Thực hiện mô hình VNEN cấp THCS: Nhiều trường gặp không ít khó khăn

09:40, 06/11/2015

Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) là sự chuyển đổi từ mô hình nhà trường truyền thống và được xây dựng và phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng phát triển năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy người học làm trung tâm.

Sau 4 năm triển khai ở cấp tiểu học, năm học 2015-2016, ngành Giáo dục tỉnh đã đưa vào thực hiện tại 16 trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Hơn 2 tháng tổ chức dạy và học theo mô hình này, bên cạnh những ưu việt, các trường vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại.

 

Được biết, từ năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo thí điểm triển khai thực hiện mô hình VNEN ở 6 tỉnh với 48 lớp 6 của 24 trường THCS tham gia. Năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung học là tiếp tục thực nghiệm mô hình VNEN cấp THCS đối với lớp 7 ở những trường đã triển khai từ năm học trước và mở rộng mô hình trường học mới đối với lớp 6. Tại Thái Nguyên đã có 16 trường THCS của 9 địa phương trong tỉnh với 43 lớp, 1.368 học sinh (HS) lớp 6 học. Để triển khai hiệu quả mô hình này, ngay từ đầu tháng 7-2015, Sở GD & ĐT đã cử cán bộ, giáo viên các nhà trường dạy theo mô hình VNEN tham gia các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức. Về các địa phương, các phòng GD&ĐT tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho toàn bộ đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 theo chương trình. Các phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên học hỏi tại các trường tiểu học trên địa bàn để nắm vững tính liên thông giữa chương trình cấp tiểu học và cấp THCS, rút kinh nghiệm về hình thức tổ chức hoạt động dạy - học ở các trường thực hiện mô hình VNEN.

 

Về phía các nhà trường thực hiện mô hình VNEN đã tổ chức tuyên truyền đến giáo viên, HS, phụ huynh nhằm tạo sự đồng thuận cao. Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng THCS Đồng Quang T.P Thái Nguyên cho biết: 3 lớp 6 của Trường năm nay đều dạy theo mô hình VNEN. Sau khi tuyên truyền, nhìn chung các phụ huynh đều ủng hộ thực hiện, chỉ có một số ít gia đình cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì không biết sự thay đổi này có tác động như thế nào đến việc học của con em mình. Sau hơn 2 tháng tổ chức dạy và học, chúng tôi nhận thấy mô hình VNEN có nhiều ưu việt, đó là chương trình này có sự gắn kết nội dung dạy học với đời sống thực tiễn của HS, cộng đồng thông qua việc hoạt động tìm tòi, mở rộng mỗi bài. Khuyến khích HS tích lũy kiến thức qua gia đình, cộng đồng, rèn cho các em kỹ năng giải quyết các vấn đề, các khó khăn của chính bản thân mình.

 

Về phía giáo viên và HS cũng rất hào hứng khi học theo mô hình này. Cô giáo Lê Thị Nga, chủ nhiệm lớp 6A3, Trường THCS Đồng Quang cho biết: Trước khi thực hiện mô hình VNEN, trong giảng dạy chúng tôi thường xuyên cho HS học theo nhóm. Chương trình VNEN việc học nhóm nhiều hơn, vì thế có sự đan xem giữa phương pháp cũ và mới, nên cả giáo viên và HS không còn bỡ ngỡ. Dạy theo mô hình VNEN, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, HS tự chủ động tìm kiến thức, như vậy HS sẽ khắc sâu hơn kiến thức đã học. Còn theo HS Nguyễn Lê Quỳnh Anh, lớp 6A1: Học theo mô hình này em thấy rất thú vị. Học theo nhóm, làm việc theo nhóm, các bạn luân phiên nhau làm nhóm trưởng sẽ rèn cho các bạn nhút nhát cũng trở nên mạnh dạn hơn. Ngoài học trên lớp, từ tài khoản riêng của mỗi HS, chúng em truy cập vào trang trường học kết nối cũng có thể tham khảo được nhiều thông tin về bài học.

 

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, sau hơn 2 tháng thực hiện mô hình VNEN, các trường gặp một số khó khăn. Đồng chí Ngô Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên cho rằng: “Vì đây là chương trình thử nghiệm nên tài liệu vẫn còn một số chỗ chưa hợp lý, giáo viên chưa có sách hướng dẫn nên còn mất nhiều thời gian đối với việc lên kế hoạch dạy học, nội dung kiến thức một số bài còn dài khiến cho việc phân phối thời lượng cho các tiết học chưa đủ (môn khoa học xã hội, môn khoa học tự nhiên, môn giáo dục công dân). Giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm để cùng trao đổi và học tập”.

 

Do mới triển khai nên một số giáo viên còn lúng túng trong phương pháp, nhiều khi vẫn còn làm thay HS, kĩ năng tổ chức hoạt động nhóm của một số thầy cô còn hạn chế. Nhiều giáo viên quá lo lắng với chất lượng học tập của HS nên tỏ ra nôn nóng, nhiều khi lại quay về phương pháp dạy học hiện hành. Một số HS yếu, kĩ năng tự học, hợp tác còn hạn chế nhưng chưa được giáo viên quan tâm đúng mức. Phương pháp dạy học và tổ chức cho HS học tập theo nhóm ở một số trường còn nặng tính hình thức chưa nắm vững bản chất của phương pháp dạy học theo mô hình VNEN và rời xa các phương pháp dạy học đặc trưng của bộ môn. Mặt khác, việc trang trí lớp học theo mô hình này khá tốn kém, trong khi kinh phí của các trường hạn hẹp phần lớn phải huy động phụ huynh HS đóng góp (Xây dựng góc cộng đồng, góc học tập…). Như tại Trường THCS Đồng Quang, trung bình trang trí mỗi lớp học hết gần 2 triệu đồng. Qua kiểm tra của phòng chuyên môn Sở GD&ĐT thì một số trường trang trí lớp học chưa khoa học, thiếu góc học tập, hoặc góc học tập sử dụng không hiệu quả chỉ là nơi để sách, vở các môn học, như: Trường THCS Minh Lập (Đồng Hỷ); THCS Lâu Thượng (Võ Nhai), THCS Trung Thành (Phổ Yên)...

 

Vì đây là năm đầu tiên tổ chức dạy học theo mô hình VNEN ở cấp THCS nên trong quá trình triển khai không tránh khỏi những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ, năng lực của cán bộ bộ quản lý, giáo viên và năng lực và điều kiện học tập của HS... Song với sự nỗ lực của các trường thực hiện mô hình, cộng với sự đồng thuận các bậc phụ huynh HS, chúng ta có thể tin tưởng những khó khăn, vướng mắc sẽ sớm được khắc phục.