Không quên chiếc tổ nồng thơ ấu

16:46, 11/03/2016

70 năm thăng trầm bao cuộc, những mốc son sừng sững của mái trường Anh hùng Lương Ngọc Quyến khó đo đếm hết. Nhưng có nhiều điều không ghi vào lịch sử, không treo trong phòng truyền thống, mà khắc trong trí nhớ bao người. Đó là những “tượng đài” tình nghĩa xây trong lòng nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến.

Trong ánh chiều chạng vạng, nhà thơ Hà Đức Toàn chỉ cho tôi những vật dụng quanh ông. Từ ngày chân không thể bước xuống cầu thang, thế giới của ông chỉ quẩn quanh trong căn phòng hẹp này. Đoạn tre buộc vào tường bóng nhẵn vết tay, đoạn đường vài mét từ giường nằm đến nhà vệ sinh, ông phải níu vào nó.

 

Yếu ớt là vậy, mà khi tôi nhắc đến bài thơ “Tấm bản đồ bằng vải diềm bâu” ông sáng tác cách đây 35 năm, mắt ông sáng lên. Trong ký ức của cậu học sinh Lương Ngọc Quyến nay ở tuổi gần 80, lại bệnh tật này, vẫn rành rẽ từng câu thơ gan ruột:

 

Năm tháng qua nhanh tóc thầy trắng xóa
Lũ chúng con cũng điểm bạc mái đầu
Muôn nẻo nước non kẻ còn người mất
Đều biết mình ở điểm nào
Trên tấm bản đồ bằng vải diềm bâu…

 

Tiếng to tiếng nhỏ, nhà thơ Hà Đức Toàn kể tôi nghe câu chuyện khiến ông cảm động mà viết bài thơ này. Ấy là vào năm 1954, cậu học trò cấp 2 đi chân đất từ Đại Từ quê ông về thị xã Thái Nguyên thi vào cấp 3 Lương Ngọc Quyến. Cả Khu tự trị Việt Bắc chỉ có một trường nên học sinh các nơi đổ về thi đông lắm. Đi đến Phấn Mễ (Phú Lương) thì trời ập tối, đường rừng âm u lại có một mình, cậu lân la làm quen với nhóm học trò địa phương xin theo về nhà họ tá túc qua đêm. Sáng hôm sau, cậu tiếp tục “hành quân” về trường lúc đó sơ tán ở làng Đồng Mỗ (Túc Duyên ngày nay). Cậu học trò trong tay chỉ có cây bút, tờ giấy trắng đã thi đỗ vào cấp 3 Lương Ngọc Quyến. Thầy giáo dạy Địa lý là thầy Lại Đức Thông. Như bao thầy cô khác, gia đình thầy Thông cũng chật vật ăn cơm độn, áo quần thiếu thốn. Ấy vậy mà thầy đã dùng tấm vải quý giá, đáng ra dành may áo cho con để vẽ bản đồ đất nước làm giáo cụ trực quan cho học trò. Không biết tấm bản đồ đó có còn? Nhưng học trò của thầy Thông đi đâu vẫn nhớ mình đang đứng ở điểm nào trên tấm vải tình thương của thầy.

 

Khác với ông Toàn, khi tôi gợi lại kỷ niệm trường xưa, Đại tá Tạ Chu (nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh) thoáng thẫn thờ. Ông bảo: Tôi nhớ tất cả, từ thầy Dương Văn Tài (hiệu trưởng), các thầy, cô dạy bộ môn, nhớ bác Quế đánh trống, bác Khoát coi phòng thí nghiệm. Nhưng tôi nhớ nhất thầy chủ nhiệm của tôi. 3 năm học (1962-1964), chủ nhiệm là thầy Cáp Trọng Thức, tôi là Bí thư Chi đoàn kiêm lớp trưởng, bạn Trần Văn Dục là phó Bí thư kiêm lớp phó. Nay thầy Thức và bạn Dục đã sang thế giới người hiền. Tôi xin thắp nén tâm nhang kính cẩn trước vong linh thầy và bạn.

 

Ông Tạ Chu kể: Thầy chủ nhiệm của chúng tôi dáng người nhỏ nhắn, tác phong nhanh nhẹn, luôn cười tươi mỗi khi thầy giảng bài hay lúc nói chuyện. Thầy dạy môn Lịch sử và phụ trách phổ biến thời sự tổng hợp thường kỳ trong buổi chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần. Thầy nắm chắc tình hình đất nước, tình hình chiến đấu và truyền đạt lại bằng giọng trầm ấm. Nhờ thế mà trong điều kiện khó khăn, thông tin chưa phát triển, nhưng cán bộ, giáo viên, học sinh của Trường vẫn không bị lạc hậu về tin tức. Dù rất coi trọng vai trò tự quản do Bí thư Chi đoàn và lớp trưởng đảm nhiệm, nhưng tôi và bạn Dục luôn được thầy thường xuyên bảo ban, đưa chúng tôi đi cùng để giải quyết những vụ việc xảy ra trong lớp. Có một chuyện này tôi nhớ mãi: Bạn Đỗ Thúy L., nữ sinh thùy mị, duyên dáng của lớp cho một bạn trai khác lớp tên Nguyễn Gia Đ. mượn cuốn truyện. Rồi một ngày bạn Đ. đem trả, kẹp trong sách một bức thư tay, mà không nói gì. Bạn L. vô tư cất cuốn truyện vào chồng sách, không hề để ý. Bố của bạn là cán bộ Ty Văn hóa, ông rất cẩn thận trong việc trông nom con cái. Đặc biệt, mẹ bạn L. mất sớm, bố bạn càng sát sao các con nhiều hơn. Một lần ông kiểm tra sách vở của L., phát hiện trong cuốn truyện có một bức thư… tỏ tình của bạn Đ. Ông nổi cơn thịnh nộ, đánh đập, đuổi con đi. L. khóc than, một mực kêu oan và đến xin thầy chủ nhiệm giúp đỡ. Thầy Cáp Trọng Thức lắng nghe L. trình bày, thầy gọi Đ. đến, bảo Đ. đến xin lỗi ông cụ, rồi thầy cùng tôi và Dục đến nhà gặp bố bạn L. nói chuyện, mong ông hiểu con gái mình. Sau đó, bố bạn L. đã tha thứ cho con. Thầy chủ nhiệm của chúng tôi thương yêu và tin tưởng vào học trò của mình như thế đó.

 

Riêng tôi - người viết bài này - nhớ về trường xưa lại canh cánh một niềm… ân hận. Tôi là học sinh của trường năm học 1976-1979. Lớp 8 thày Lương dạy Chính trị chủ nhiệm; lớp 9 cô Đào dạy Hóa chủ nhiệm, cả thày Lương và cô Đào đều hiền nên chúng tôi có phần nhõng nhẽo. Lên lớp 10, chủ nhiệm của chúng tôi là cô Vũ Thị Thắm. Cô Thắm dạy Toán rất giỏi những cũng rất nghiêm khắc, cô thường gọi chúng tôi là “anh, chị” khiến chúng tôi không dám gần cô. Có lần bạn Nghĩa (nay đã mất), trong một buổi sinh hoạt cuối tuần, lấy hết can đảm đứng lên “thưa cô, cô đừng gọi chúng em là anh chị, chúng em rất sợ…”. Cả lớp lặng đi, có đứa cúi xuống lén gạt nước mắt. Cô Thắm sững người, đứng im hồi lâu, tay nắm chặt cái khăn lau bảng. Từ đấy, cô không gọi chúng tôi là ‘anh chị” nữa. Rồi chúng tôi biết chuyện riêng của cô: Lấy chồng được 10 ngày thì chồng cô ra chiến trường và hy sinh. Cô ở vậy nuôi con từ đấy. Cuộc sống đơn chiếc thiếu thốn mọi bề khiến cô trở nên ít cười. Hiểu ra, chúng tôi thương cô vô cùng. Tôi đã làm một bài thơ nhớ trường, trong đó có những câu: Tuổi ấu thơ bao điều không hiểu nổi/Để bây giờ mới biết mình mắc tội/Của một thời khờ dại, ngây thơ…

 

Nói về trường THPT Lương Ngọc Quyến, nhiều người nghĩ đến một đơn vị Anh hùng. Riêng tôi, muốn nói đến gương mặt khác:  Ngôi trường tình nghĩa và tài hoa.

 

Từ thầy giáo hiệu trưởng đầu tiên Phạm Duy Nhượng, chỉ tại nhiệm từ tháng 10-1946 đến tháng 3-1947, nhưng nay nhiều người còn nhắc. Vì thầy quá đa tài, vừa lãnh đạo trường vừa dạy Văn, Sử, tiếng Pháp, tiếng Anh, Nhạc họa, đôi khi dạy cả Toán. Dường như con người tài hoa đầu tiên ấy đã mở đầu cho lớp người tài hoa sau này. Thầy giáo dạy Toán Phạm Đan Quế lại là người lập kỷ lục ghi nét Việt Nam vì có đến 15 công trình nghiên cứu về… Truyện Kiều. Thầy giáo Nhân dân Trịnh Trúc Lâm không chỉ dạy Địa lý rất hay mà còn vẽ tranh biếm họa, làm thơ châm, viết báo…

 

Thầy như thế, học trò giỏi giang là tất nhiên. Ngay như chuẩn bị cho Ngày kỷ niệm 70 năm thành lập, học  các  thế hệ trò nô nức sáng tác bài hát, làm phim, vẽ logo, viết truyện, làm thơ… tặng trường.

 

Sẽ không biết bao nhiêu giấy mực nếu tôi kể hết các câu chuyện về thầy cô Lương Ngọc Quyến, bởi ở đâu tôi gặp học sinh của trường là ở đó tôi gặp một kho kỷ niệm.

 

Dù vui hay buồn, những gì nhắc đến trong bài viết này chỉ là nét chấm phá phác họa nên thương hiệu Lương Ngọc Quyến. Cao hơn hết là sự biết ơn của trò đối với  thầy, như cánh chim dù bay đi phương trời rộng lớn đến mấy vẫn không bao giờ quên chiếc tổ nồng thơ ấu.