Làm gì để giữ chuẩn, nâng chuẩn các trường học?

16:39, 08/08/2016

Một trong những mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là phấn đấu đến năm 2020 có 80% số trường đạt chuẩn Quốc gia. Theo đó, để hoàn thành mục tiêu này, cùng với việc nâng cao số trường đạt chuẩn, trên địa bàn tỉnh có tới 506 trường đã đạt chuẩn Quốc gia trong giai đoạn 2011-2015 cần duy trì, củng cố các tiêu chí để được công nhận lại.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các trường đạt chuẩn Quốc gia sau 5 năm cần được tiến hành kiểm tra để công nhận lại. Trong các cấp học hiện nay thì cấp mầm non và tiểu học có hai mức độ công nhận đạt chuẩn (gồm mức độ 1 và 2). Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cùng với việc nỗ lực để được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, các trường còn phải cố gắng giữ vững danh hiệu này khi đến thời hạn kiểm tra công nhận lại và phấn đấu đạt chuẩn ở mức độ cao hơn (đối với cấp học mầm non, tiểu học).

 

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, ông Trần Đăng Minh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đại Từ chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng trường chuẩn cũng như giữ vững danh hiệu này đến thời hạn kiểm tra công nhận lại chính là tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đến thời điểm này, toàn huyện có 87/101 trường đạt chuẩn Quốc gia (chiếm tỷ lệ 86,1%). Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất để các trường đạt chuẩn thì cần duy trì và giữ vững số trường đã được công nhận. Vì vậy, Phòng GD&ĐT đã chủ động tham mưu với UBND huyện tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia. Trung bình mỗi năm, ngân sách của huyện dành trên 10 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường chuẩn và duy trì các tiêu chí để được công nhận lại. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường. Riêng trong năm học 2015-2016, toàn huyện đã huy động nguồn xã hội hóa trong nhân dân và các tổ chức nước ngoài được trên 24,3 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều trường đã vận động được các tổ chức, cá nhân, cơ quan tài trợ xây dựng nhà lớp học và tặng trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập…

 

Tại Trường Tiểu học Hùng Sơn I (Đại Từ) - đơn vị được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 từ cuối năm 2014 - cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Tháng 11-2005, Nhà trường là một trong những đơn vị thuộc tốp đầu của huyện được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Theo lộ trình sau 5 năm, Nhà trường tự đánh giá và đề nghị cấp trên kiểm tra để được công nhận lại. Nhà trường đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng đội ngũ giáo viên đủ mạnh, 100% cán bộ, giáo viên trình độ đào tạo trên chuẩn. Về công tác chuyên môn, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy, vì thế tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi chiếm trên 80%. Về cơ sở vật chất, Nhà trường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh để đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Đặc biệt, những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Dự án Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đã ủng hộ đầu tư xây dựng 12 phòng học với tổng trị giá trên 6 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thuận lợi trong công tác xã hội hóa giáo dục như Trường Tiểu học Hùng Sơn I, nhất là với những trường ở địa bàn các huyện miền núi, vùng cao như Võ Nhai, Định Hóa. Mới đây, chúng tôi đã trở lại Trường Tiểu học xã Lam Vỹ (Định Hóa). Đây là ngôi trường sớm được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (năm 2002) và các năm 2009, 2014 đã được kiểm tra công nhận lại.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học, thầy giáo Nguyễn Công Liệu, Hiệu trưởng Nhà trường không khỏi băn khoăn, lo lắng: Ngoài điểm trung tâm, Trường có 4 điểm nằm rải rác ở các xóm Khau Viềng, Văn La, Tam Hợp, Cà Đơ, với tổng số 21 phòng học. Ngay ở điểm trung tâm xã có 8 phòng học thì đa phần đã xuống cấp. Để công nhận lại chuẩn vào cuối năm 2014, từ nguồn ngân sách của huyện đầu tư 1,2 tỷ đồng, cũng chỉ đủ để thay thế một nửa số phòng học bằng mái tôn, còn lại vẫn lợp tấm Proximăng. Các lớp học xây dựng cách đây 15 năm, nhất là 3 điểm trường Văn La, Tam Hợp, Cà Đơ hiện nay nhiều phòng học tường mủn lớp vữa trát, nền gạch bong, tấm lợp mục dột, các thanh xà gồ bằng gỗ mỡ đã võng, mục gây mất an toàn. Như vậy, mới chỉ công nhận lại sau 2 năm thì Trường Tiểu học Lam Vỹ đã có rất nhiều phòng học, hệ thống sân chơi, bãi tập đều xuống cấp; chưa kể nhiều điểm trường không có tường rào bao quanh, thiếu các phòng chờ của giáo viên… Với điều kiện kinh tế của xã rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, công tác xã hội hóa giáo dục ngoài tầm với của Nhà trường. Quả thực đối với các huyện miền núi thì nỗ lực để xây dựng trường đạt chuẩn đã khó, duy trì và phát triển càng khó khăn hơn. Khó khăn nhất trong việc duy trì để được công nhận lại chính là tiêu chí cơ sở vật chất.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Cương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Định Hóa cho biết: Những năm gần đây, mỗi năm huyện cũng chỉ dành ra được từ 3-5 tỷ đồng để đầu tư cho các trường chuẩn bị đến lộ trình công nhận lại. Song số tiền trên phải rải đều cho nhiều trường, vì thế số vốn ít chỉ đủ sửa chữa các phòng học. Việc huy động nguồn lực trong dân rất hạn chế, vì tỷ lệ các cháu học sinh thuộc diện hộ nghèo cao. Vì thế, chúng tôi đề nghị tỉnh tiếp tục lồng ghép thực hiện các chương trình đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí ngân sách để song song đầu tư xây dựng mới ở các trường trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn và đầu tư duy trì số trường đến thời điểm công nhận lại.

 

Một trong những nội dung của Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIII (diễn ra từ ngày 10 đến 13-8 này) là sẽ thông qua Nghị quyết ban hành Đề án Xây dựng hệ thống trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2016-2020. Đây là cơ sở để ngành Giáo dục, các địa phương, nhà trường xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện hiệu quả.