Cảm nhận của chúng tôi cũng như nhiều người xem bộ phim “Tết yêu thương” của nhóm học sinh lớp 11A10, Trường THPT Gang thép là những cảnh quay rất thực, kịch bản hay, hình ảnh sắc nét. Qua bộ phim, đạo diễn đã chuyển tải đến người xem thông điệp chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc về sự cảm thông, chia sẻ khó khăn giữa những con người với con người. “Tết yêu thương” là 1 trong 20 bộ phim nằm trong Dự án “Học Văn từ cuộc sống” do Sở Giáo dục và Đào tạo chọn Trường THPT Gang thép để triển khai với mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học. Đây là hướng đi mới nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng năng lực, kích thích sự sáng tạo, khả năng tư duy độc lập của học sinh.
Tiếp nối thành công của Dự án “Học Văn từ cuộc sống” từ năm học trước, cuối tháng 12-2015, Dự án này được thực hiện tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương với chủ đề “Em làm nghệ thuật”. Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Phan Thị Phương Ly, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Trong những năm qua, Nhà trường luôn kiên trì thực hiện mục tiêu “Lấy người học làm trung tâm, giáo dục con người để trở thành chính con người”. Việc thực hiện Dự án “Học văn từ cuộc sống” chính là một trong những việc làm cụ thể nhằm đổi mới phương pháp dạy học. Tham gia Dự án, mỗi lớp sẽ thành lập một đoàn nghệ thuật, tự tìm và xây dựng kịch bản, lựa chọn đạo diễn, diễn viên... Sản phẩm cuối cùng của mỗi đoàn là một vở diễn có độ dài tối đa là 20 phút và 1 potster quảng cáo cho vở diễn để tham gia Hội diễn Sân khấu không chuyên của Nhà trường.
Sau hơn 2 tháng thực hiện, cuối tháng 12 vừa qua, Nhà trường tổ chức Hội diễn với sự tham gia của 8 đoàn nghệ thuật đến từ 8 lớp trong Trường. Tuy độ tuổi không đồng đều nhưng với sự cố vấn của các thầy cô giáo, bằng tình yêu nghệ thuật và sự sáng tạo các em học sinh đã mang đến những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng. Dưới góc nhìn của các em nhiều tác phẩm văn học, nhiều vấn đề xã hội quen thuộc đã trở nên mới mẻ, gần gũi. Với cách cảm, cách nghĩ hiện đại cùng với sự dàn dựng, diễn xuất hồn nhiên, trong sáng của lứa tuổi học trò, các đoàn nghệ thuật học sinh đã để lại nhiều ấn tượng với mọi người. Mặc dù để tổ chức được một hoạt động như trên giáo viên và học sinh khá vất vả. Song đổi lại, những tác phẩm văn học trong sách vở đã được các em tái hiện lại rất sáng tạo, thể hiện rõ khả năng tư duy độc lập của học sinh”.
Đánh giá về Dự án, đồng chí Nguyễn Mạnh Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Thành công lớn nhất của Dự án “Học Văn từ cuộc sống” là đã mang đến cho các em học sinh cơ hội được khám phá, được vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, đặc biệt là được thể hiện và phát huy những năng lực của bản thân. Năm học này, Sở đã chỉ đạo tổ chức nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học ở bậc phổ thông, như: Hội thi nói tiếng Anh cấp tỉnh; Ngày hội đọc; Ngày hội sử dụng ngoại ngữ… Mỗi trường được chọn làm điểm tổ chức các hoạt động, chúng tôi đều mời cán bộ quản lý, các tổ chuyên môn của các trường phổ thông, các phòng giáo dục và Đào tạo tham dự để học tập kinh nghiệm tổ chức, đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy và học từng bộ môn trong các nhà trường.
Theo thầy giáo Cao Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép: Nhà trường đã giao cho các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn. Đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực. Tăng cường các hoạt động dự giờ, thao giảng, quan tâm bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra, đánh giá; tăng cường tổ chức hội thảo ở cấp tổ chuyên môn. Phương pháp dạy học đổi mới theo hướng dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Được biết, năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn 16 trường THCS thực hiện mô hình trường học mới. Đồng thời, triển khai hiệu quả việc thí điểm chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh chương trình 10 năm: cấp THCS (36 trường; 4.563 học sinh); cấp THPT (4 trường; 506 học sinh). Đặc biệt, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã mạnh dạn tổ chức dạy một số tiết tiếng Anh đối với các môn khoa học tự nhiên. Nhiều trường đã thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức ngày hội sử dụng ngoại ngữ, đồng hành cùng IOE, tổ chức chuyên đề thi nói tiếng Anh cấp tỉnh. Các hoạt động này đã góp phần tăng thêm sự tự tin, tích cực, năng động cho thầy và trò các nhà trường trong việc dạy và học tiếng Anh.
Nếu như cách dạy học trước đây theo mô hình thụ động: Thầy thuyết giảng; học sinh lắng nghe, ghi nhớ để đến giờ kiểm tra thì trả lời lại gần như nguyên vẹn những gì thầy giảng. Thì hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Giáo dục, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học nhằm định hướng năng lực, kích thích sự sáng tạo, khả năng tư duy độc lập của học sinh. Với cách dạy học như thế này, học sinh sẽ thoát ra khỏi cái bóng của thầy, cô giáo để trở thành một cá nhân độc lập trong tư duy và sáng tạo. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp dạy học ở các nhà trường, cũng như từng giáo viên vẫn không đồng đều. Vì vậy mà bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, người thầy cần phải hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự nghiên cứu, tự tiếp cận và giải quyết vấn đề để các em có thể tự mình khám phá tri thức ở nhiều nguồn khác nhau mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô giáo. Mặt khác, giáo dục phải hướng đến việc giúp học sinh hình thành nhân cách, một số kỹ năng cần thiết để có thể hòa nhập với cuộc sống, ứng phó với những tình huống khác nhau trong xã hội. Do đó, các trường phổ thông cần đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục cho các em cách sống, cũng như những kỹ năng như: xử lý, trình bày vấn đề, phản biện, tổ chức, hợp tác, nói trước đám đông…