Nền giáo dục hội nhập không thể thiếu ngoại ngữ

08:30, 04/12/2015

Năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khuyến khích triển khai thí điểm dạy học song ngữ tiếng Anh đối với môn toán, các môn khoa học tự nhiên tại những trường THPT chuyên và các trường THCS, THPT khác có đủ điều kiện. Trên địa bàn tỉnh ta, từ 2 năm học trước, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh đối với các môn khoa học tự nhiên và thu được kết quả bước đầu khả quan.

Hưởng ứng chủ trương của ngành GD&ĐT, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên tổ chức dạy thí điểm tiếng Anh đối với các môn: Toán, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, tin học (trong 1 học kỳ, mỗi môn được học 1 tiết bằng tiếng Anh). Trao đổi với chúng tôi về việc áp dụng phương pháp học mới, nhiều học sinh (HS) cảm thấy rất thích thú. Em Lã Quỳnh Anh, HS lớp 10 chuyên Anh nhận xét: Trong học kỳ I, lớp em được học 5 tiết các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Khi giáo viên vừa vào lớp, các bạn rất hào hứng. Sau phần chào nhau giữa thầy và trò, tiết học bắt đầu. Giáo viên vừa giảng bằng tiếng Anh vừa dịch sang tiếng Việt. Em thấy học ngoại ngữ đối với các môn khoa học tự nhiên là rất tốt, qua đó HS có thể rèn luyện được nhiều kỹ năng, đặc biệt là nắm chắc các từ thuật ngữ chuyên ngành... Em Dương Thị Nguyệt Anh, HS lớp 11 chuyên Anh cho biết thêm: Từ năm học trước, lớp em đã được học một số tiết môn Lý, Sinh và Tin học bằng tiếng Anh. Đây là cơ hội để chúng em rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc viết môn tiếng Anh...

 

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quang Thuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Nguyên khẳng định: Trên thế giới, nhiều nước đã chọn tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Tôi cho rằng sứ mệnh của các trường chuyên là phải đi đầu trong việc dạy ngoại ngữ đối với các môn khoa học tự nhiên. Bắt nhịp với sự phát triển này, cùng với việc triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ năm học 2013-2014, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã tổ chức dạy thí điểm tiếng Anh đối với các môn khoa học tự nhiên. Năm học đầu tiên, chúng tôi chọn 4 giáo viên của 4 bộ môn giảng dạy. Từ năm học 2014-2015 và trong năm học mới 2015-2016, mỗi năm Nhà trường có 20 giáo viên dạy 5 môn khoa học tự nhiên áp dụng dạy song ngữ. Để triển khai hiệu quả việc dạy tiếng Anh đối với các môn khoa học tự nhiên, Nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên thay đổi nhận thức về dạy và học trong xu thế hội nhập. Ngoài số giáo viên được tham gia các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, Nhà trường đã tổ chức 3 lớp học tiếng Anh tự bồi dưỡng cho trên 70 giáo viên tham gia. Mỗi tuần các lớp học 1 buổi, giảng viên là các giáo viên của tổ ngoại ngữ Nhà trường đảm nhiệm. Qua hơn 2 năm tổ chức dạy học thí điểm chúng tôi nhận thấy đội ngũ giáo viên đã khắc phục nhiều khó khăn, nỗ lực tự học, tự rèn để có những giờ giảng tốt. Việc tổ chức dạy học đã mang lại hiệu quả bước đầu, trình độ ngoại ngữ của giáo viên, HS được nâng lên một bước”.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, số giáo viên được lựa chọn dạy tiếng Anh đối với các môn khoa học tự nhiên phần lớn đã tốt nghiệp thạc sĩ, trình độ ngoại ngữ tương đương văn bằng B1. Để việc giảng dạy đạt hiệu quả, các thầy cô đã rất nỗ lực trong việc tự học, tự rèn về ngoại ngữ. Cô giáo Đàm Thị Điểm, tổ Toán cho biết: “Trong học kỳ I này tôi dạy 1 tiết bằng tiếng Anh. Để giờ dạy hiệu quả, trong quá trình soạn giảng tôi đã chuẩn bị tốt các ngôn ngữ chuyên ngành, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp, các tình huống có thể xảy ra. Mặt tích cực khi triển khai chủ trương dạy tiếng Anh đối với các môn khoa học tự nhiên là giúp HS có thể tiếp cận với các thuật ngữ chuyên ngành, từ đó các em có thể đọc các tài liệu của nước ngoài đối với những môn học này. Điều đó thuận lợi nhất khi các em tham gia các cuộc thi quốc tế, có thể tự dịch đề bài, hiểu và tự giải được, chứ không phụ thuộc vào bản dịch. Học Toán bằng tiếng Anh cũng giúp các em rèn luyện khả năng ngoại ngữ, nhờ đó có thể tìm kiếm tài liệu học tập và tham gia giải toán trên internet”.

 

Còn đối với cô giáo Nguyễn Thu Hiền, dạy môn Hóa học cho biết thêm: “Trong học kỳ I này tôi dạy 1 bài “Nguyên tố Cacbon” chương trình lớp 11. Bài này nội dung phần lớn là kiến thức thực tế vì thế em thấy HS tiếp thu bài tốt, các em tham gia tích cực vào bài học. Một số HS ở các lớp không chuyên Anh bước đầu chưa mạnh dạn phát biểu, nhưng sau đó em cũng nhanh chóng thích ứng với phương pháp dạy mới. Theo tôi để dạy tốt song ngữ đối với các môn khoa học tự nhiên giáo viên và HS phải có trình độ ngoại ngữ nhất định. Với em, sau khi học xong thạc sĩ trình độ tương đương bằng B1, tôi còn tự học tiếng Anh trên mạng. Kiên trì hằng ngày tôi tập nói, viết 5 từ mới. Hiện nay, tôi đang tiếp tục theo học lớp tiếng Anh do Nhà trường tổ chức để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy học ngày càng cao”. Năm đầu tiên dạy ngoại ngữ đối với môn Vật lý, thầy giáo Nguyễn Hoàng Long không khỏi bỡ ngỡ: “Từ lúc chọn bài dạy, hình thành ý tưởng đến khi hoàn thành soạn giáo án song ngữ tôi mất 3 tuần. Trước tiết học, tôi cho HS tìm hiểu trước các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đồng thời tham khảo các thầy cô trong tổ ngoại ngữ để làm sao bài giảng ngữ pháp phải chuẩn. Qua test nhanh đầu giờ học về các thuật ngữ môn học, tôi thấy khoảng hơn 2/3 lớp học phản ứng rất nhanh và có đáp án chính xác”.

 


Một nền giáo dục hội nhập không thể thiếu ngoại ngữ. Việc thí điểm dạy bằng ngoại ngữ một số môn học ở Trường THPT Chuyên Thái Nguyên bước đầu có những tín hiệu khả quan, HS rất thích thú với các tiết dạy này. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chủ trương này, các thầy cô giáo cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành tài liệu hướng dẫn việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Hiện nay, các giáo viên đều rất vất vả trong việc tự tìm tài liệu, thử nghiệm phương pháp, thăm dò tâm lý HS… để tổ chức 1 tiết dạy. Mặt khác, hiện tại trình độ ngoại ngữ của giáo viên và HS chưa đồng đều, gây khó khăn cho cả thầy và trò khi tổ chức dạy học song ngữ.