Thầy, trò chúng tôi ngày ấy

16:40, 12/03/2016

Cuối năm 1967, hơn hai chục đứa chúng tôi từ nhiều huyện trong tỉnh Bắc Thái (do hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn hợp nhất từ năm 1965 đến năm 1996) được chọn về học lớp Toán đặc biệt của Trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến. Khi đó, dù máy bay Mỹ đã tạm dừng bắn phá miền Bắc nhưng Trường vẫn sơ tán tại thôn Lai Thành, xã Thịnh Đức, huyện Đồng Hỷ. Những ngày đầu, cứ vài ba đứa lại được chia về ở cùng một gia đình nông dân tại xóm Khuôn. Học kỳ 2 của lớp 8 (đầu năm 1968), chúng tôi chuyển ra ở tập trung trong 2 căn nhà lợp cỏ tranh, ngay cạnh lớp học ở đồi sim gần xóm Khuôn. Lớp học của chúng tôi được dựng theo kiểu thời chiến, đó là “ngôi nhà” cột cao bằng chiều sâu của hầm, có mái lá tranh úp lên căn hầm, hai phía trước sau có cửa thoát ra giao thông hào và hầm trú ẩn.

 Quản lý và cùng ăn, ở với chúng tôi, dạy chúng tôi môn Toán trong suốt 3 năm là thầy giáo chủ nhiệm Bùi Kính Hùng. Thầy là người Thanh Hoá, khi đó còn trẻ lắm và chưa có vợ. Thầy Hùng có lối sống giản dị, hòa đồng với học sinh, thân mật, tận tình chỉ bảo học sinh trong học tập cũng như cách sống hàng ngày. Thầy giáo - Anh cả là hình ảnh đọng lại trong ký ức của học sinh lớp tôi. Tôi vốn lười biếng nên kỷ niệm sâu sắc nhất về sự học là số lượng bài tập thầy giao cho làm trong 3 tháng hè của lớp 8: Giải 100 bài toán Đại, Hình, Lượng. Tôi và Nguyễn Danh Thái (người gốc tỉnh Thái Bình, cùng gia đình đi khai hoang tại huyện Định Hóa, Thái Nguyên) nằm bò trên sạp giường của nhà tập thể để tính toán. Lúc đầu là háo hức, hăng hái. Mất cả tuần, thấy kết quả của 2 luỹ thừa mấy chục đã là con số “dài cả sải tay” thì chán nản. Bỏ bê ít ngày, cả hai lại tiếp tục nhưng chưa tính tới con số luỹ thừa hàng trăm thì đã hết kỳ nghỉ hè (hồi đó chưa có máy tính điện tử hay máy tính cầm tay như bây giờ). Không tìm được đáp số cuối cùng của bài toán nhưng tôi ngộ ra rằng: Kiên trì, nỗ lực, biết đúc rút kinh nghiệm và luôn tin vào khả năng của bản thân khi thực hiện công việc chính là bài học mà thầy muốn dạy chúng tôi thông qua bài toán nhỏ.

 

Những năm 1967-1970, cuộc sống thật khó khăn. Dù là hàng tháng, mỗi chúng tôi đều nhận được học bổng từ nhà nước: 11,0 đồng/người/tháng, trừ học phí chúng tôi còn 9,6 đồng để tiêu pha thêm. Nhưng đói là tình trạng thường xuyên đối với chúng tôi vì đang tuổi ăn, tuổi lớn. Đói cả gạo, đói cả rau, đói cả muối. Có những lần bọn tôi phải ngồi cậy từng hạt muối còn sót lại lọt trong các khe hòm đựng muối để hoà thành nước làm thức ăn. Có tháng, số bữa cơm độn ngô không nhiều hơn số bữa ăn nắm bột mì luộc, sắn củ hấp. Những củ sắn “mậu dịch” để lâu ngày đã chảy nhựa, ăn đắng ngắt nhưng vẫn phải chia đều, nhường nhịn nhau cho đủ bữa. Lớp tôi được chia thành mấy tổ học tập. Tổ nào cũng trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn nhưng rau lớn chậm hơn nhu cầu của mấy cái bụng đói nên hôm nào kiếm được nồi canh đầy rau rền cơm, rau sam, rau lang... là bữa ăn lại vui như Tết. Thịt lợn là thứ xa lạ trong bữa ăn của bọn tôi những năm đó.

 

Ăn ở đã khổ, chúng tôi còn thêm nỗi khổ vì thiếu nước. Nhóm Phổ Yên (Nguyễn Đăng Thắng, Nguyễn Văn Vị, Lưu Quang Hào, Nguyễn Quang Sơn, Lê Văn Thắng) đã từng bị lở ngứa cùng mình. Đang ở nhà với bố mẹ nay ra ở tập thể cùng bạn học thì chuyện tranh cãi, xích mích giữa bọn trẻ chúng tôi là không thể tránh khỏi. Khi đó, Thầy Hùng luôn phải đứng ra phân giải đúng sai, khuyên nhủ để gắn kết chúng tôi lại trong một tình bạn đồng cam cộng khổ. Cùng ăn ở với bọn tôi nên thầy cũng chịu chung cảnh đói đủ thứ với học trò, trong khi ngày nào thầy cũng phải có mấy giờ giảng. Ngoài các kiến thức toán trong sách phổ thông, thầy Hùng còn sưu tầm và giảng thêm các kiến thức từ sách toán tiếng Nga, từ báo Toán học và Tuổi trẻ để giảng trên lớp... Có những lần thầy đưa ra cách giải bài mới và thầy trò cùng tranh luận xem cách cũ, cách mới cách nào nhanh hơn, đơn giản hơn, dễ giải quyết hơn. Có lần thầy cho mấy bạn học khá nhất lớp tìm hiểu trước bài học và hôm sau lên thuyết trình trên lớp. Cả lớp lại được dịp bình và luận về cách thức trình bày bài học, các kiến thức trong bài học mà bạn mình đã nói, thậm chí lên bảng trình bày lại theo ý hiểu của mình.

 

Cùng với thầy Hùng là thầy Phan Dũng dạy Hoá học, cô Tuyết dạy Địa lý, cô Châu dạy Lịch sử, thầy Kỳ Tài dạy tiếng Nga, cô Hương dạy Văn học và nhiều thầy cô giáo nữa từng chút, từng chút, ngày qua ngày giảng dạy, rèn giũa chúng tôi nên người. Tuổi học trò của chúng tôi tuy không có tiếng ve râm ran, không có sắc đỏ hoa phượng nhưng chúng tôi có những mùa hè tím màu hoa sim, hoa mua như nỗi nhớ trường lớp, thầy cô, bạn bè.

 

Đầu năm lớp 9, Ban Giám hiệu Nhà trường quyết định bổ sung vào lớp tôi 10 bạn học giỏi nhất của hai lớp 9B và 9C, chủ yếu là người T.P Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ. Lớp thêm đông càng tăng thêm nhiệt tình thi đua, thậm chí là ganh đua trong học tập giữa hai nhóm lớp A và lớp B, C.

 

Ba năm học thật dài mà cũng thật nhanh. Từ những đứa trẻ 14-15 tuổi lần đầu xa nhà sống tập thể, chúng tôi đã trở thành những thanh niên, 17-18 tuổi háo hức bước vào cuộc sống mới với những kiến thức văn hoá, những nhận thức ban đầu về cuộc sống mà các thầy, cô giáo đã tận tụy truyền dạy. Tôi và một số bạn đi bộ đội, vào miền Nam chiến đấu khi chưa biết kết quả thi đại học. Có 2 bạn trong lớp A đã hy sinh anh dũng: Liệt sĩ Lê Văn Thắng (người huyện Phổ Yên) và Liệt sĩ Nguyễn Danh Thái (người huyện Định Hoá). Số còn lại, đều vào các trường đại học trong nước và nước ngoài. Tốt nghiệp đại học, lại có một số người nhập ngũ. Tuy chưa có ai trong lớp tôi nắm giữ những vị trí cao nhưng cũng có thể tự hào là ai cũng hoàn thành tốt trách nhiệm sống, trách nhiệm làm việc trên cương vị của mình với nhiệt huyết và phong cách sống đã được hình thành từ thuở “Xóm Khuôn, đồi Sim” năm xưa.

 

Hơn bốn mươi năm đã trôi qua, chúng tôi bây giờ phần lớn đã nên ông, nên bà, những người đi làm cho Nhà nước đều đã hưu trí.

 

Thường thì một hoặc hai năm, mấy đứa chúng tôi đang làm việc và sống tại Hà Nội lại nhóm họp với các bạn cùng thời khác lớp để nhớ đến thầy, cô giáo, nhớ đến bạn bè xưa, nhớ lại kỷ niệm của những ngày sống ngây thơ trong gian khổ dưới mái trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến thân yêu. Thầy và trò chúng tôi những năm 1967-1970 đã sống cùng nhau và bây giờ luôn nhớ đến nhau với tình cảm chân thành, bền chặt: Tháng năm trải cùng tuổi tác/ Cuộc đời bãi biển nương dâu/ Lòng ta chẳng hề đổi khác/ Dù cho “thưở ấy” còn đâu.