Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học

15:50, 27/08/2016

Cùng với hàng triệu học sinh (HS) trong cả nước, sáng 5-9, hơn 301 nghìn học sinh (HS) ở các cấp học, bậc học trong toàn tỉnh tưng bừng bước vào năm học mới 2016-2017. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn PGS-TS Phạm Việt Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới và những vấn đề đang được đông đảo phụ huynh HS quan tâm.

PV: Để lễ khai giảng năm học mới thực sự là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?

 

Năm học mới, toàn tỉnh có 675 trường từ mầm non đến THPT, với tổng số trên 301.961 học sinh, tăng trên 17 nghìn học sinh so với năm học trước, trong đó tuyển mới vào lớp 1 là 20.911 học sinh; lớp 6 là: 16.568 học sinh và lớp 10 là: 11.995 học sinh. Số học sinh các cấp học, bậc học năm học này đều tăng hơn so với năm học trước.

PGS-TS Phạm Việt Đức: Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị trực thuộc Sở: Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới (như về cơ sở vật chất, đội ngũ…), các trường tổ chức lễ khai giảng thống nhất trên toàn tỉnh vào buổi sáng ngày 5-9 - Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 phải được tổ chức trang trọng, có cả phần “Lễ” và phần “Hội” (tổ chức phần “Lễ” trang trọng, ngắn gọn; tổ chức phần “Hội” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian vui tươi, sinh động nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm mới). Lồng ghép vào lễ khai giảng là tổ chức lễ đón học sinh vào đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Buổi lễ khai giảng năm học 2016-2017 phải được chuẩn bị chu đáo trên tinh thần ngắn gọn, tiết kiệm, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới.

 

PV: Vậy những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai trong năm học mới 2016-2017 là gì thưa đồng chí?

 

PGS-TS Phạm Việt Đức: Tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT đã triển khai trong cán bộ quản lý và chủ tịch công đoàn các phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc toàn ngành thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học. Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng hội nhập quốc tế đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

 

PV: Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Ngành đề ra những nhóm giải pháp nào để tập trung thực hiện, thưa đồng chí?

 

PGS-TS Phạm Việt Đức: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT đã đề ra 5 giải pháp cơ bản sau đây: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường các nguồn đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo và tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.

 

PV: Hiện nay nhiều nhà trường đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, vậy ngành có chỉ đạo gì để khắc phục tình trạng này?

 

PGS-TS Phạm Việt Đức: Chúng ta đều biết, tình trạng quá tải học sinh  trên lớp ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục, công tác quản lý của nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chuẩn phổ cập giáo dục các cấp học; không đáp ứng được tiêu chuẩn của trường học đạt chuẩn quốc gia; ảnh hưởng đến việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và có tác động tiêu cực đến những vấn đề xã hội.

 

Để khắc phục tình trạng quá tải, ngành GD&ĐT đang tập trung tham mưu nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân trong việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Tiếp tục rà soát mạng lưới trường, lớp; đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu của người học của hệ thống các trường học hiện nay. Lập quy hoạch phát triển giáo dục đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến 2030 để thực hiện quản lý và triển khai các chương trình, dự án, đề án về giáo dục giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Đề án trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo đúng tiến độ, lộ trình đã được phê duyệt để đảm bảo 100% số trường đạt chuẩn quốc gia không có hiện tượng quá tải học sinh. Tham mưu cho tỉnh thành lập mới các trường học nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu học tập lớn. Huy động vốn đầu tư xây dựng trường, lớp học: xây dựng phương án huy động, lồng ghép các nguồn vốn; sắp xếp, lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư, phân kỳ đầu tư hợp lý; thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư. Ưu tiên xây dựng các phòng học còn thiếu đối với trường mầm non, tiểu học, các trường có số học sinh/lớp quá tải nhiều. 

 

  
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và tín dụng, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập các trường ngoài công lập, đặc biệt các khu công nghiệp có nhu cầu học tập của con em công nhân. Đồng thời tiếp tục giao nhiệm vụ tuyển sinh cho các trường mầm non, các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo thuộc quản lý của các ngành khác (thuộc quân đội, thuộc công ty, xí nghiệp) tuyển sinh thêm đối tượng bên ngoài, có nhu cầu được học tại trường trong điều kiện nhà trường có thể tiếp nhận được học sinh.

 

PV: Để chấn chỉnh việc lạm thu đầu năm học mới, ngành Giáo dục đã có những biện pháp như thế nào để chấm dứt tình trạng này thưa đồng chí?

 

PGS-TS Phạm Việt Đức: Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ triển khai các giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và nhân dân về các chủ trương của ngành, của địa phương trong công tác xã hội hóa giáo dục. Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết để tăng tỷ lệ chi khác trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp trong việc tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các sai phạm để chấn chỉnh tình trạng lạm thu. Công khai địa chỉ Email và số điện thoại tiếp nhận phản ảnh của nhân dân về tình trạng lạm thu.

 

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!