Khó khăn trong thực hiện tiêu chí trường học ở xã nông thôn mới

16:03, 22/08/2016

Nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ T.P Sông Công đã chỉ đạo Thành phố dành nhiều nguồn vốn ưu tiên để tu sửa, bổ sung và xây dựng cơ sở vật chất để các trường mầm non ở 4 xã xây dựng nông thôn mới (NTM) đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Đến cuối năm 2015, 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2016-2020, Đảng bộ T.P Sông Công tiếp tục lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển giáo dục và đào tạo, dành nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí về trường học ở các xã này.

Ông Đoàn Đình Khang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo T.P Sông Công cho biết: Ngành Giáo dục Thành phố xác định tham gia xây dựng NTM trên địa bàn cùng với cả hệ thống chính trị là trách nhiệm quan trọng. Phổ cập giáo dục ở 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS, đến nay, Thành phố đã hoàn thành, đang duy trì và nâng cao hơn về chất lượng trong các năm học tiếp theo. Nhưng, tiêu chí trường học ở 4 xã NTM là Vinh Sơn, Bá Xuyên, Tân Quang, Bình Sơn đều đang “non” về cơ sở vật chất, so với yêu cầu nâng cao tiêu chí trong giai đoạn tiếp theo là không đáp ứng. Bởi đa phần các trường tuy đạt chuẩn Quốc gia nhưng còn “nợ” nhiều công trình, đến thời điểm công nhận lại và các trường công nhận mới theo kế hoạch đều có cơ sở vật chất xuống cấp hoặc chưa có. Khó khăn chung ở tất cả các trường là phòng học thiếu, học sinh quá tải.

 

Điển hình là ở xã Tân Quang, Trường Mầm non được đưa vào sử dụng và đạt chuẩn Quốc gia năm 2014, nhưng đến nay, vẫn chưa có nhà Hiệu bộ (Trường phải mượn phòng học của học sinh làm phòng làm việc). Bà Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Quang nói: Nếu không được bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, Trường sẽ gặp khó khăn khi ngành rà soát công nhận đạt chuẩn lại giai đoạn 2016-2020. Đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng tiêu chí này của xã NTM.

 

Cũng ở Tân Quang, mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 song xã vẫn chưa có Trường Tiểu học và THCS, học sinh của xã đa phần học ở phường Bách Quang (một số theo học ở phường Tích Lương, Tân Thành của T.P Thái Nguyên nhưng gặp khó khăn với chính sách không nhận học sinh trái tuyến). Thực tế tại điểm trường của Trường Tiểu học Bách Quang, ở xóm Tân Tiến, xã Tân Quang, chúng tôi thấy điểm trường có 3 phòng học cho các lớp 1, 2, 3. Dãy nhà cấp 4 này được tận dụng từ nhà kho HTX Nông nghiệp xã từ những năm 1980 nay đã xuống cấp, tường bong tróc, nền xi măng ẩm ướt, nhiều lần xã phải trích kinh phí để sửa chữa thay mái lợp tránh mưa, bão. Chị Trần Thị Thúy, có con đang theo học lớp 2 tại điểm trường cho biết: Điểm trường thu hút con em 6 xóm: Rỗ, Tân Mỹ 1-2; La Doan, La Chưỡng, Đông Tiến, Tân Tiến theo học vì ra ngoài Trường Tiểu học Bách Quang 4-5km. Nhu cầu xây dựng Trường Tiểu học trên địa bàn là cấp thiết, mong các cấp, ngành triển khai thực hiện sớm.

 

Chủ tịch UBND xã Tân Quang, ông Dương Văn Đức cho biết: Trước đây, khi tổ thẩm định đánh giá các tiêu chí NTM, về 2 tiêu chí trường học và chất lượng giáo dục chúng tôi đã xin phép để xã cơ bản đạt tiêu chí này theo hồ sơ của Trường Tiểu học và THCS Bách Quang, được cho “nợ” và giai đoạn 2016-2020 phải “trả”. Trước mắt, Trường THCS Bách Quang với quy mô liên xã, phường nhưng Trường Tiểu học là nhu cầu bức thiết của nhân dân trên địa bàn, cũng là để đánh giá chất lượng giáo dục thực chất của xã chứ không phải ghép cùng Bách Quang. Rất phấn khởi là lãnh đạo T.P Sông Công cũng rất quan tâm, hiện công trình xây dựng Trường Tiểu học Tân Quang đã được công bố quy hoạch chi tiết, thông qua hồ sơ thiết kế, đang thực hiện bước khảo sát chuyển địa điểm không ảnh hưởng đến diện tích đất hai lúa.

 

Cũng như Tân Quang, Vinh Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 nhưng hiện chưa có trường THCS. Năm 2015, khi thẩm định NTM, tiêu chí trường học ở Vinh Sơn được “châm chước” cho “nợ”, nhưng đến giai đoạn 2016-2020 bắt buộc phải có. Cùng với các phường: Mỏ Chè, Thắng Lợi, Lương Châu, học sinh ở Vinh Sơn trong độ tuổi theo học ở Trường THCS Nguyễn Du, phường Mỏ Chè. Tuy nhiên, ngoài việc quá tải thì cơ sở vật chất của Trường này cũng đang xuống cấp và không đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ông Bùi Thanh Sen, Trưởng xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn kiến nghị: Xóm tôi có nhiều học sinh hàng ngày phải đi 8-9km rất vất vả để học ngoài Trường THCS Nguyễn Du. Vì vậy mong các cấp chính quyền quan tâm sớm đầu tư xây dựng Trường THCS trên địa bàn.

 

Còn ông Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn thì cho rằng: Xã có 4 trường đạt chuẩn Quốc gia nhưng hiện cơ sở vật chất các trường đều đã xuống cấp. Theo kế hoạch, Thành phố sẽ dành vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để xây mới cho Trường THCS Bình Sơn công trình nhà 2 tầng và sửa chữa một số hạng mục ở các trường còn lại. Chúng tôi đề nghị các cấp ngành quan tâm đầu tư, bố trí nguồn vốn sớm triển khai, vừa để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, cũng là tạo điều kiện để xã duy trì và nâng cao tiêu chí trường học trong phong trào NTM.

 

Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, phấn đấu đến năm 2020 có 100% số trường học công lập đạt chuẩn Quốc gia, Ngành Giáo dục Thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố xây dựng Đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, được HĐND thành phố thông qua và đang tổ chức thực hiện. Ông Đoàn Đình Khang cho biết thêm: Đề án đặt mục tiêu xây dựng, thành lập mới Trường THCS Vinh Sơn và Tiểu học Tân Quang, đáp ứng nhu cầu của người dân, khi hoàn thành có thể đề nghị công nhận đạt chuẩn Quốc gia ngay. Đối với Trường Mầm non Bá Xuyên, Tiểu học Bình Sơn 1, THCS Bình Sơn cũng sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thời gian sắp tới. Tuy nhiên, rất cần sự huy động nguồn xã hội hóa từ các địa phương để các trường được công nhận lại đạt chuẩn theo kế hoạch.

 

Với những nỗ lực, quyết tâm và sự ưu tiên nguồn lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân T.P Sông Công dành cho công tác phát triển giáo dục, hy vọng rằng việc nâng cao tiêu chí, chất lượng trường học và giáo dục ở 4 xã NTM sẽ đạt được kết quả khả quan.

 

 

Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới có tiêu chí số 5 về trường học, tiêu chí số 14 về giáo dục. Trong đó, tiêu chí “Trường học” được đánh giá dựa vào tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia theo 5 nội dung: Tổ chức, quản lý nhà trường; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các xã đạt tiêu chí “Trường học” phải có hơn 80% số trường đạt chuẩn.