Làm sâu sắc thêm giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ

18:09, 09/06/2016

Cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở nước ta, đồng bào Sán Chỉ vẫn còn lưu giữ một tập tục cổ sơ, nhưng vẫn toát lên đầy đủ giá trị nhân văn giáo dục về đạo đức, đạo lý làm người cho các thế hệ. Nghiên cứu đời sống tâm linh của người Sán Chỉ qua nghi lễ vòng đời của PGS, TS Phạm Thị Phương Thái (Đại học Khoa học Thái Nguyên) đã góp phần luận giải những giá trị tinh thần trong đời sống sinh hoạt văn hóa  của đồng bào Sán Chỉ vùng Đông Bắc Tổ quốc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Cảm nhận từ tâm hồn văn học

 

Vốn là cô giáo dạy Văn, nên hầu như mọi sự cảm nhận những vận động của cuộc sống đều được PSG,TS Phạm Thị Phương Thái luận giải theo một nguyên tắc bắt đầu từ đời sống con người và đề cao giá trị nhân văn. Dù không thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán sinh hoạt của đồng bào Sán Chỉ, nhưng trong những năm tháng làm cô giáo dạy Văn cho học sinh vùng đồng bào dân tộc Sán Chỉ tại huyện Đồng Hỷ, đã thôi thúc cô tìm hiểu và “nhập tâm”. Cô nhớ lại: Những năm 1980 về trước, học sinh cấp ba có em lớn tuổi hơn thầy cô giáo. Đang trong giờ học gia đình đến xin cô giáo cho nghỉ về làm Lễ đầy tháng cho con, rồi Lễ cấp sắc cho người trưởng thành. Ban đầu cánh giáo viên trẻ thấy rất bất bình và cho rằng đây là hủ tục lạc hậu, cần đến vận động đồng bào bỏ đi theo nếp sống mới, nhất là không làm ảnh hưởng đến học tập, lao động… Nhưng có nhận lời mời trân trọng và có đến thì mới biết - Sinh hoạt văn hóa tinh thần dân gian theo phong tục của đồng bào cũng là dạy học. Họ dạy con cháu bằng văn hóa dân gian, răn dạy từ bao đời để lại về truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn; về đạo đức của một người được công nhận đầy đủ quyền “công dân” của dân tộc, có thể đảm đương gánh vác nhiệm vụ gia đình, dòng tộc và trách nhiệm xã hội của một công dân thực thụ…Từ đó, đã hình thành cho tôi một lối tư duy tìm hiểu về những nghi lễ cho một vòng đời một con người của dân tộc Sán Chỉ này.

 

Nếu như ta vẫn gặp những câu ca: Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội/ Mấy đèo cũng qua…thì trong ngôn ngữ biểu đạt bằng hát đối của đồng bào có làn điệu trở nên dìu dặt. Những cách trở núi, sông  không ngăn cách được tình cảm của đôi lứa: “Yêu em chẳng sợ sông sâu với núi cao/ Núi cao đã có em làm người dẫn lối/ Sông sâu đã có bóng người thương đưa đò…” .    

 

Sau này khi chuyển công tác ở môi trường vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học, PGS,TS Phạm Thị Phương Thái bắt đầu dành toàn tâm, toàn ý cho việc nghiên cứu của mình một cách bài bản. Trong một lần tiếp cận với sinh viên, nhà giáo Phạm Thị Phương Thái cùng cộng sự đã tìm đến vùng biên giới Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để dự đám cưới của đồng bào Sán Chỉ. Với phong cách điền dã, nhập vài như những người thân của con em đồng bào, nhóm nghiên cứu đã phân định ra được gần chục nghi lễ trong đám cưới. Tuy nhiên, lắng đọng nhất với PGS, TS Thái là câu nói của đôi uyên ương trước cha mẹ nhà gái và dưới bàn thờ gia tiên “Công cha như núi ngất trời/ Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông”. Rồi cả đại diện bên nhà trai cung kính làm các nghi lễ trang trọng nhất với cha mẹ cô dâu. PGS,TS Thái tâm sự: “Lễ trọng nhất trong đám cưới chính là lễ gia tiên và biết ơn cha mẹ sinh thành cô dâu. Chi tiết nhỏ trong đám cưới mà giá trị nhân văn rất lớn, đó là tôn vinh người cha, người mẹ của cô dâu đã sinh thành, nuôi nấng và giáo dưỡng để cho nhà trai một cô con dâu thảo hiền, mà cả hai họ đều vun đắp ủng hộ. Thông thường chúng ta chỉ quan tâm đến hình thức và một vài thủ tục như cha mẹ căn dặn con hoặc trao kỷ vật…Rõ ràng trọng lễ nghĩa mà đúng thì đám cưới mới thực sự là sang và nó còn thể hiện sự biết ơn trời bể của con gái, con rể với bậc sinh thành.

 

Say sưa và lăn lộn với cuộc sống của đồng bào, mỗi năm PGS,TS Thái cùng các cộng sự đã tổ chức hàng chục chuyến điền dã đến các bản làng của đồng bào Sán Chí. Hễ đâu có đám hiếu, đám hỷ, lễ, hội của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ là cả nhóm lại tìm đến. Mỗi chuyến đi là sự lượm lặt, tích cóp thêm phong phú, sinh động kho tư liệu nghiên cứu.

 

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

 

Cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở nước ta, đồng bào Sán Chỉ vẫn còn lưu giữ một tập tục cổ sơ: Tổ chức lễ trưởng thành cho người con trai khi bước vào tuổi từ 10-16. Theo quan niệm của người Sán Chỉ, chỉ những người đã qua Lễ cấp sắc mới được coi là người trưởng thành. Lễ cấp sắc còn là sự trình báo cho tổ tiên biết, một thành viên của dòng họ có nghĩa vụ nối dõi, làm tròn bổn phận của mình. Nét độc đáo và đầy triết lý về giáo dục đạo đức của đồng bào Sán Chỉ chính là cấp sắc cho người đến tuổi thành niên. Nếu như người đến tuổi thành niên mà phạm pháp luật, sống buông thả, vi phạm đạo đức…thì chưa đủ điều kiện cấp sắc, đồng nghĩa với việc chưa thể làm các đám cưới, hỏi sau này. Muốn vậy, mỗi gia đình phải biết giáo dục con cái, mỗi thành niên phải biết tu dưỡng, rèn luyện bản thân, để được cộng đồng thừa nhận mới đủ điều kiện cấp sắc. Tìm ra được chân lý đó, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái đã gần chục lần “ba cùng” tham dự Lễ cấp sắc và tham vấn nhiều tư liệu từ các già làng, cũng như thanh niên vùng đồng bào Sán Chỉ. Trước khi hành lễ phải ăn kiêng ít nhất 10 ngày. Trong những ngày ăn kiêng, tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến sinh vật, không được làm điều ác. Sau khi kết thúc Lễ cấp sắc, người được cấp sắc phải kiêng thêm 21 ngày... Do vậy, nghi lễ của vòng đời người còn là những nghi lễ hay cho cách ứng xử của con người đối với gần như toàn bộ xã hội cũng như thế giới xung quanh. Và chỉ khi nào nghi lễ kết thúc, chàng trai ấy mới được thần linh và mọi người công nhận là đã trưởng thành để nối dõi dòng họ.

 

Với phương pháp tiếp cận đối tương nghiên cứu từ thực tế và cảm nhận bằng những giá trị từ văn học, văn hóa, Đề tài “Nghiên cứu đời sống tâm linh của người Sán Chỉ qua nghi lễ vòng đời” của PGS, TS Phạm Thị Phương Thái đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức thông qua vào dịp cuối tháng 5-2016 vừa qua với thành tích xuất sắc. Đây chính là minh chứng sinh động hướng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng bộ Trường Đại học Khoa học đã và đang quyết tâm thực hiện với chương trình hành động: Học tập, nghiên cứu khoa học phải gắn với ứng dụng thực tế cuộc sống.