi đua, trong đó mục tiêu là mỗi cán bộ và con em mình phải là những người giỏi chuyên môn, có ý thức và thành tích cao trong học tập. 5 năm qua, Ban Khuyến học đã khen thưởng trên 600 lượt học sinh có thành tích cao trong học tập; 131 cán bộ có thành tích cao trong học tập, đạt gia đình hiếu học và trao 21 suất học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn với số tiền lên tới trên 240 triệu đồng.
Coi trọng chất lượng các buổi lễ khen thưởng
Ông Hoàng Văn Hai, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương)
Trong 13 năm làm công tác khuyến học ở xã, tôi đặc biệt coi trọng các buổi khen thưởng học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Thông qua những buổi lễ này đã thu hút được ngày càng nhiều hội viên tham gia Hội Khuyến học. Nếu như năm 2010, xã chỉ có 27 chi Hội Khuyến học thì đến nay đã tăng lên 34 chi hội với tổng số 5.234 hội viên. Quỹ Khuyến học của xã đã tăng từ 69 triệu (năm 2007) lên 174 triệu (vào năm 2015). Từ nguồn Quỹ này, hàng năm, Hội Khuyến học xã đã trao 90-120 suất học bổng cho những học sinh nghèo ở địa phương, tổ chức đầy đủ các buổi trao thưởng cho học sinh giỏi ở tất cả các chi hội. Từ năm 2013, các hội viên trong chi hội đã tích cực tham gia mô hình nuôi lợn nhựa để xây dựng Quỹ, tổ chức các hoạt động khuyến học ở chi hội mình. Tính đến nay, Hội Khuyến học xã đã vận động hội viên nuôi được 821 con lợn nhựa xây dựng Quỹ khuyến học.