Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng, tác động đến sự thành bại trong đổi mới giáo dục và đào tạo (GD và ĐT). Tuy nhiên, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của quá trình đổi mới.
Chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới
Đội ngũ nhà giáo được coi là những “nhà thiết kế’ và trực tiếp triển khai, cho nên đóng vai trò quyết định tới chất lượng GD. Sau một số năm đổi mới, nhất là từ khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần nghị quyết T.Ư, ngành GD và ĐT đã xây dựng được một đội ngũ nhà giáo các cấp tương đối đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt. Bước vào năm học 2015-2016, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cả nước khoảng hơn 1,24 triệu người, trong đó gồm: 277.684 giáo viên mầm non, 856.730 giáo viên phổ thông, 10.911 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 91.183 giảng viên đại học, cao đẳng và khoảng 300 nghìn cán bộ quản lý giáo dục các cấp...
Đánh giá của Bộ GD và ĐT cho thấy, đội ngũ nhà giáo hiện nay đều yêu nghề, tạo nên những bước đổi mới tích cực theo tinh thần hướng đến người học, lấy học sinh làm trung tâm; phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của người học. Cùng với sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, các địa phương, cơ quan quản lý giáo dục luôn quan tâm đổi mới hoạt động chuyên môn trong nhà trường, thông qua việc tổ chức giao lưu giáo viên dạy giỏi, thi dạy các chủ đề tích hợp; đổi mới sinh hoạt chuyên môn, công tác dự giờ; hướng dẫn giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy năng lực, tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Nhiều đơn vị, cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt việc đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn qua nghiên cứu bài học; xây dựng các chuyên đề dạy học và thực hiện đánh giá giờ dạy... Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng tăng cường năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cũng được toàn ngành quan tâm, triển khai có hiệu quả. Đặc biệt là tập trung đáp ứng yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, đáp ứng mô hình trường học mới, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, giáo dục kỷ luật tích cực, những nội dung mới và khó...
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế đổi mới những năm qua cho thấy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Về mặt số lượng, giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học còn thiếu so với nhu cầu dạy học hai buổi/ngày. Tính theo môn học, giáo viên một số bộ môn chưa cân đối, thiếu giáo viên các bộ môn ngoại ngữ, mỹ thuật, âm nhạc, tin học ở tiểu học và THPT. Đáng chú ý, về mặt chất lượng, phần lớn giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Tuy nhiên, xét về năng lực thực hiện nhiệm vụ, vẫn có một số thầy giáo, cô giáo còn hạn chế so với yêu cầu đổi mới.
Bồi dưỡng, nâng cao năng lực
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phùng Xuân Nhạ, để tăng cường năng lực đội ngũ hiệu quả, trên cơ sở cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới, ngành GD và ĐT sẽ rà soát lại quy hoạch, phân cấp phân tầng cụ thể trong quản lý, cũng như hoạt động chuyên môn. Mặt khác, Bộ GD và ĐT sẽ xây dựng các quy chuẩn về giáo viên, từ đó rà soát đội ngũ hiện nay đạt ở mức nào, để bồi dưỡng, đào tạo lại. Khi đã xây dựng chuẩn giáo viên thì cán bộ quản lý giáo dục cũng cần có chuẩn để thực hiện tập huấn, bồi dưỡng học tập nâng cao trình độ. Mục tiêu của ngành GD và ĐT tiến tới tất cả giáo viên khi được bổ nhiệm đều bảo đảm đạt chuẩn nghề mới, bảo đảm có năng lực quản lý đã được qua đào tạo, bồi dưỡng. Đối với các trường sư phạm, sẽ gắn bó sâu với quá trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
PGS, TS Nguyễn Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD và ĐT) cho rằng, để nâng cao chất lượng đội ngũ, ngoài việc đổi mới ngay từ các trường sư phạm, quá trình bồi dưỡng cũng cần được thực hiện bài bản. Đó là việc đổi mới xây dựng, chương trình, tài liệu, phục vụ công tác bồi dưỡng. Xác định một số nhóm nội dung bồi dưỡng như: Kiến thức, kỹ năng nền tảng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp và chuẩn cán bộ quản lý. Các chương trình bồi dưỡng chú ý đến sự thay đổi trong môi trường giáo dục, mục tiêu chính của đổi mới giáo dục. Chương trình bồi dưỡng phát huy thế mạnh việc tự học và nhu cầu học tập suốt đời, mọi lúc, mọi nơi; đổi mới cách thức tổ chức, phương pháp và hình thức bồi dưỡng. Lựa chọn tập huấn và hướng dẫn đội ngũ giáo viên cốt cán để họ không phải là người “nói lại” nội dung mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn giáo viên sinh hoạt chuyên môn trong điều kiện mới. Cần xác định được cơ chế phối hợp, hợp đồng trách nhiệm giữa cơ sở đào tạo giáo viên, cơ quan quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên. Đổi mới đào tạo sư phạm theo hướng tiếp cận chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Xây dựng chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo giáo viên, thấp nhất cũng phải đạt mức độ tối thiểu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Đổi mới chương trình đào tạo sư phạm theo hướng tiếp cận đổi mới nội dung giáo dục phổ thông...
Có thể thấy, nhiệm vụ đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế đặt ra những yêu cầu mới, với trách nhiệm lớn hơn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Mỗi thầy, cô giáo theo yêu cầu đổi mới không những là người giỏi về chuyên môn, mà còn là người có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục và truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống... tới mỗi học sinh. Vì vậy, tập trung tăng cường năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các nhiệm vụ trọng tâm đổi mới GD và ĐT.