Đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế

15:30, 05/07/2016

Nhận tấm bằng tốt nghiệp đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT), 100% sinh viên có việc làm ngay tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc làm việc tại các nước trong khu vực châu Á. Đó chính là một trong những mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng hội nhập khu vực và thế giới mà Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (KTCN) Thái Nguyên đã và đang thực hiện.

CCTT đang được Trường Đại học KTCN Thái Nguyên triển khai là chương trình xây dựng theo chuẩn quốc tế dựa trên cơ sở nguyên bản từ các trường đại học uy tín trên thế giới cùng một vài điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Điểm khác biệt lớn nhất đó là môi trường học tập quốc tế được thực hiện tại chỗ. Toàn bộ giáo trình, giảng viên và phương pháp học tập, nghiên cứu do các chuyên gia quốc tế giảng dạy. Môi trường học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh với các giảng viên trong và ngoài nước, việc được tiếp cận giáo trình từ các đại học chất lượng cao, trang bị nhiều kỹ năng mềm cũng như cọ xát thực tiễn bằng những đợt thực tế, thực tập ở nước ngoài… đã giúp phần đông các cử nhân sau khi tốt nghiệp được nhà tuyển dụng đánh giá cao. Sau hơn hai năm khảo sát, hợp nhất hệ thống giáo trình, bài giảng, năm 2008, hai chương trình hợp tác với Hoa Kỳ là Kỹ thuật Cơ khí (hợp tác với Trường Đại học New York tại thành phố Buffalo) và Kỹ thuật Điện (hợp tác với Đại học bang Oklahoma) được Nhà trường lựa chọn đào tạo mở đầu và kế tiếp là Kỹ thuật Điện tử, Kinh tế Quốc tế và Công nghệ Thông tin.

 

Khó khăn lớn nhất trong đào tạo CTTT là ngoại ngữ. Không đạt chuẩn và đủ trình độ tiếng Anh theo yêu cầu của các trường đối tác thì cả giảng viên, đội ngũ quản lý, phục vụ và sinh viên đều bị loại. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trước khi bắt tay vào CTTT, các chuyên gia từ Hoa Kỳ đã khảo sát và đánh giá về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giảng viên, sinh viên của Trường là kém và khó có thể theo học được nội dung CTTT. Nhiệm vụ đầu tiên mà Trường đặt ra là nâng cao chất lượng đội ngũ, đào tạo mới và đào tạo lại cho đúng, đủ chuẩn quốc tế, nhất là tiếng Anh. Từ chỗ chỉ có trên 10% giảng viên đủ chuẩn về tiếng Anh, đến năm 2012, 100% giảng viên của trường giảng dạy chuyên ngành của Khoa Quốc tế đã thành thạo tiếng Anh, soạn giảng, đứng lớp giảng bài bằng tiếng Anh theo giáo trình nhập khẩu. Trong số trên 50 giảng viên của Khoa Quốc tế, có trên 70% giảng viên được đào tạo mới, đào tạo bổ sung và làm nghiên cứu sinh tại các nước Anh, Hoa Kỳ, Úc, Đức, Hà Lan… Đây chính là nguồn lực để tiếp nhận CTTT nhập khẩu. Đặc biệt, mỗi năm học của CTTT, Nhà trường được tiếp nhận trên 20% giảng viên là các chuyên gia đầu ngành của hai lĩnh vực Kỹ thuật Điện và Cơ khí trực tiếp đến Trường giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu và cùng tham gia thực hành với sinh viên.

 

Đối với sinh viên khi tham gia CTTT, yêu cầu bắt buộc là phải bảo đảm chuẩn đầu vào theo quy đinh tuyển sinh đại học, kèm theo điều kiện bắt buộc là trình độ tiếng Anh phải đạt chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, Nhà trường đã xây dựng chương trình bồi dưỡng vừa mang tính ứng dụng lại có môi trường thực hành, để bảo đảm học là phải sử dụng và học tiếng Anh phải có môi trường sử dụng tiếng Anh, Khắc phục tình trạng học tiếng Anh lại nói tiếng Việt. Để làm được công việc này, thông qua hoạt động hợp tác đào tạo Nhà trường đã đón hàng trăm lượt sinh viên, giảng viên, các tình nguyện viên từ Hoa Kỳ, Anh, Úc đến học tập, nghiên cứu, thực tế và bồi dưỡng kỹ năng ngôn ngữ kỹ thuật ngắn hạn cho sinh viên Việt Nam. Đây chính là cơ hội trải nghiệm môi trường ngoại ngữ tốt nhất hiệu quả nhất với giảng viên, sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đã tổ chức cho gần 500 lượt cán bộ, giảng viên tham gia các khóa bồi dững ngắn hạn, dài hạn, nghiên cứu, thực tế tại các trường đối tác phía Hoa Kỳ sau khi đủ điều kiện cập chuẩn về năng lực ngoại ngữ và được phía trường của Hoa Kỳ chấp thuận.

 

Đến nay, trong số gần 100 sinh viên tốt nghiệp CTTT, có gần chục sinh viên được các trường đại học của Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật tiếp nhận tài trợ học bổng toàn phần sau khi trực tiếp tham gia ứng thí, phỏng vấn để học thạc sĩ và tiến sĩ. Đặc biệt, 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp đã nhận được thư mời làm việc tại liên doanh các công ty đa quốc gia, nhờ hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết của đội ngũ lao động quốc tế.

 

Cựu sinh viên Lê Thanh Minh, ngành Cơ khí CTTT khóa 2008-2013 chia sẻ: “Tốt nghiệp CTTT, đồng nghĩa với việc chúng ta đã có chiếc chìa khóa mở cửa ra với các nước tiên tiến trên thế giới. Nước Mỹ là điểm đến tiếp của tôi, khi tôi đã vượt qua phỏng vấn và kiểm tra trực tiếp của các giáo sư phía Mỹ. Và tôi đã nhận được tài trợ học bổng toàn phần để hoàn thành chương trình thạc sĩ tại nước Mỹ”. Còn cựu sinh viên Nguyễn Đình Đạt, ngay sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện đã cùng 12 bạn học được Công ty Canon Việt Nam trực tiếp đến tiếp nhận. Phấn khởi khi có một công việc ổn định, môi trường làm việc hiện đại và thu nhập cao, cựu sinh viên Lê Đình Thắng, hiện đang làm việc tại Công ty Toyota Việt Nam chia sẻ: “Phấn khởi nhất với sinh viên CTTT là khi ra trường hầu như không phải vất vả đi xin việc. Kiến thức cơ bản kèm theo năng lực tiếng Anh đã cho chúng tôi một công việc tốt”. Từ chỗ chỉ có hơn 30 sinh viên tham gia theo học CTTT, đến nay Trường Đại học KTCN Thái Nguyên đã có gần 400 sinh viên theo học chương trình này, trong đó có 11 sinh viên nước ngoài.

 

Không chỉ dừng lại trong khuôn khổ CTTT, sức lan tỏa môi trường đào tạo quốc tế của Trường Đại học KTCN Thái Nguyên đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn Trường. Đến nay, 95% giảng viên toàn trường đạt trình độ tiếng Anh Toefl-ITP 450 trở lên, trong đó 62% đạt Toefl-ITP 500 trở lên. Đặc biệt ngay trong năm 2016 này, 100% sinh viên hệ đào tạo đại trà tốt nghiệp có điểm Toefl-ITP từ 400 đến 540, bảo đảm chất lượng chuẩn đầu ra theo Đề án Ngoại ngữ 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.