Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng trên 12 nghìn học sinh tốt nghiệp THPT và gần 15 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS. Tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề (TVHNDN) được xem là một vấn đề cấp thiết hiện nay vì sẽ giúp thanh thiếu niên chọn lựa nghề nghiệp đúng với khả năng, phát huy tối đa năng lực sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tránh lãng phí về đào tạo và sử dụng lao động. Tuy nhiên, kết quả đạt được của công tác này khá khiêm tốn.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có một số chủ trương và giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động TVHNDN và phân luồng học sinh (HS) như: đưa hoạt động giáo dục hướng nghiệp, chương trình bộ môn công nghệ, chương trình nghề phổ thông vào chương trình THCS và THPT; xây dựng phát triển mô hình trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, dạy nghề. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Nhiều nội dung TVHNDN chưa thực sự được quan tâm.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Ngô Tuấn Tăng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp, Dạy nghề tỉnh khẳng định: “5 năm trước đây, trước mỗi kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng, Trung tâm phối hợp với một số trường THPT trên địa bàn như Trường THPT Ngô Quyền, THPT Thái Nguyên… tổ chức TVHN cho HS. Song nhiều năm qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh không mặn mà, hào hứng khi chúng tôi đặt vấn đề tổ chức tại trường. Vì thế khoảng 3 năm trở lại đây việc tổ chức hướng nghiệp trước mỗi kỳ thi tại các trường không được tổ chức nữa. Được biết, một số trường THPT trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức hoạt động TVHN vào thời điểm gần đến kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu là các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đến tư vấn lồng ghép giới thiệu về trường mình để thu hút lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào. Một số tổ chức Đoàn thanh niên cũng đứng ra tổ chức tư vấn nghề, nhưng họ cũng không mời đơn vị tham gia. Vì thế, về lý thuyết, chúng ta cứ nói với nhau là TVHNDN giúp phân luồng học sinh từ THCS. Thế nhưng, điều này là rất khó thực hiện, vì phần lớn đích của các bậc phụ huynh đều nhắm cho con vào các trường THPT công lập, đại học, chẳng ai muốn cho con tốt nghiệp THCS vào học nghề như được định hướng theo năng lực…”.
Những cách làm trên chưa đủ cơ sở để giúp các em HS có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Sự hiểu biết về nghề nghiệp mà các em chọn cũng như những yêu cầu của nghề và sự đáp ứng yêu cầu của bản thân đối với nghề còn rất hạn chế. Điều này đã làm cho các em có những suy nghĩ sai lệch trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai.
Trò chuyện cùng nhóm học sinh lớp 8, Trường THCS Quang Trung (T.P Thái Nguyên) đang học nghề tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp, Dạy nghề tỉnh, chúng tôi nhận thấy, các em đều xác định học nghề cốt để có thêm điểm cộng để thi vào các trường THPT. Theo em Nguyễn Khánh Huyền, lớp 8A2, Trường THCS Quang Trung: Lớp em các bạn được cô giáo tư vấn học 2 nghề (nam giới học Tin học, nữ học Thủ công mỹ nghệ). Em không xác định học nghề để sau này có thể làm được công việc này kiếm sống, mà học nghề nếu đạt loại giỏi sẽ được cộng 1,5 điểm (điểm ưu tiên) khi xét vào lớp 10. Cùng quan điểm với Huyền, Nguyễn Hoàng Diệu, học cùng lớp cho chúng tôi biết thêm: Em chưa thấy nhà trường tổ chức hướng nghiệp cho học sinh. Bố mẹ em đều đi làm ở cơ quan nhà nước, bố mẹ định hướng cho em phải thi Đại học Tài chính hoặc ngành Ngân hàng. Vì thế, ngay từ bây giờ em phải cố gắng học tập để đạt được mục tiêu đề ra.
Thực tế cho thấy, đối với hoạt động dạy nghề của Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp - Hướng nghiệp, Dạy nghề tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Theo đồng chí Ngô Tuấn Tăng, Giám đốc Trung tâm: “Về chuyên môn theo ngành dọc chúng tôi gần như bị bỏ rơi, bởi trước đây lĩnh vực này thuộc Trung tâm Lao động hướng nghiệp của Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý. Sau khi Trung tâm này giải thể, mảng hướng nghiệp, dạy nghề thuộc Vụ Giáo dục Trung học của Bộ Giáo dục & Đào tạo phụ trách. Tuy nhiên, sự quan tâm về chuyên môn vẫn còn hạn chế. Vì thế, nhiều năm qua, ngành dọc không tổ chức được một cuộc nào tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, mà chúng tôi phải tự tổ chức bồi dưỡng cho nhau. Khó nữa là về cơ sở pháp lý, các văn bản đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của viên chức, giáo viên của khối này cũng không có, vì thế chúng tôi phải áp dụng na ná giống giáo viên, công chức các trường phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đối với cán bộ quản lý, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng chỉ ban hành chuẩn đánh giá với giám đốc, phó giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên, còn trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, dạy nghề không có…
Bên cạnh đó, trong việc dạy nghề, chúng tôi gặp không ít khó khăn, như: Nhu cầu HS học các nghề khác nhau, trong khi đó cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên từng bộ môn ít. Vì thế, Trung tâm thậm chí phải thương lượng với các nhà trường, các bậc phụ huynh để chọn cho con em mình học nghề trong điều kiện Trung tâm có thể đáp ứng được. Hiện, Trung tâm đang dạy nghề cho học sinh của 25 trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Đối với những trường học cách xa trung tâm thành phố, Trung tâm phải cử giáo viên đến tận nơi dạy nghề. Những trường này thì chỉ tập trung vào các nghề truyền thống là điện, móc len, làm hoa. Đây cũng chính là nguyên nhân mà HS không mặn mà với việc học nghề”.
Hiện nay, thực hiện thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các địa phương trong toàn quốc, trong đó có Thái Nguyên đang tiến hành sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp công lập cấp huyện thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Mục tiêu đề ra nhằm thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm. Chúng ta cùng hy vọng những khó khăn kể trên sẽ được khắc phục.