Chiều 7/6, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc về thăm dò ý kiến của hơn 10.000 người độ tuổi 18 ở 25 quốc gia, đại diện mọi vùng trên toàn t hế giới đã nêu ra quan điểm của thanh thiếu niên về những rủi ro mà họ gặp phải trên con đường trưởng thành trong thế giới mạng internet.
Ông Cornelius William, Phó Giám đốc Ban Bảo vệ Trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc phát biểu: “Internet và điện thoại di động đã tạo ra một cuộc cách mạng và thay đổi việc tiếp cận thông tin của giới trẻ, nhưng kết quả thăm dò cho thấy nguy cơ bị xâm hại trực tuyến đối với các trẻ em gái và trẻ em trai là có thật. Trên toàn cầu, cứ 3 người dùng internet thì có 1 người là trẻ em. Những phát hiện mới này mang lại một cái nhìn cận cảnh quan trọng của chính giới trẻ. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc mong muốn lan tỏa rộng rãi tiếng nói của người chưa thành niên nhằm giúp giải quyết nạn bạo hành, bóc lột, lạm dụng trên mạng và đảm bảo rằng trẻ em có thể được hưởng lợi đầy đủ từ những lợi ích mà internet và điện thoại di động mang lại . ”
Ông William cũng chia sẻ thêm: “Khi giới trẻ, c hính phủ, gia đình, khu vực công nghệ thông tin và truyền thông, cộng đồng cùng phối hợp, chúng ta sẽ có nhiều khả năng tìm ra cách tốt nhất để ứng phó với xâm hại và bóc lột tình dục trực tuyến và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng phải hành động để chấm dứt bạo hành trên mạng đối với trẻ em và dù ở bất cứ đâu, đây cũng thực sự là công việc chúng ta phải làm”.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, trẻ vị thành niên có xu hướng tự tin về khả năng đảm bảo an toàn cho bản thân, với gần 90% đối tượng được phỏng vấn tin rằng mình có thể tránh được các nguy cơ trên mạng. Khoảng 6 trong số 10 người cho biết việc gặp gỡ thêm bạn mới trên mạng tương đối quan trọng hoặc rất quan trọng với các em, nhưng chỉ 36% tin chắc rằng các em có thể biết khi nào người ta nói dối về thân thế của họ trên mạng.
Các kết quả nghiên cứu liên quan đến Việt Nam cho thấy, thanh niên 18 tuổi ở Việt Nam coi trọng an toàn trên mạng và nhận thức được rủi ro họ sẽ gặp phải trên Internet. Tuy nhiên, thanh niên Việt Nam rất tự tin là bản thân họ sẽ không trở thành nạn nhân. Nếu họ cảm thấy bị đe dọa trên mạng, họ có thể nói chuyện với bạn bè và gia đình.
Ông Jesper Moller, Phó Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu: “Một điều đáng chú ý là chưa đến một nửa thanh niên Việt Nam tìm sự trợ giúp của thầy cô giáo khi các em bị đe dọa trên mạng. Do đó, trường học đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về an toàn trên mạng cho trẻ em. An toàn trên mạng nên được đưa vào giáo trình giảng dạy trong nhà trường. Trường học cũng cần có chuyên gia tư vấn và một hệ thống hỗ trợ giữa học sinh với nhau để giúp đỡ các em đang có trải nghiệm tiêu cực trên mạng”./.