Đôi điều cần suy nghĩ từ kết quả thi môn tiếng Anh thấp

10:35, 30/07/2016

Phổ điểm trung bình môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 chỉ đạt 3,3 điểm, trong đó cụm thi Đại học Thái Nguyên đạt phổ điểm trung bình trên 3,5, cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thái Nguyên chủ trì có phổ điểm trung bình 2-4 điểm (chủ yếu môn tiếng Anh). Điều này đã khiến dư luận quan ngại về chất lượng dạy và học ngoại ngữ bậc THPT.

Trong tổng số 7.687 bài thi ngoại ngữ tại cụm thi Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có đến gần 2.000 bài có phổ điểm từ 3-5 và 54 điểm liệt (bằng hoặc dưới 1 điểm), cao hơn năm 2015 trên 6%. Cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì (dành cho học sinh chỉ lấy điểm để xét tốt nghiệp THPT) có 11.786 bài thi môn tiếng Anh, trong đó có 21 điểm liệt và chỉ có 509 bài thi đạt điểm từ 5 trở lên, bằng 4,3% tổng số bài thi. So với năm 2015, tỷ lệ bài thi đạt từ 5 trở lên có 1.344 bài, chiểm 11,76% tổng số bài thi. Mặc dù các chuyên gia đã xem xét và nhận định, cấu trúc và nội dung đề thi năm 2016 không khác biệt so với năm 2015 và cũng không quá khó đối với thí sinh lấy kết quả làm điều kiện xét tốt nghiệp THPT. Vậy có phải chất lượng dạy và học ngoại ngữ bậc THPT đang có dấu hiệu giảm sút trong khi mục tiêu học Ngoại ngữ theo đề án Quốc gia (tiếng Anh) ngày càng cao để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế?

 

Có nhiều sự lý giải cho kết quả điểm thi môn Ngoại ngữ đạt thấp, như: Áp lực về điểm cao với môn Ngoại ngữ cho học sinh không thi đại học, cao đẳng, thi chuyên ngành Ngoại ngữ không nhiều, thí sinh chỉ cần vượt qua điểm liệt là đủ điều kiện đạt tốt nghiệp. Trong khi tỷ lệ thi sinh thi các ngành có chuyên Ngoại ngữ không nhiều, mà chủ yếu thi điều kiện để có điểm xét tốt nghiệp, nên số thí sinh này chỉ chú tâm ôn luyện thi theo các môn khối ngành A,B,C… có tổ hợp xét tuyển không phải môn Ngoại ngữ. Chính vì cách phân loại ngay trong đề thi này, nên những thí sinh có học lực trung bình môn Ngoại ngữ cũng chỉ làm bài cho qua điểm liệt và hoàn toàn không có tâm lý cố gắng hoàn thành tốt hơn. Thạc sĩ Phạm Văn Hùng, Trưởng ban Khảo thí và Bảo đảm chất lượng Giáo dục (ĐHTN) cho rằng: “Với cấu trúc đề thi có 60% câu hỏi nằm trong kiến thức chương trình sách giáo khoa THPT thì đa số các em đạt phổ điểm 3-5 là dễ hiểu. Nếu như so với cách ra đề thi và hình thức tổ chức thi những năm 2014 về trước thì chỉ cần hoàn thành 30%  bài thi năm nay phiên sang thang điểm 10 thì các em cũng đã đạt 5 điểm trở lên. Nhưng công bằng mà nói thì chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông hiện nay chưa thật sự tốt”. Có nhiều nguyên nhân khiến cho chất lượng dạy và học ngoại ngữ đạt thấp, như: Trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, nhất là nông thôn với thành thị, miền núi với đồng bằng. Mặt khác môi trường dạy và học ngoại ngữ cũng hạn chế.

 

Theo thống kê của ngành GD&ĐT Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có 237 giáo viên dạy môn tiếng Anh, nhưng mới chỉ có 42 giáo viên đạt chuẩn C1 theo Đề án về dạy Ngoại ngữ đến năm 2020 của Bộ GD&ĐT, trên 100 giáo viên đạt trình độ B2, số còn lại mới đạt trình độ B1 và chưa đạt chuẩn do tuổi cao không trong diện yêu cầu phải đạt chuẩn của ngành. Thầy giáo Đinh Quang Dũng, giáo viên dạy Anh văn Trường THPT xã Tân Dương (Định Hóa) mới đạt chuẩn B2 chia sẻ với chúng tôi: “Bản thân đội ngũ đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn trong cùng hệ thống nhà trường cũng không có gì khác biệt, nhất là thu nhập, giờ đứng lớp… vẫn thực hiện chế độ bình đẳng như nhau. Như vậy, ngay trong đội ngũ cũng chưa thực sự có động lực phấn đấu, mặc dù trong độ tuổi và trong khung thời gian cho phép thì ai cũng sẽ phải cập chuẩn. Với học sinh thì việc học tốt ngoại ngữ lại càng khó hơn, nhất sâu, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Hầu hết sau giờ học, các em dành thời gian giúp gia đình lao động, sản xuất, nên không đủ thời gian ôn luyện, mà Ngoại ngữ thì cần thường xuyên ôn luyện. Chính vì vậy, chất lượng khó có thể tốt lên ngay được, nó phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh kinh tế, nhận thức, môi trường học tập, động cơ học tập…”.

 

Còn cô Phạm Thị Như Hoa, giáo viên Trường THPT Phú Lương (đạt chuẩn C1) thì cho rằng: “Nếu như khong có nững cơ chế tốt để khuyến khích thì sau đạt chuẩn sẽ khó giữ chuẩn, vì giáo viên phải thường xuyên luyện tập nâng cao, chứ đạt chuẩn để đối phó điều kiện chuẩn hóa đội ngũ, thì sau đó kiến thức mai một và tự mất chuẩn. Đối với học sinh, trong một lớp học trên 30 em, không phải khả năng tiếp thu ngoại ngữ đồng đều như nhau. Nếu dành thời thời gian cho học sinh yếu, kém thì thời lượng dạy kiến thức mới không đủ, nhất là học sinh miền núi thì việc tiếp cận và học ngoại ngữ lại càng hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng dạy và học Ngoại ngữ đạt thấp”.

 

Từ thực tế kết kết quả thi tốt nghiệp THPT, thực trạng dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh những năm qua, có thể thấy vấn đề nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ trong nhà trương phổ thông cần có những chính sách kịp thời và phù hợp hơn với thực tế. Đặc biệt, động cơ học ngoại ngữ với học sinh, gia đình, xã hội cần được xác định tốt hơn, nhất là quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng.