Khi đánh giá vai trò của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục…”. Xác định tầm quan trọng của người thầy, trong những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.
Đến thời điểm này 100% cán bộ quản lý, giáo viên toàn tỉnh đạt chuẩn, trong đó 54,6% trên chuẩn: Mầm non: 66,72%; Tiểu học: 85,43%; THCS: 77,86%; THPT: 23,09%. Hằng năm, ngành Giáo dục đều tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, đây là cơ sở để đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên ở từng cấp học, bậc học |
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện chính là chất lượng đội ngũ giáo viên. Xác định điều đó, ngành Giáo dục đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng thực hiện hiệu quả các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, ngành đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, minh bạch chế độ thâm niên nhà giáo các cơ sở giáo dục công lập, chế độ nâng lương trước thời hạn theo quy định mới cho cán bộ, giáo viên; chế độ cho cán bộ, viên chức công tác ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ở các trường chuyên biệt… Những chính sách này đã góp phần tích cực động viên giáo viên chuyên tâm với nghề.
Đặc biệt, ngành còn thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đó là luôn chú trọng năng lực chuyên môn, đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Cụ thể, ngành đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Các nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Đỗ Thị Thu Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên khẳng định: Đội ngũ chính là nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong lộ trình xây dựng trường chuẩn, Nhà trường đã có kế hoạch và tạo mọi điều kiện để giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Tích cực tổ chức các buổi sinh hoạt nghiệp vụ, thao giảng, thi giáo viên dạy giỏi để các thầy cô trao đổi kinh nghiệm. Trung bình 4 năm trở lại đây, mỗi năm Nhà trường cử 2-4 giáo viên tham gia các lớp học tập nâng cao trình độ. Đến thời điểm này, trong số 28 giáo viên thì 100% đạt chuẩn về đào tạo, trong đó có tới 80% trên chuẩn. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học của trường từng bước được nâng lên. Từ chỗ không có học sinh giỏi cấp tỉnh, những năm gần đây năm học nào Nhà trường cũng có học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh.
Được biết, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, đưa việc tổ chức đánh giá, xếp loại cán bộ, giáo viên, nhân viên hàng năm (đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp và theo quy chế đánh giá cán bộ) vào nội dung thanh tra toàn diện, thanh, kiểm tra chuyên đề các đơn vị. Theo đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT: Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra trong Đề án, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, hướng dẫn các phòng GD&ĐT khảo sát, thống kê thực trạng đội ngũ, xây dựng kế hoạch theo mục tiêu của Đề án ở đơn vị mình. Đối với bậc học mầm non, từng bước khắc phục tình trạng bất hợp lý trong cơ cấu biên chế, tuyển dụng kịp thời giáo viên cho các xã vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn. Đối với giáo dục trung học, ưu tiên đào tạo các loại hình đang thiếu. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, từng trường tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp đội ngũ theo hướng chuẩn hoá về mọi mặt. Đối với những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, cho đi đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao, luân chuyển, giải quyết chế độ hưu trước tuổi. Chỉ tính riêng năm học vừa qua, ở cấp tỉnh toàn ngành đã bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với hơn 15.399 lượt cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán; ở cấp huyện với 26.572 lượt cán bộ quản lý, giáo viên các cấp tham gia. Đào tạo nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cho 1.374 người. Đào tạo sau đại học: 1 tiến sĩ, 58 thạc sĩ. Cử 6 cán bộ quản lý đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị và 181 người học trung cấp lý luận chính trị.
Một vấn đề quan trọng nữa là các nhà trường đã tạo điều kiện và khuyến khích khả năng tự học, tự nâng cao chất lượng của mỗi giáo viên, nhất là việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, liên môn; chú ý cả Tin học và Ngoại ngữ. Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã được nâng lên rõ rệt. Hiện, 100% giáo viên các cấp học, bậc học đạt chuẩn đào tạo. Phong trào áp dụng, đúc rút và viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, nghiên cứu khoa học, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu để trở thành giáo viên dạy giỏi phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu… đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ hội nhập, phát triển.Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì ở một số vùng, miền vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa chú trọng việc học tập, nâng cao trình độ, ngại đổi mới…
Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm tra công tác đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo chuẩn quản lý, giáo viên đã ban hành gắn với việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Thực hiện tốt quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình sách giáo khoa mới vào năm 2018. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Các nhà trường cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến việc đánh giá, xếp loại giáo viên. Bởi chỉ có đánh giá, xếp loại giờ dạy, sáng kiến kinh nghiệm một cách nghiêm túc, khách quan, trung thực mới có thể đánh giá đúng năng lực thực sự của mỗi giáo viên. Làm tốt công việc này, chính là giải pháp hữu hiệu để chống "bệnh" thành tích, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Bài và ảnh:
BOX:
Đánh giá, xếp loại giờ dạy là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.