Từ nhiều năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo kiểm soát gắt gao việc giáo dục cho trẻ mầm non theo từng độ tuổi, song tình trạng phụ huynh cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1 vẫn có xu hướng ngày càng tăng và khó kiểm soát. Điều này đã gây không ít áp lực cho nhà trường, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ nhỏ.
Mặc dù con vừa mới “tốt nghiệp” mẫu giáo được hơn một tuần, song chị Trương Kim Thuyên, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) đã tất bật tìm chỗ để dạy chữ cho con. Nơi mà chị gửi gắm là một lớp luyện chữ ở trung tâm thành phố với sĩ số 10 người/lớp. Chị chia sẻ: Tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều bạn bè có con đang tuổi đi học và được biết chương trình vào lớp 1 của các con khá nặng, trong khi ở chương trình mầm non con tôi mới chỉ làm quen mặt chữ, nếu không cho con đi học trước tôi e rằng con mình sẽ rất vất vả để theo kịp các bạn.
Chị Lê Thị Lương, tổ 12, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Không học không được! Mình có chị bạn đồng nghiệp không cho con đi học thêm trước nên vào lớp 1 cháu rất bỡ ngỡ do hầu hết các bạn trong lớp đã được làm quen với chương trình. Rút kinh nghiệm nên sau khi cho con nghỉ xả hơi khoảng nửa tháng mình sẽ đưa cháu đến nhà cô giáo tiểu học tại trường mà vợ chồng mình định đăng kí cho con để học cả Toán và Tiếng Việt.
Giống như gia đình chị Thuyên, chị Lương, nhiều bậc phụ huynh lo lắng sợ con không bắt kịp chương trình nên cố tình dạy Toán, rèn chữ cho con. Thậm chí, nhiều trẻ chỉ trong 3 tháng hè đã bị ép hoàn thành cả chương trình lớp 1. Bên cạnh đó, một số gia đình do bận rộn với công việc nên trong thời gian trẻ nghỉ hè, thay vì đưa con đi du lịch hay đơn giản là dành nhiều thời gian vui đùa bên con thì họ lại lựa chọn phương án là gửi con đến các lớp học thêm để tiện cho việc quản lý trẻ.
Nắm bắt được tâm lý của các bậc phụ huynh, ngay khi vừa kết thúc năm học, hàng trăm các lớp bồi dưỡng tiền lớp 1 cho các bé được mở ra, chủ yếu là ở trung tâm thành phố. Trong đó, người dạy là những giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, các cô giáo đã về hưu hay các gia sư là sinh viên. Trong vai một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1, chúng tôi tìm đến một lớp dạy thêm trên phố Phan Bội Châu (T.P Thái Nguyên). Dù không có biển hiệu song người đến đăng ký học cho con khá đông. Theo sự tư vấn của cô giáo T.A (chủ cơ sở), để trẻ có thể làm được Toán và viết chữ thành thạo thì ít nhất phải trải qua 2 đợt học (mỗi đợt 20 ngày); giá của mỗi khóa học chữ là 35.000 đồng/buổi, một tuần 5 buổi, mỗi buổi học 2 tiếng. Không những thế, nhằm “tạo điều kiện” cho phụ huynh, một số cơ sở còn bố trí ăn trưa cho trẻ để các cháu có thể học tập cả ngày khi bố mẹ thiếu thời gian đưa đón.
Các chuyên gia về giáo dục nhấn mạnh, dạy và học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1 đối với giáo viên, nhà trường. Dạy trước chương trình khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm - sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.
Không đồng tình với hình thức ép trẻ học trước chương trình lớp 1, cô giáo Vũ Thị Minh Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non 1-5 (phường Trung Thành, T.P Thái Nguyên) cho rằng: Không phải ngẫu nhiên mà quy định trẻ 6 tuổi mới được học lớp 1 bởi khoa học đã chứng minh, trẻ vào giai đoạn này mới thích hợp cho việc học tập. Việc phụ huynh cho con đi học trước không những không có lợi mà ngược lại, đang làm hại trẻ, khiến trẻ mất hứng thú học đường. Theo kinh nghiệm của tôi, cách tốt nhất là hãy cho trẻ làm quen với việc học, dạy trẻ tâm thế để vào lớp 1 nghe lời cô giáo, hòa đồng với bè bạn.
Nếu như trước đây, những trường hợp trẻ 4-5 tuổi đọc thông viết thạo, biết làm Toán được coi như “thần đồng” thì đến nay đã không còn là chuyện hiếm, ngược lại, những học sinh bình thường bỗng trở thành cá biệt, có vẻ thua kém trong lớp. Cô Phạm Thị Thắm, giáo viên Trường Tiểu học Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Việc dạy chữ cho các em trước khi vào lớp 1 khiến công tác dạy học của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Có thể điều này sẽ khiến giáo viên nhàn lúc đầu, song hầu hết những em đã biết đọc không còn hứng thú nghe cô dạy. Trong khi đó, những em không học trước dễ lo lắng, chán nản khi ngay từ những ngày đầu tiên đi học thấy các bạn đều đã biết đọc, biết viết. Nguy hại nhất là nhiều người dạy thêm thiếu công tác sư phạm hoặc chưa cập nhật phương pháp giáo dục mới dẫn đến học sinh cầm sai bút, ngồi sai tư thế, đọc sai cách…khiến trẻ có nguy cơ bị cận, cong vẹo cột sống, rất khó để điều chỉnh lại.
Một thực trạng đáng báo động nữa là hiện nay, thuật ngữ “giáo dục sớm” đang được sử dụng khá phổ biến trên các diễn đàn về giáo dục và được nhiều bậc phụ huynh rỉ tai nhau về hiệu quả của phương pháp này nhưng không phải ai cũng hiểu đúng và biết cách áp dụng. Thậm chí, nhiều người còn lợi dụng thuật ngữ này để ngụy biện cho việc dạy trước, học trước. Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thúy Ngư, Giám đốc cơ sở mầm non Bon&Bee (tầng 1, chợ Phú Thái, T.P Thái Nguyên) cho biết: Giáo dục sớm khác với “tiểu học hóa”, dạy trước chương trình. Đây là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công, theo đó, trẻ được tạo mọi điều kiện để phát huy tiềm năng trong giai đoạn vàng từ 1-6 tuổi, được vui chơi và học cách khám phá thế giới xung quanh. Theo tôi, dạy trẻ không khi nào là sớm, quan trọng là phương pháp như thế nào!
Đua nhau cho con đi học sớm, chính các phụ huynh đang làm mất dần tuổi thơ được vui chơi của con mình, gây khó khăn cho giáo viên và gây khủng hoảng, lo âu cho những trẻ em khác. Để giải quyết vấn nạn này, cần thiết có sự thay đổi tâm lí từ chính các bậc phụ huynh, sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa từ phía các nhà quản lý giáo dục. Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh nên là người bạn đồng hành của con em mình, giữ cho trẻ nguyên vẹn những cảm xúc đẹp đẽ từ những con chữ đầu tiên để mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui!