Đánh giá chất lượng học sinh tiểu học

11:08, 07/06/2016

Ngày 28/8/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ 15/10/2014) quy định cách đánh giá học sinh tiểu học (gọi tắt là Thông tư 30). Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh (HS). Sau 2 năm triển khai thực hiện Quy định này, có khá nhiều phản ứng từ xã hội, chuyên gia, giáo viên và phụ huynh HS. Đặc biệt, những ngày cuối năm học, giấy khen theo tinh thần Thông tư 30 được nhiều phụ huynh quan tâm.

Năm học 2015-2016 đã kết thúc. Lúc này là thời điểm nhiều cơ quan đang đề nghị các phụ huynh nộp kết quả học tập kèm giấy khen của con để xét khen thưởng, kịp thời động viên các cháu. Tuy nhiên, trên các facebook của nhiều phụ huynh lại đang tràn ngập hình ảnh về những lời nhận xét khác nhau của các trường tiểu học đối với việc đánh giá kết quả học tập của các em khi thực hiện theo Thông tư 30.

 

Nhiều phụ huynh cho rằng, những giấy khen theo Thông tư 30 như "Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", "Danh hiệu học sinh khen từng mặt"... khiến cha mẹ không hiểu lực học của con. Có giấy khen HS "Hoàn thành xuất sắc nội dung học tập các môn học, Ứng xử thân thiện - Biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè" được phụ huynh nhận xét là rườm rà, rắc rối. Tương tự, giấy khen "Hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học và phát triển các kỹ năng phẩm chất" cũng khiến bố mẹ không hiểu được con đang ở vị trí nào. Lại có giấy khen đề "Danh hiệu học sinh khen từng mặt" nhận được phản hồi trái chiều từ phía phụ huynh; thầy cô khen mặt nào? Tại sao lại không ghi rõ vào giấy khen? Chính vì vậy mà trong những ngày gần đây, tại một số trường trên địa bàn Hà Nội, có giáo viên đã phải xin lỗi các bậc phụ huynh và điều chỉnh lại nội dung giấy khen cho các cháu.

 

Nhưng cũng có phụ huynh lại rất ủng hộ tinh thần này. Bởi Thông tư 30 ra đời nhằm giảm áp lực thành tích cho HS; nếu cha mẹ cứ muốn quy đổi giấy khen xem tương ứng với học lực gì thì tư tưởng đã nặng về thành tích. Quả thật, theo nhiều giáo viên và phụ huynh, Thông tư 30 có nhiều vấn đề rất hay nhưng giáo viên phải biết sử dụng linh hoạt, nếu không lợi bất cập hại.

 

Trên địa bàn tỉnh, thực hiện Thông tư 30, nhiều trường tiểu học cũng đã trao giấy khen cho HS với nhiều cách ghi. Có thể điểm qua một số trường như: Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, Tiểu học Gia Sàng Thành phố Thái Nguyên ghi trên giấy khen cho HS là Hoàn thành xuất sắc (hoặc hoàn thành tốt) nhiệm vụ của HS, Trường Tiểu học Nha Trang lại ghi Hoàn thành xuất sắc (hoặc hoàn thành tốt) chương trình lớp học; Trường Tiểu học Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, giấy khen ghi chung chung "Đã có thành tích trong học tập và rèn luyện", Trường Tiểu học số 1 - Nam Hòa huyện Đồng Hỷ lại ghi Đã có thành tích tích cực, trách nhiệm với công việc của lớp; Trường Tiểu học Hùng Sơn I huyện Đại Từ ghi Hoàn thành xuất sắc (hoặc hoàn thành tốt) chương trình lớp…(từ lớp 1 đến lớp 5); Trường Tiểu học Xuân Phương Phú Bình ghi Đạt thành tích xuất sắc (hoặc thành tích tốt) trong học tập và rèn luyện; Trường Tiểu học Phấn Mễ I huyện Phú Lương ghi Hoàn thành xuất sắc (hoặc hoàn thành tốt) các môn học và hoạt động giáo dục; Trường Tiểu học Phú Tiến, Chợ Chu huyện Định Hóa ghi Hoàn thành xuất sắc (hoặc hoàn thành tốt) nhiệm vụ học tập và rèn luyện, Trường Tiểu học Phượng Tiến huyện Định Hóa ghi Hoàn thành xuất sắc (hoặc hoàn thành tốt) các nội dung môn học và rèn luyện... Ngoài ra, nhiều trường còn có thêm giấy khen từng nội dung học tập cho học sinh.

 

Mặc dù hành văn mỗi nơi có khác nhau, song các bậc phụ huynh cho rằng: Giấy khen có ghi "Hoàn thành tốt..." có thể coi tương đương danh hiệu HS tiên tiến; ghi "Hoàn thành xuất sắc..."  có thể coi tương đương danh hiệu HS giỏi trước đây. Còn khen thưởng từng mặt là khen về văn nghệ, thể thao, đạo đức.... chứ không phải khen là toàn diện. Với cách hiểu như vậy, các cơ quan đã xem xét để khen thưởng cho các cháu là con cán bộ, công chức, lao động. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh cũng chưa hài lòng về cách đánh giá, nhận xét và khen thưởng của năm học này theo tinh thần Thông tư 30.

 

Trong khi phụ huynh bình luận sôi nổi về giấy khen của con thì những người trong cuộc là giáo viên cũng không kém phần vất vả. Nhiều cô giáo bày tỏ, Thông tư 30 khiến giáo viên rất mệt với các loại sổ sách, khen thưởng. Nếu viết rập khuôn, giống nhau thì không đúng tinh thần đổi mới, vì vậy giáo viên phải cố gắng đi tìm sự khác biệt của các con. Tuy nhiên, học sinh tiểu học tìm những điều này không phải là dễ.

 

Có thể nói, tinh thần Thông tư 30 là tốt, nhưng trong quá trình thực hiện, các ngành chức năng cần nghiên cứu, vận dụng để có sự thống nhất trong cả nước, đảm bảo đánh giá đúng thực chất của học sinh theo lứa tuổi; các bậc phụ huynh nhìn vào giấy khen có thể hiểu được con mình đang đứng ở vị trí nào trong lớp. Cùng với đó, cần tính đến việc thực hiện Thông tư với những lớp có sĩ số phù hợp (khoảng 20-25 học sinh), giáo viên dễ quản lý. Bởi thực tế cho thấy, với các lớp có sĩ số cao thì thầy cô khó có thể bao quát, đánh giá hết được các em chỉ trong một vài lời nhận xét chung chung.

 

Nhớ lại, ngày xưa khi mà thế hệ ông bà, cha mẹ các cháu đi học, được giấy khen là về khoe khắp xóm, có khi tối về ôm quà với giấy khen ngủ; cha mẹ cũng rất hãnh diện khi biết con được nhận giấy khen, được tặng quà. Trong giấy khen ghi rõ ràng xuất sắc, giỏi hay khá; HS trung bình thì không có giấy khen. Còn bây giờ, thời đại công nghệ tiên tiến nên ai cũng giỏi, cũng được khen thưởng; còn đâu cái thời được nhận giấy khen là một niềm hạnh phúc, tự hào? Nhiều cán bộ quản lý chia sẻ, tâm lý phụ huynh vẫn thích phải có giấy khen cuối năm cho con để còn có bằng chứng khoe với mọi người, nộp cho cơ quan để được phần thưởng… Đây là nguyên nhân vì sao các trường tiểu học có rất nhiều giấy khen, trong khi chỉ nên tập trung khen những cá nhân thực sự xuất sắc.

 

Với những phản hồi từ cuộc sống, các bậc phụ huynh mong muốn Ngành GD-ĐT cần nghiên cứu, đổi mới, có quy định rõ ràng trong việc ghi giấy khen cuối năm học một cách thống nhất trong toàn quốc để thực hiện đồng bộ.

 

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về đánh giá và khen HS tiểu học theo Thông tư 30 có ghi: “Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng HS. Việc ghi vào giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng HS là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn”.