Môn Lịch sử không quá khó

15:38, 04/07/2016

Sáng 4-7, sau 180 phút làm bài thi môn Lịch sử, các thí sinh ra về với tâm trạng phấn khởi, hầu hết các thí sinh đều có chung nhận xét “đạt điểm cao môn Sử là điều nằm trong tầm tay”.

Khác với những dự đoán ban đầu của thí sinh và phụ hunh cho rằng, môn Lịch sử thường dài và cần học thuộc lòng nhiều. Khó nhất là các thời điểm và ý nghĩa, giá trị lịch sử…Chính vì điều này đã tạo ra tâm lý “ngại” học môn Lịch sử và đồng nghĩa với việc nhiều thí sinh bỏ thi. Tại cụm thi Đại học Thái Nguyên đã có trên 100 thí sinh không đến dự thi theo đăng ký ban đầu; số thí sinh tham gia thi môn Lịch sử là 1.355 em, chiếm 16%. Cụm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ có 8,8% thí sinh đăng ký dự thi và đã có 5 thí sinh không dự thi theo đăng ký.   

 

Thí sinh Đàm Thị Lan (Trường THPT Phú Lương) dự thi tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên rời phòng thi trước 20 phút so với quy định cho biết: “Trước khi thi em đã ôn tập kỹ, nắm chắc kiến thức môn Sử nên đề năm nay em thấy quá dễ, chỉ có câu hỏi về hiểu biết xã hội là thùy thuộc vào kiến thức của mỗi thí sinh”. Nhìn chung, các thí sinh cho rằng, nếu nắm chắc kiến thức trong chương trình THPT có thể đạt từ 7 đến 8 điểm ở môn thi này. Thí sinh Nguyễn Thanh Sơn (Trường THPT Lương Ngọc Quyến) cũng dự thi tại điểm thi Trường Đại học Sư phạm  lại cảm thấy thú vị với câu hỏi hiểu biết xã hội “Thế hệ trẻ Việt Nam cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc”. Thí sinh này cho rằng “đây là một câu hỏi mở, nếu thí sinh nào hiểu biết sâu về xã hội thì sẽ làm tốt câu hỏi này. Theo em, với câu hỏi trên phải vận dụng kiến thức lịch sử và áp dụng thực tế để hoàn thành”.

 

Vì số thí sinh thi môn Lịch sử ít nên Đại học Thái Nguyên đã bố trí 2/4 điểm thi là Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên và Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên.