Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thanh thiếu niên, người lao động chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Sáng 13/1, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập" theo QĐ số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2013-2015).
Qua 3 năm thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập", tỷ lệ người biết chữ độ tuổi 15-60 của toàn quốc là 97,3% (cao hơn 1,3% so với mục tiêu của Đề án); Tỷ lệ biết chữ độ tuổi 15-35 của toàn quốc là 98,5% (cao hơn 0,5% so với mục tiêu của Đề án). Số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không mù chữ trở lại là 83,9% (cao hơn 3,9% so với mục tiêu của Đề án).
Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 63/63 tỉnh, thành đạt phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, trong đó 12 tỉnh, thành được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2; 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. 43 tỉnh, thành phố đã kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, 37 tỉnh đã có quyết định công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, trong 3 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ người biết chữ và phổ cập ngoại ngữ đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc học tập để nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức còn hạn chế và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thanh thiếu niên, người lao động chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các địa phương phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp với các ban, ngành để cùng với cơ quan giáo dục địa phương xác định những nội dung học tập đa dạng đáp ứng kịp thời những thay đổi và phát triển của nền kinh tế, đời sống xã hội.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Thủ tướng cho phép thành lập tiểu ban chuyên trách về xây dựng xã hội học tập thuộc Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo để xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và chỉ đạo hoạt động của các địa phương./.