Những năm gần đây, do số lượng học sinh trên địa bàn huyện Phú Bình tăng nhanh nên đã phát sinh nhiều vấn đề, trong đó, tình trạng thiếu giáo viên đang là bài toán khó trong khi năm học mới 2016-2017 chỉ còn ít ngày nữa là bắt đầu.
Năm học này, Trường Mầm non Đào Xá (xã Đào Xá) có gần 420 trẻ trong khi Nhà trường mới chỉ có 29 người (trong đó có 23 giáo viên) trong khi cần phải có 49 người. Cũng vì thiếu giáo viên nên Nhà trường buộc phải hạn chế nhận thêm trẻ, nhất là những trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Còn Trường Tiểu học Điềm Thụy (xã Điềm Thụy) có 100% các lớp học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, do số học sinh tăng nhanh, giáo viên thiếu, số lớp học chưa đáp ứng được nhu cầu, nên Nhà trường đã có kế hoạch giảm số buổi học chiều (thời gian để củng cố kiến thức cho các em học sinh) từ 2-3 buổi/tuần xuống còn 1-2 buổi/tuần. Cùng với đó, từ 6 giáo viên cố định dạy các lớp buổi chiều phải giảm xuống còn 4 giáo viên, do 2 giáo viên phải chuyển lên dạy 2 lớp buổi sáng mới tăng thêm trong năm học này. Cô Lê Thị Tuyết Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điềm Thụy, cho biết: Năm nay, tổng số học sinh Nhà trường là 675 em (tăng 50 học sinh so với năm trước), riêng học sinh lớp 1 là 160 em. Do đó, Trường sẽ thiếu 3 giáo viên. Để giải quyết tình trạng này, Nhà trường bắt buộc phải dồn lớp, đơn cử như khối lớp 3 có tổng 145 học sinh chỉ được bố trí vào 4 lớp, mỗi lớp 36-37 học sinh (theo quy định là không quá 35 học sinh/lớp).
Không chỉ riêng các trường học kể trên, theo ông Ngô Tiến Sinh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Bình, hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp đang rất phổ biến tại địa phương, nhất là bậc học mầm non. Nếu thực hiện theo các thông tư, quy định của ngành về định lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập mỗi lớp học 2 buổi/ngày phải có 2 giáo viên thì riêng cấp học mầm non của huyện còn thiếu trên 420 giáo viên (hiện huyện có 747 giáo viên mầm non); các cơ sở giáo dục công lập quy định giáo viên Tiểu học, THCS dạy 1 buổi/ngày là 1,2 giáo viên, giáo viên tiểu học, THCS dạy 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên, thì huyện sẽ thiếu 30 giáo viên tiểu học, 4 giáo viên THCS và khoảng 100 hợp đồng cô nuôi trong năm học 2016-2017.
Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên các cấp trên địa bàn huyện Phú Bình, hầu hết đại diện các trường đều cho rằng do số lượng học sinh tăng quá nhanh. Chỉ riêng bậc tiểu học năm 2016-2017, đã tăng hơn 1.000 em so với năm học trước. Cô Dương Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đào Xá, cho biết: Hiện nay, tỉnh có rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy với mức lương cao, thu hút nhiều sinh viên mới ra trường. Do vậy, nhiều người học sư phạm ra nhưng lại chuyển sang làm nghề khác. Mặt khác, do số biên chế không nhiều nên nếu tuyển thêm giáo viên chúng tôi chỉ có thể chi trả hợp đồng từ nguồn xã hội hóa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh việc thiếu giáo viên giảng dạy thì số lượng hợp đồng cô nuôi hạn chế cũng đang là một vấn đề “nóng” tại các trường ở Phú Bình. Vì thiếu cô nuôi, nhiều trường đã phải cắt cử cả giáo viên xuống nấu ăn. Đơn cử như tại Trường Mầm non thị trấn Hương Sơn, nhiều năm nay, Trường không tuyển được cô nuôi, trong khi Trường cần có 13 cô nuôi mới có thể đáp ứng nhu cầu nuôi dạy và chăm sóc cho trên 710 trẻ. Cô Đồng Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Hương Sơn cho biết: Với mức lương từ 1,5 -2,5 triệu đồng/tháng, lại không có biên chế cho nên việc tuyển dụng cô nuôi khá khó khăn. Do vậy, việc lấy giáo viên xuống làm cô nuôi đang là giải pháp mà Nhà trường áp dụng. Điều này gây thiếu hụt số lượng giáo viên giảng dạy.
Nói về giải pháp tháo gỡ, ông Ngô Tiến Sinh cho biết: Trước mắt, tùy theo điều kiện, tình hình của mỗi trường mà có những biện pháp khắc phục khó khăn. Riêng đối với bậc mầm non, các trường cắt cử giáo viên xuống nấu ăn để khắc phục tình trạng thiếu hợp đồng cô nuôi. Về lâu dài, huyện đang đề xuất với tỉnh bổ sung thêm biên chế…