Vào thời điểm này, câu chuyện chọn trường đang là vấn đề “nóng” được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Chính từ quan niệm chọn trường mà nhiều phụ huynh đặt ra cho mình tiêu chí cái gì cũng phải tốt từ trường tốt đến thầy cô tốt. Quanh quẩn với tiêu chí, quan niệm như thế, vô hình chung các bậc phụ huynh, các em học sinh đang tự gây cho mình một áp lực không cần thiết.
Có người bảo con cái là công trình cuộc đời của bố mẹ. Các cháu có lớn khôn, trưởng thành là người có ích cho gia đình, xã hội hay không phần lớn do ý thức rèn luyện, học tập và sự dạy dỗ của gia đình, nhà trường và xã hội mà nên. Cũng có người cho rằng con mình cái gì cũng phải nhất, vì thế ngay từ khi bắt đầu đi học phải học trường tốt nhất, thầy cô tốt nhất. Vậy nên, hiện nay tuy chưa đến hè nhưng câu chuyện chọn trường từ thành thị thậm chí đến nông thôn cũng đều đang rất “nóng”.
Chọn trường học tốt cho con luôn là vấn đề trăn trở của không ít phụ huynh. Ai cũng mong con mình được học tập trong môi trường tốt nhất, thậm chí, trường càng danh giá càng tốt. Trên các trang mạng, nhiều phụ huynh trải lòng với nhau về chuyện chọn trường cho con. Những chia sẻ, tranh luận phần lớn đều cảm thấy rất băn khoăn, lo lắng, mất định hướng trong việc chọn trường. Người thì bảo: Chỉ quan tâm đến việc con mình có thấy thoải mái, có thích ngôi trường đó hay không mà không gò ép miễn là ở đó con phát huy được khả năng học tập. Người thì cho rằng: Phải chọn trường tốt cho con vì như thế sẽ có môi trường tốt và ở đó chắc chắn sẽ có những điều kiện tốt nhất để học tập và các thầy cô sẽ làm mọi thứ tốt nhất cho con mình…
Việc chọn trường thực ra đó là chỉ tâm lý bố mẹ lo cho con đang chuyển từ chơi sang học; lo cho con sẽ căng thẳng nên cũng muốn gánh đỡ phần nào căng thẳng đó; ngoài ra thì có thể thấy lòng tin của các bậc phục huynh đối với nền giáo dục đang suy giảm, nên các bậc phục huynh cũng băn khoăn rất nhiều là không biết chọn trường này với trường kia, trường nào là trường tốt. Các bậc phụ huynh nghĩ rằng trường tốt thì các thầy cô sẽ làm mọi thứ tốt cho con mình, nhưng phụ huynh lại không nghĩ là những trường được cho là không tốt thì ở đó các thầy cô cũng đang làm mọi thứ tốt nhất cho học sinh của mình.
Trên thực tế thì nhiều phụ huynh có tâm lý chọn trường ngay từ khi cho con bắt đầu học từ mầm non, không ít gia đình đã phải chi trả một khoản tiền rất lớn để con mình có thể vào được trường tốt như sự mong muốn của bố mẹ và gia đình. Quan điểm đó cũng không nên, vì không có trường tốt, trường xấu. Mỗi một ngôi trường, một môi trường giáo dục sẽ đem lại một giá trị cho con em mình. Ví dụ một ngôi trường cơ sở vật chất không được tốt lắm, phụ huynh sẽ nghĩ con gặp khó khăn khi vào học. Tuy nhiên, bản thân con sẽ là những đứa trẻ có khả năng vượt khó rất tốt. Vì con được sống ở môi trường khó khăn đã quen thì ra ngoài đời gặp khó khăn con sẽ không cảm thấy căng thẳng. Đó là một giá trị mà các bậc phụ huynh không thể tính được. Và các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý những người thành công thường là những người có chỉ số vượt khó rất cao. Do vậy, nếu chúng ta nương nhẹ, nâng đỡ các con nhiều quá, biết đâu chúng ta lại đang ngăn cản sự thành công của các cháu? Tâm lý phụ huynh chọn nếu là trường công thì đó sẽ là trường điểm, còn tư thục sẽ là trường họ nghĩ càng đắt càng tốt. Nhưng thực tế không phải gia đình nào cũng có đủ tiền để đáp ứng với mong muốn đó, về mặt khác là những đứa trẻ, không phải em bé nào cũng học tốt ở trong những môi trường như thế.
Có quan điểm là không chọn trường mà chọn thầy cô. Trường này có thầy cô rất uy tín vì thế các bậc phụ huynh cũng đua nhau đăng ký cho con có thể vào lớp của thầy cô đó. Để đánh giá ngôi trường tốt hay không tốt thì cần lượng thông tin rất lớn. Cũng giống như thế, đánh giá một thầy một cô cũng rất khó khăn. Nếu các bậc phụ huynh nghe rằng thầy cô này rất tốt, rất giỏi thì thường thầy cô ấy phải tham gia rất nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi và cũng có những khoảng thời gian đi làm các công việc khác thay vì thầy cô ấy dạy ở lớp. Do đó, lớp của các con cũng sẽ có những thiệt thòi so với các bạn ở lớp khác. Còn nếu thầy cô giáo được đánh giá là có trình độ không cao lắm thì thầy cô ấy cũng không có nhiều công việc, như thế sẽ toàn tâm toàn ý dạy cho con mình.
Vậy làm thế nào để các bậc phụ huynh thay đổi tâm lý chọn trường?. Các bậc phụ huynh phải nhớ dù các em học ở trường tốt hay trường mà các bậc phụ huynh cho là kém thì tất cả các cháu đều có một chương trình học được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất trong toàn quốc. Vì thế, các bậc phụ huynh đưa ra các nhận xét trường nọ, trường kia sẽ là chủ quan. Vấn đề quan trọng nhất là tùy từng đứa trẻ, các cháu có thích nghi với ngôi trường và môi trường giáo dục đó hay không mới là điều quan trọng. Khi đó các cháu sẽ gắn bó với trường lớp, yêu thầy cô, bạn bè và như thế sẽ phát huy hết khả năng tư duy sáng tạo của mình trong học tập.