Dồn lực để giữ trường đạt chuẩn, nâng chuẩn

10:56, 20/06/2016

Mặc dù thời gian học sinh nghỉ hè đã được gần 3 tuần, song những ngày này chúng tôi đến Trường THCS Đắc Sơn (T.X Phổ Yên) vẫn bắt gặp không khí làm việc nghiêm túc của các thầy, cô giáo. Lật từng tập sổ sách cao ngút đầu người, cô giáo Đỗ Thị Thu Bình, Hiệu trưởng Nhà trường tươi cười: Giáo viên bây giờ hầu như không có hè. Nhà trường đang tập trung cao độ để hoàn thành hệ thống sổ sách, minh chứng, các điều kiện khác để đề nghị công nhận lại Trường đạt chuẩn Quốc gia vào đầu năm học mới.

Dưới trời nắng nóng như đổ lửa, mặc dù những chiếc quạt trần bật hết tốc lực song trên khuôn mặt, lưng áo các thầy, cô giáo vẫn túa mồ hôi. Từng tập hồ sơ, sổ sách, được tập hợp hoàn chỉnh theo bộ để Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) thị xã, Sở GD&ĐT về kiểm tra. Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh sân Trường, các phòng học, hệ thống phòng bộ môn, đến đâu cô giáo Đỗ Thị Thu Bình giải thích cặn kẽ: Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia cách đây 5 năm. Năm nay đến thời điểm công nhận lại. Nếu không biết huy động sức mạnh tổng hợp từ phụ huynh học sinh, cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục… thì sẽ khó lòng có được cơ sở vật chất trang trang như hôm nay. Song để có sự quan tâm của cấp trên, sự tin tưởng của các bậc phụ huynh học sinh, tập thể sư phạm Nhà trường đã có rất nhiều cố gắng. Nhà trường tổ chức tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, lồng ghép nhiều hình thức để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, tiêu chí về đội ngũ, chất lượng đều vượt cao với tiêu chuẩn của trường chuẩn. Hiện nay, trong tổng số 28 cán bộ, giáo viên, số giáo viên trên chuẩn chiếm trên 80%. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi năm học 2015-2016 của Trường đạt trên 70%. Khó khăn nhất là tiêu chí cơ sở vật chất, lãnh đạo Nhà trường đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục - Đào tạo quan tâm đầu tư. Huy động phụ huynh ủng hộ, giúp đỡ. Trong dịp hè, Nhà trường dồn lực cùng đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để tu sửa toàn bộ các phòng học, phòng làm việc, sân tập, hệ thống nhà để xe, bảo vệ… với tổng dự toán trên 1 tỷ đồng, trong đó số tiền xã hội hóa là trên 110 triệu đồng. Nhà trường phấn đấu trong tháng 6 này, sau khi hoàn chỉnh hệ thống sổ sách sẽ báo cáo Phòng GD&ĐT thị xã về kiểm tra kỹ thuật trước, sau đó báo cáo đề nghị Sở GD&ĐT kiểm tra để đề nghị UBND tỉnh quyết định công nhận lại trường đạt chuẩn.

 

Rời trường THCS Đắc Sơn, chúng tôi đến Trường THCS Vạn Phái. Nếu so sánh thì điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của xã Vạn Phái khó khăn hơn Đắc Sơn rất nhiều. Quả thực đối với các xã miền núi thì nỗ lực để xây dựng trường đạt chuẩn đã khó, duy trì để giữ chuẩn càng khó khăn hơn, trong đó khó nhất là tiêu chí cơ sở vật chất. Theo cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Nhà trường: Tỷ lệ học sinh con hộ nghèo, cận nghèo của trường chiếm gần 50%. Năm 2016 cũng là năm trường đến thời điểm công nhận lại trường chuẩn. Là trường ở khu vực nông thôn, 100% học sinh đều là con em nông dân, nên việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục cũng không mấy dễ dàng. Nhà trường đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý, các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội ở địa phương đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương và kế hoạch phát triển giáo dục một cách vững chắc. Nhờ đó, trong 2 năm qua, Trường đã huy động được trên 4,6 tỷ đồng lồng ghép từ các nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, sửa chữa, nâng cấp để duy trì giữ vững chỉ tiêu trường chuẩn. Hôm chúng tôi đến trường cũng vào thời điểm đơn vị thi công đang gấp rút trát tường, lát gạch ngôi nhà 2 tầng 10 phòng học. Theo  đại diện đơn vị thi công, ngay sau khi hoàn chỉnh ngôi nhà sẽ tiến hành bê tông hóa khu sân chơi với diện tích trên 800m2. Đối với các tiêu chuẩn khác như: Tổ chức quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; chất lượng giáo dục; quan hệ nhà trường, gia đình và xã hội đến thời điểm này Trường đã củng cố, vượt cao so với các tiêu chí đề ra. Nhà trường đề ra mục tiêu trong năm 2016 sẽ được công nhận lại trường đạt chuẩn theo đúng lộ trình.

 

Những năm qua, Phổ Yên luôn là đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đứng đầu các địa phương của tỉnh. Kết thúc năm học 2014-2015, 71/71 trường trên địa bàn Thị xã đã đạt chuẩn Quốc gia trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Giáo dục Thị xã đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay chính là duy trì và giữ vững số trường đã đạt chuẩn. Với vai trò là cơ quan tham mưu, lực lượng chủ công trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho Thị ủy, HĐND, UBND T.X phê duyệt Đề án Xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Đồng thời thành lập Ban Tư vấn xây dựng trường chuẩn Quốc gia, củng cố giữ vững và nâng cao các tiêu chí của trường chuẩn. Việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia trong những năm qua đã được thị xã đặc biệt quan tâm, thể hiện trong nghị quyết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng các trường chuẩn Quốc gia được đặt trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm của thị xã, được ưu tiên bên cạnh các chương trình đầu tư phát triển đảm bảo an sinh xã hội như: Điện lưới Quốc gia, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế… Bám sát các tiêuchí vềtrường chuẩn, Phòng GD& ĐT đãchỉ đạo các trường tự rà soát, đối chiếu từng chuẩn nhằm duy trìkết quả đề nghị công nhận và công nhận lại.Đối với tiêu chí về cơ sở vật chất trường, lớp, Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND thị xã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi vùng, miền. Nâng cao trách nhiệm của các địa phương, các tổ chức, cá nhân đối với công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, coi đây là nhiệm vụ không phải riêng ngành Giáo dục mà là của toàn xã hội. Trong việc thực hiện Đề án xây dựng trường chuẩn, nhiều địa phương đã có sự linh hoạt trong việc mở rộng diện tích đất đai cho nhà trường, đảm bảo quy chuẩn về diện tích. Cụ thể, riêng cấp THCS năm 2016 có 8 trường: Đông Cao, Phúc Thuận, Bắc Sơn, Hồng Tiến, Đồng Tiến, Trung Thành, Đắc Sơn, Vạn Phái đến thời điểm công nhận lại trường chuẩn. Thị xã dành ngân sách hàng chục tỷ đồng để đầu tư cho các nhà trường để củng cố cơ sở vật chất, duy trì, nâng cao chất lượng trường chuẩn.

 

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các địa phương thì mục tiêu trước mắt và lâu dài chính là tập trung xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, củng cố giữ vững và nâng cao chất lượng của từng tiêu chí trường chuẩn. Đây là cơ sở vững chắc để các nhà trường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thị xã công nghiệp trẻ.