Chiếc nôi của sự nghiệp giáo dục và đào tạo miền núi phía Bắc

08:20, 14/01/2016

50 năm trôi qua là khoảng thời gian rất nhiều thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức đã trưởng thành từ mái trường đại học này. Dù ở môi trường, cương vị công tác nào, mỗi cán bộ, giảng viên và các thế hệ sinh viên cũng đều tự hào về Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Thái Nguyên - một trong những chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp “trồng người”.

 

Trường ĐHSP Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Lao động hạng Ba; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất; 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì; 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất.
- Đảng bộ Nhà trường liên tục đạt danh hiệu Trong sạch, vững mạnh và Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
- Nhà trường liên tục đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc, đơn vị Tiên tiến xuất sắc trong Khối thi đua Đại học Thái Nguyên và Bộ GD&ĐT.
Năm 2015, Trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động; được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.

 

Cách đây 50 năm, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và phát triển giáo dục cho con em đồng bào các dân tộc khu vực miền núi trung du phía Bắc, ngày 18-7-1966, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Quyết định số 127/CP thành lập Trường ĐHSP Việt Bắc (tiền thân của Trường ĐHSP Thái Nguyên hiện nay). Ngày 31-10-1966, tại xã Vinh Quang (nay là xã Phú Lạc và xã Đức Lương, huyện Đại Từ), Trường ĐHSP Việt Bắc chính thức khai giảng khóa học đầu tiên. 

 

Ngay từ khi mới thành lập, Nhà trường đã coi trọng công tác phát triển đội ngũ giảng viên, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, lấy sinh viên là mục tiêu phát triển, coi đó là nguyên tắc trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH), thực hành, thực tế. Đồng thời, luôn quán triệt nguyên lý cơ bản của nền giáo dục nước nhà: Học đi đôi với thực hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với gia đình và xã hội. Đặc biệt, Trường luôn coi trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho tỉnh, trước mắt là đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ở các cấp học của Khu công nghiệp Gang thép, vùng mỏ than và các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc. Kế tiếp đó là nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học (NCKH) và quản lý giáo dục, tạo tiền đề cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khoa học và mở rộng quy mô đào tạo khác phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước, khu vực và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

 

Tính đến năm 2015, Trường ĐHSP Thái Nguyên đã đào tạo cho đất nước gần 100 nghìn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có gần 3.000 thạc sĩ và tiến sĩ, gần 80.000 cử nhân; bồi dưỡng hàng chục nghìn giáo viên các cấp. Đặc biệt, Nhà trường là đơn vị dẫn đầu cả nước trong đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục người dân tộc thiểu số. Tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc, đội ngũ giáo viên do Trường đào tạo chiếm 80% số giáo viên THPT, 40% số giáo viên THCS, Tiểu học và Mầm non. Học viên tốt nghiệp Trường ĐHSP Thái Nguyên đều có năng lực chuyên môn vững vàng, khả năng thích ứng với nền giáo dục phát triển.

 

Đối với tỉnh Thái Nguyên, Trường đã phối hợp đào tạo trên 90% số giáo viên và cán bộ quản lý ở các cấp học trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn. Đặc biệt, Trường đã và đang tích cực NCKH và chuyển giao ứng dụng khoa học cho tỉnh phục vụ hoạt động nghiên cứu, đầu tư và phát triển.

 

Hiện nay, Trường có 27 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm, 23 ngành đào tạo thạc sĩ, 13 chuyên ngành tiến sĩ và các chương trình cấp chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục với tổng số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tập, nghiên cứu tại Trường trên 16.000 người.

 

Hoạt động NCKH luôn được Nhà trường quan tâm phát triển, Trường đã tham gia 2 dự án lớn của Bộ GD&ĐT: Dự án “Đánh giá tác động bền vững của chương trình cấp học bổng hỗ trợ sinh viên người dân tộc thiểu số”; Dự án POHE “Giáo dục theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng”. Kết quả của các dự án được Bộ GD&ĐT đánh giá cao.

 

Cùng với hoạt động NCKH, hoạt động hợp tác quốc tế không ngừng được đẩy mạnh. Trong 5 năm gần đây, Trường đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ, giảng viên đi học tập, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm tại: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Đức, Nhật, Trung Quốc… Đồng thời, đã tiếp nhận nhiều đoàn  chuyên gia, giảng viên và học viên nước ngoài đến làm việc  và học tập tại Trường. Hiện, Trường đang đào tạo gần 300 lưu học sinh Lào ở các trình độ: cử nhân và thạc sĩ. Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, hiện nay, cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ giảng viên của Trường cũng đã có thay đổi với 8 phòng chức năng; 14 khoa, bộ môn trực thuộc; 1 viện nghiên cứu, 1 trường THPT thực hành; 2 ban và 5 trung tâm. Tổng số cán bộ, viên chức là 580 người, gồm 400 giảng viên, trong đó có: 30 giáo sư và phó giáo sư, 150 tiến sĩ, 235 thạc sĩ (có gần 100 giảng viên đang học NCS trong và ngoài nước), tỷ lệ tiến sĩ chiếm gần 40% (vượt cao hơn tỷ lệ chung trong toàn ngành Giáo dục). Đã có 2 giảng viên của Nhà trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 12 giảng viên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

 

Trước yêu cầu mới về nâng cao chất lượng đào tạo, năm 2009, Trường ĐHSP Thái Nguyên là một trong 40 trường đại học đầu tiên tham gia kiểm định chất lượng đào tạo và đạt chuẩn. Kết quả kiểm định chất lượng Trường là một bằng chứng khẳng định với xã hội và người học về chất lượng đào tạo của Nhà trường là một địa chỉ đào tạo tin cậy. Hiện nay, Nhà trường đang hoàn thiện báo cáo kiểm định chất lượng Trường chu kỳ 2.

 

Là cơ sở đào tạo có sứ mệnh đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số, giai đoạn này, Trường đã triển khai thành công Dự án Đào tạo phát triển giáo viên THPT là người dân tộc thiểu số.

 

Nhiệm vụ chuyên môn luôn được Nhà trường đặt lên hàng đầu với mục tiêu đảm bảo chất lượng và cải tiến nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu về năng lực người học theo yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Đến nay, 100% chương trình đào tạo của Trường đã được đổi mới theo hướng tiếp cận năng lực, gắn kết giữa đào tạo sư phạm với giáo dục phổ thông, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp thích ứng với đổi mới giáo dục phổ thông.

 

50 năm qua, Trường ĐHSP Thái Nguyên đã xây dựng nên những truyền thống tốt đẹp và vô cùng quý báu: Đó là lòng nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên đối với sự nghiệp giáo dục ở miền núi, sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc nói riêng... Những truyền thống quý báu ấy, đã kết đọng thành sức mạnh để xây dựng một môi trường sư phạm tích cực; chiếc nôi của sự nghiệp giáo dục và đào tạo miền núi phía Bắc.