Dạy Văn - Sử thông qua trải nghiệm thực tế

16:35, 26/05/2016

Những năm gần đây, Văn học và Lịch sử là hai bộ môn ít được học sinh quan tâm. Đưa Văn học lên sân khấu, dẫn học sinh về nguồn… những việc làm này tưởng chừng chỉ để vui chơi, giải trí vậy mà lại mang đến hiệu quả thiết thực cho việc dạy Văn học, Lịch sử trong các trường phổ thông hiện nay.

Một trong những nội dung chương trình hành động của Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên) về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Nhà trường cụ thể hóa bằng việc phát động phong trào thi đua lao động sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và học; học tập phải đi đôi với thực tiễn, thực hành. Trăn trở với việc học tập, tiếp thu kiến thức bài học môn Văn, môn Sử của học sinh đang trở nên máy móc, học thuộc lòng mà sáo rỗng, cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Nhà trường đã cùng Tổ bộ môn Văn học - Lịch sử tìm đến Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nghiên cứu và xây dựng kịch bản giáo án thực hành trải nghiệm học môn Lịch sử, kế đó, Nhà trường đã liên hệ với các đơn vị biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh để sưu tầm các đạo cụ, học đạo diễn nhằm hóa thân nhân vật trong tác phẩm Văn học vào sân khấu biểu diễn.

 

Cô Lan chia sẻ: “Có một thực tế là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, việc tiếp cận các vấn đề Văn học, lịch sử là không khó. Nhưng để lưu lại trong trí nhớ và sâu lắng trong tâm hồn người đọc, nhất là đối tượng học sinh thì rất khó, thậm chí người đọc dễ tiếp nhận thông tin hời hợt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống trong quá trình hình thành, rèn luyện nhân cách học sinh về sau. Chính vì vậy, từ năm 2014, chúng tôi bắt đầu cho thử nghiệm chương trình học Văn - Sử thông qua trải nghiệm thực tế, để mỗi học sinh đều được đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật, bối cảnh lịch sử”.

 

Năm học 2015-2016 đang khép lại, nhưng nhóm thầy, cô giáo Tổ bộ môn Văn học - Lịch sử của Trường THCS Nha Trang vẫn sôi nổi xây dựng kịch bản trích đoạn các tác phẩm Văn học. Cô giáo Thiều Phương Nga cho biết: “Chúng tôi luôn trăn trở phải làm sao để tiếp thêm ngọn lửa đam mê Văn học cho học sinh? Giảng thật hay, nói thật sâu với những bài giảng trên lớp thôi chưa đủ, vì vậy ý tưởng tổ chức cho học sinh một chương trình nghệ thuật để các em cảm thụ tác phẩm Văn học là việc nên làm”. Và bằng chính tâm huyết của mình, các thầy, cô giáo Nhà trường đã truyền thêm lửa cho học sinh để các em thêm yêu môn Văn bằng những buổi ngoại khóa Văn học sinh động. Bắt đầu từ việc cả cô và trò cùng chọn tác phẩm Văn học rồi chuyển thể sang kịch bản sân khấu, các cô giáo Tổ bộ môn cùng chọn những lời thoại vừa vui tươi, dí dỏm vừa không làm mất cái “cốt” của tác phẩm văn chương… Sau đo, cô giáo bộ môn trực tiếp làm đạo diễn, phân vai, bảo đảm tất cả các em học sinh trong một lớp đều được thể hiện vai diễn của mình, rồi tổ chức biểu diễn tại các buổi học ngoại khóa và cùng bình chọn thành công trong diễn xuất từng nhân vật của học sinh.

 

Anh Ngô Văn Thụ, Trưởng Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh lớp 8A2 nhớ lại: “Ngày đầu, tôi thấy không thực tế lắm, vì chiếm dụng khá nhiều thời gian học tập của các cháu. Nhưng sau khi chứng kiến vài vai diễn của các cháu và đối chiếu với cách viết bài văn của con mình thì mới thấy các cháu viết văn thật hơn, xúc động hơn”. Anh kể lại: Tôi được trực tiếp xem trích đoạn “Tức nước vỡ bờ” trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố mà không ngăn nổi nước mắt cảm động. Dường như chính các con mình làm thức tỉnh lại những cảm xúc tiếp cận Văn học của mình”. Cô giáo Nguyễn Việt Hà, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Bản thân tôi là giáo viên dạy môn tự nhiên, nhưng xem trích đoạn “Tức nước vỡ bờ” do các em học sinh chia nhóm biểu diễn mà không kìm nén nổi xúc động. Cảnh chị Dậu được bà lão hàng xóm cho vay chút gạo, nấu cháo cho anh Dậu ăn. Vừa múc bát cháo bưng lên cho chồng, anh Dậu còn chưa kịp ăn thì tên cai lệ và người nhà Lý trưởng xông vào đòi bắt trói. Chị Dậu vừa lo lắng cho chồng, vừa sợ hãi đã van nài các “ông” tha cho chồng “cháu”… Nhưng lũ đầu trâu mặt ngựa vẫn hung hăng lao vào bắt trói anh Dậu. Nỗi tức tối đã chiến thắng nỗi sợ hãi. Bị bọn chúng đánh lại, chị Dậu uất ức vùng lên thách thức: “Mày trói chồng bà, bà cho mày xem” và quật ngã cả hai tên tay sai. Hình ảnh đó đã mang những giá trị tố cáo sâu sắc chế độ thực dân phong kiến thời bấy giờ. Cách tái hiện bằng hình thức sân khấu đã cho cả người xem và người diễn hoàn toàn nhập tâm vào tác phẩm”.

 

Với môn học Lịch sử nhiều khi vẫn còn bị xem là môn “phụ”. Các em học sinh hầu như chỉ tiếp cận với lịch sử đất nước bằng con đường duy nhất là các bài giảng khô khan qua sách giáo khoa. Trong một số chuyên đề ôn tập, Nhà trường đã tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đồng thời cho các em trực tiếp tham gia nhập vai diễn các hoạt cảnh như Đánh chiếm hầm tướng Đờ-cát-tơ-ry trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; hoặc như chiến thắng Thu Đông năm 1947 của Quân đội Nhân dân Việt Nam… Từ đó, học sinh được hòa mình bằng cảm xúc thật vì vậy bài học lịch sử với các em học sinh trở nên hấp dẫn, sống động hơn. Có sự hào hứng, yêu thích trong quá trình học tập, bài học lịch sử không chỉ đơn thuần đọng lại là kiến thức lịch sử. Chính sự hào hứng, yêu thích còn giúp các em học sinh chuyển hóa một cách hiệu quả nhất những hiểu biết thành tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc và trách nhiệm với tương lai… Mặc dù quỹ thời gian cho việc tổ chức học ngoại khóa không nhiều trong chương trình học tập của học sinh, nhưng Nhà trường mỗi học kỳ vẫn tổ chức cho các lớp tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn T.P Thái Nguyên ít nhất một lần theo chuyên đề ôn tập. Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nguyễn Thị Ngân cho biết: “Gần 5 năm nay, Trường THCS Nha Trang đã chủ động liên kết với Bảo tàng trong việc học tập và trải nghiệm, đây chính là cách học môn Lịch sử, văn hóa sinh động nhất và gần gũi nhất cho học sinh”.

 

Có thể nói, dù khung chương trình dạy học các môn Văn - Sử trong trường học không có nhiều, nhưng với cách bố trí thời gian hợp lý mỗi năm 2 đến 3 buổi học dã ngoại và trải nghiệm thực tế trong năm học, các môn Văn - Sử đã định hình được phương pháp dạy học mới, thực tế hơn và hiệu quả hơn. Đúng như lời tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Nhà trường: “Dạy Sử là dạy những giá trị truyền thống, văn hóa; dạy Văn là dạy người. Một học sinh cá biệt khi được nhập vai nhân vật là cha hay là cô con gái trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà chính các em đã khóc khi nhận ra tình yêu bao la, bất diệt của ba dành cho con gái. Các em đã cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, của bạo lực làm chia ly tình cảm con người với con người, tình cảm ruột thịt cha con, đó chính là thành công lớn nhất của dạy và học các môn xã hội mà chúng tôi hướng đến”.