Hợp tác quốc tế (HTQT) trong đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những biện pháp thực hiện đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập. Thực hiện công tác này, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã có những bước đi vững chắc từ các chương trình xuất, nhập khẩu, trao đổi giảng viên, sinh viên. Đặc biệt, từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, thông qua các hoạt động HTQT, giá trị kinh tế thu về đạt trên 200 tỷ đồng, góp phần bổ sung kịp thời cho các hoạt động mở rộng NCKH và cập nhật kiến thức mới, ngành học mới.
PGS-TS Đỗ Anh Tài, Trưởng ban HTQT (thuộc ĐHTN) chia sẻ: “Hiện nay, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục trên toàn thế giới đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là về mặt chất lượng giáo dục, NCKH, triển khai công nghệ cũng như khả năng kết nối với công nghiệp và dịch vụ xã hội. Các trường nước ngoài sẽ chiếm ưu thế về chất lượng, sinh viên ra trường có việc làm ngay, lương cao, có cơ hội làm việc quốc tế. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh bình đẳng của chúng ta còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh của các cơ sở giáo dục trong nước (nhất là các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp) còn yếu, chưa đủ sức tham gia thị trường giáo dục quốc tế cũng như sức thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài vào Việt Nam. Chính vì vậy, ĐHTN đã coi hoạt động HTQT là cầu nối cho hội nhập quốc tế và có sự lựa chọn theo năng lực, thế mạnh của mình để phát triển chuyên sâu”.
Trong hơn 5 năm qua, ĐHTN đã nhập khẩu và triển khai hiệu quả 9 chương trình tiên tiến đào tạo ở bậc đại học, trong đó có 3 chương trình có kinh phí của Bộ cấp, đó là các chương trình thuộc ngành cơ khí, điện - điện tử hợp tác với Đại học Buffalo, Hoa Kỳ; chương trình quản lý nguồn tài nguyên hợp tác với Trường Đại học Davis của Australia. Bên cạnh đó, các trường, khoa thành viên còn tổ chức chương trình đào tạo kỹ sư/cử nhân tài năng trên cơ sở tiếp thu và sử dụng các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài tại ĐHTN. Nếu như những năm đầu (2005-2010), ĐHTN triển khai chương trình đào tạo quốc tế, tỷ lệ cán bộ, giảng viên, học viên theo chương trình đạt chuẩn về ngoại ngữ và tin học chỉ ở mức 30-40% thì nay đã tăng lên gần 90%. Điều đó cho thấy tính chủ động và tích cực trong hội nhập quốc tế của toàn ĐHTN đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Liên tục trong 6 năm học qua, ĐHTN đã mời được gần 700 lượt giảng viên Mỹ, Australia, Bỉ, Đức, Pháp, Nhật, Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc… đến giảng dạy trong các lĩnh vực: Ngôn ngữ, Y khoa, Khoa học cơ bản, Quản lý môi trường, Kinh tế, Cơ khí và điện, từ đó tạo môi trường đào tạo quốc tế năng động trong toàn Đại học.
Riêng năm học 2015-2016, đã có trên 800 lượt chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý và giảng viên đến làm việc, ký kết hợp tác đào tạo, NCKH tại ĐHTN. Cùng với đội ngũ giảng viên đến tham gia giảng dạy, nghiên cứu, ĐHTN cũng đã có trên 1.000 lượt sinh viên quốc tế đến từ 16 quốc gia trên thế giới tham gia học tập tại ĐHTN, trong đó, năm học 2015-2016, có gần 500 lượt sinh viên. Để có thêm đội ngũ cán bộ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập, ĐHTN cũng đã cử nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài: Trong gần 7 năm qua, Đại học đã cử trên 3.000 cán bộ, giảng viên ra nước công tác, trong đó có hơn 70% là đi học tập bằng các nguồn học bổng hoặc theo các chương trình hợp tác; trên 500 sinh viên tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế; cử hơn 400 học sinh, sinh viên đi học nước ngoài bằng các nguồn học bổng khai thác và tự túc.
Song song với các hoạt động mở rộng đào tạo và nhập khẩu, trao đổi sinh viên và giảng viên cũng như các chuyên gia, ĐHTN đã thương thảo và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế. Đến nay, ĐHTN đã ký kết và tổ chức triển khai hợp tác với hơn 200 trường và tổ chức quốc tế có quy tín trên thế giới. Thông qua các hợp tác đa lĩnh vực, sự kết hợp giữa các đơn vị thành viên trong Đại học được tăng cường và các nguồn lực tổng hợp của cả Đại học đã được phát huy. Năm 2015, ĐHTN đã ký kết và thực hiện hợp tác với các trường đại học lớn, có chất lượng cao và danh tiếng trong khu vực và thế giới như: Đại học Leed Beckets của Vương quốc Anh; Đại học Edith Cowan, Đại học Swinburn, Đại học Newcastle, Đại học Wollogong, Đại học Canberra của Australia; Đại học Tổng hợp Saginaw Valley, Mỹ; Đại học Likoping của Thụy Điển. Đặc biệt, thông qua hoạt động HTQT, Đại học đã thu hút và thực hiện hàng chục dự án được tài trợ từ các tổ chức quốc tế tại các nước Úc, Anh, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines. Tổng kinh phí thực hiện giá trị trên 200 tỷ đồng.
Có thể nói, HTQT đã và đang là cầu nối hội nhập quốc tế giữa ĐHTN với các trường đại học uy tín trên thế giới. Đồng thời qua đây cũng khẳng định tính chủ động trong hội nhập và nâng cao thương hiệu trong công tác đào tạo, NCKH của ĐHTN.