Dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục: Giáo viên là nhân tố quyết định

08:15, 24/12/2015

Đến thời điểm này, đã qua 3 năm Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai Quyết định số 149/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020". Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành Giáo dục tỉnh đang vấp phải nhiều khó khăn, trong đó vấn đề cốt lõi chính là đội ngũ giáo viên (GV).

Mục tiêu của Đề án nói trên là triển khai dạy chương trình tiếng Anh trong 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến hết bậc THPT. Qua đó giúp các em học sinh (HS) có đủ năng lực sử dụng tiếng Anh một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, lao động và các hoạt động xã hội. Đối với lực lượng GV dạy tiếng Anh cấp tiểu học, yêu cầu phải đạt trình độ B2 - tức là đạt từ 60 đến 74 điểm theo thang điểm FCE (khung năng lực ngoại ngữ châu Âu); HS sau khi học xong tiểu học đạt trình độ bậc 1. Đối với GV dạy cấp THCS đạt trình độ B2 (từ 75 đến 79 điểm theo thang điểm FCE); HS sau khi tốt nghiệp THCS đạt trình độ bậc 2. Còn GV dạy cấp THPT phải có trình độ C1 (đạt từ 80 đến 100 điểm theo thang điểm FCE); HS sau khi tốt nghiệp THPT đạt trình độ bậc 3.

 

Kết quả đợt khảo sát theo khung năng lực ngoại ngữ được tiến hành năm 2011 đối với 95 GV dạy tiếng Anh tại 3 cấp học (tiểu học, THCS và THPT) trên địa bàn tỉnh thì đa số chưa đạt trình độ B2, chỉ có 1 GV đạt trình độ B2 ở cấp THCS, còn lại đa số chỉ đạt trình độ B1, A1 và A2, thậm chí không đạt. Trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì GV thường yếu nhất ở 2 kỹ năng nghe và nói. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Mỹ Quang, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT) cho biết: Đội ngũ GV đang dạy tiếng Anh tại các trường trong tỉnh được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau (là GV dạy tiếng Nga, sau đó đi học chuyển sang dạy tiếng Anh; học qua các lớp đào tạo liên kết với đại học mở; đại học tại chức, chính quy). Dù về bằng cấp đều đạt chuẩn và trên chuẩn theo trình độ, nhưng các kỹ năng về ngôn ngữ rất hạn chế. Đây chính là khó khăn lớn nhất khi triển khai thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020".

 

Để thực hiện được mục tiêu của Đề án theo lộ trình đề ra, ngành Giáo dục tỉnh đã có nhiều giải pháp, trong đó tập trung phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ GV chưa đạt chuẩn về chất lượng. Từ năm 2011 đến 2015, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 940 GV, với tổng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ GV tiếng Anh ở các cấp học, tiến hành kiểm tra đánh giá năng lực, cấp chứng chỉ… lên đến hơn 11,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, ngành Giáo dục đã chi trên 14,5 tỷ đồng đầu tư mua sắm các thiết bị dạy học ngoại ngữ tối thiểu cho các trường phổ thông. Đồng thời, trong hai năm 2014 và 2015, Sở GD&ĐT đã chọn ra 15 trường ở các cấp học, bậc học để xây dựng các điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đến thời điểm này toàn tỉnh mới có 256/918 GV đạt theo khung năng lực 6 bậc về trình độ để dạy học ở cấp học mình đang dạy, chiếm tỷ lệ 27,89%. Cụ thể, cấp tiểu học 88/263 GV đạt chuẩn theo khung năng lực B2, tỷ lệ 33,46%; THCS là 119/460, GV đạt chuẩn theo khung năng lực B2, tỷ lệ 25,86% và thấp nhất là cấp THPT 49/213 GV đạt chuẩn theo khung năng lực C1, tỷ lệ 23%.

 

Trao đổi với một số giảng viên trực tiếp dạy các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ GV dạy tiếng Anh trên địa bàn tỉnh, họ đều khẳng định kết quả trên phản ánh đúng thực trạng đội ngũ GV tiếng Anh hiện nay. Theo đánh giá của 1 giảng viên đại học thì trong quá trình giảng dạy, các thầy, cô giáo ở cấp học phổ thông chỉ thiên về kỹ năng viết cho HS để các em thi đại học theo kiểu thi gì học nấy. Còn kỹ năng nghe và nói thì rất hạn chế, bản thân GV cũng yếu nhất về kỹ năng nghe. Với đại trà các GV dạy tiếng Anh hiện nay để đạt được yêu cầu đề ra theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu là rất khó mặc dù đã được tham dự các lớp bồi dưỡng, bởi nhiều GV tuổi đã cao, trước đây dạy các thứ tiếng khác, sau học thêm rồi chuyển sang dạy tiếng Anh…

 

Thực tế đúng như vậy, từ kết quả khảo sát sau khi được tập huấn bồi dưỡng của Sở GD&ĐT nêu trên thì qua các lớp tập huấn và kiểm tra cho thấy mặt bằng chung về chất lượng đội ngũ GV tiếng Anh của tỉnh còn thấp. Có GV kiểm tra tới 4 lần vẫn không đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó vẫn còn hiện tượng bản thân các GV chưa thực sự tích cực trong việc tự học, tự rèn để nâng cao trình độ; năng lực chuyên môn hạn chế nhưng không cố gắng nên kết quả kiểm tra cuối các đợt bồi dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của HS không đồng đều giữa các vùng miền, cũng gây khó khăn cho việc tổ chức dạy và học tiếng Anh. Mặt khác, hiện mới có 4/9 phòng GD&ĐT có chuyên viên môn tiếng Anh nên việc chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

 

Theo Quyết định số 149/QĐ-UBND ngày 8-2-2012 của UBND tỉnh: Sau 4 năm kể từ ngày ban hành kế hoạch dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, GV đã tham gia bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nhưng vẫn không đạt yêu cầu thì cấp có thẩm quyền sắp xếp, bố trí cho làm việc khác; nếu không sắp xếp, bố trí được thì giải quyết theo quy định hiện hành. Như vậy, thì kể cả số GV đã được tuyển dụng trong biên chế cũng không thể "chắc chân" khi kiểm tra không đạt yêu cầu đề ra. Thiết nghĩ, để thực hiện thắng lợi Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục, mỗi cán bộ, GV dạy tiếng Anh ở các cấp học, bậc học cần thay đổi nhận thức trong việc tự học, tự bồi dưỡng và đổi mới phương pháp giảng dạy. Coi việc học tập, trau dồi không chỉ là đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc mà là nhu cầu tự thân của mỗi người trong sự vận động phát triển không ngừng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Và việc đổi mới phương pháp dạy học chỉ thành công khi GV có động lực, tình cảm và tinh thần trách nhiệm đối với HS và nghề dạy học…

 

Theo kế hoạch của tỉnh đề ra, bắt đầu từ năm học 2012-2013 triển khai dạy tiếng Anh theo chương trình 10 năm đối với 20% số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Năm học 2013-2014 triển khai tiếp dạy tiếng Anh cho 10% số trường THCS, 10% số trường THPT; năm học 2016-2017 cho 70% số trường tiểu học, 50% số trường THCS và THPT; năm học 2018-2019 cho 100% số trường tiểu học. Năm học 2020-2021 cho 100% số trường THCS và THPT...