Hiện, toàn tỉnh có 165/226 trường mầm non (MN) đạt chuẩn Quốc gia, đạt 73,01% (tăng 12 trường so với năm học trước). Sau thị xã Phổ Yên, thì đến thời điểm này, huyện Đại Từ là địa phương thứ 2 có 100% số trường MN đạt chuẩn Quốc gia. Đây là nỗ lực rất lớn của huyện Đại Từ, đặc biệt là phía các nhà trường.
Chúng tôi đến xóm Lũng, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ trong những ngày chuẩn bị bước vào năm học mới. Nhìn từ xa nổi bật giữa những đồi chè xanh mướt là khu lớp học của trường MN. Thời điểm này, các cô giáo ở đây đang sắp xếp lại đồ dùng, đồ chơi, vệ sinh toàn bộ khu vực điểm trường để chuẩn bị đón học sinh vào năm học mới. Cô giáo Lương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường MN xã Phú Lạc vui vẻ nói: Trường có 2 điểm, điểm chính nằm ở xóm Na Hoàn có 8 phòng học, còn khu lẻ này trước đây phải học nhờ nhà văn hóa của xóm nên thiếu rất nhiều công trình phụ trợ. Đó cũng là lý do để việc vận động học sinh MN ra lớp không thể đạt được mục tiêu đề ra và cũng khó khăn cho công tác công nhận trường chuẩn Quốc gia. Nhờ sự tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân, năm học 2014-2015, điểm trường xóm Lũng được Tổ chức Plan đầu tư xây dựng 2 phòng học, 1 bếp ăn bán trú, đầy đủ các công trình phụ trợ khác… với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng, trong đó có gần 700 triệu đồng được đầu tư bởi dự án Plan. Nhà trường tích cực vận động các bậc phụ huynh đóng góp ngày công lao động… với giá trị đóng góp của cộng đồng lên tới trên 500 triệu đồng, ngoài ra là ngân sách của huyện, xã. Điểm trường xóm Lũng được xây dựng khang trang, đã trở thành bước đệm lớn để nâng cao chất lượng giáo dục MN tại đây. Điểm trường hoàn thành đưa vào sử dụng đã thu hút thêm gần 40 trẻ tại 4 xóm Lũng 1, 2, 3 và Đại Hà. Đây cũng là cơ sở để cuối năm học 2015-2016, Trường được công nhận lại đạt chuẩn Quốc gia.
Đối với Trường MN xã Phú Thịnh, song song với việc đẩy mạnh vận động đầu tư cơ sở vật chất, Nhà trường tích cực đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Trực tiếp ngồi dự buổi sinh hoạt chuyên môn của Trường về một số biện pháp gây hứng thú cho trẻ 5 tuổi tham gia vào các trò chơi vận động qua hoạt động giáo dục thể chất, chúng tôi nhận thấy các cô giáo đã có rất nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Mở đầu buổi sinh hoạt, các cô giáo cùng xem lại 1 clip quay giờ học của trẻ. Giờ học này chính là hoạt động tham gia của trẻ vào các trò chơi. Sau khi kết thúc clip, từng cô giáo phát biểu nhận xét về cách thức tổ chức giờ học, sự chuẩn bị của giáo viên trong việc sưu tầm các bài thơ, bài hát phù hợp lồng ghép vào các trò chơi tạo sự hào hứng tham gia của trẻ. Cách thức cô giáo làm mẫu cho trẻ quan sát sau đó tổ chức cho trẻ chơi và đưa yếu tố thi đua để trẻ tích cực tham gia. Theo như chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn này, thì người giáo viên tổ chức tiết học đã rất chú ý đến việc tổ chức xây dựng các trò chơi vận động phù hợp với tình hình của lớp cũng như yêu cầu độ tuổi. Trò chơi này đã thu hút 100% trẻ hứng thú tham gia, hiệu quả mang lại của giờ học rất cao.
Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Trần Thu Mến, người thực hiện sáng kiến này cho biết thêm: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở đây không phải là đổi mới hoàn toàn, mà dựa trên nền tảng của bậc học này. Nếu như trước đây giáo viên thường dự giờ của nhau, sau đó nhận xét nêu ưu điểm, khuyết điểm,góp ý cho nhau về giờ dạy đó thì giờ đây tại mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn như thế này, các giáo viên tự đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm đã thực hiện (như quay lại giờ học), các giáo viên khác xem clip, quan sát trẻ trong giờ học, từ đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để tổ chức giờ học hiệu quả nhất. Mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng chúng tôi đều có những nội dung, cách làm mới bám sát chuyên đề trọng tâm của năm học để nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động dạy và học trong trường MN.
Đại Từ là 1 trong số ít các địa phương của tỉnh có nhiều trường học (96 trường, trong đó có 33 trường MN) nhu cầu đầu tư xây dựng rất lớn. Các trường bắt tay vào xây dựng trường chuẩn đều vấp phải những khó khăn, như: thiếu quỹ đất, kinh phí… Xác định cấp học MN là nền móng đầu tiên của giáo dục, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lập đề án, kế hoạch. Đề án xây dựng trường chuẩn Quốc gia, trong đó có cấp học MN đã được HĐND huyện thông qua và trở thành nghị quyết để thực hiện. Hàng năm, Phòng Giáo dục & Đào tạo đều tổ chức rà soát tất cả các nhà trường để lựa chọn, giao nhiệm vụ cho các đơn vị xây dựng trường đạt chuẩn theo mốc thời gian cụ thể. Đối với những trường được đưa vào kế hoạch xây dựng trường chuẩn, cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường phải xây dựng kế hoạch, tham mưu cho lãnh đạo xã, tổ chức họp phụ huynh học sinh để tuyên truyền cho họ hiểu được mục đích, ý nghĩa, tích cực phối hợp cùng chung tay với nhà trường trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Trung bình mỗi năm riêng nguồn ngân sách của huyện dành cho xây dựng trường chuẩn và nâng chuẩn là trên 10 tỷ đồng.
Nhờ tập trung nguồn lực và các giải pháp đủ mạnh, trung tuần tháng Tám vừa qua, Đoàn kiểm tra của tỉnh đã tiến hành kiểm tra công nhận 2 trường MN cuối cùng của huyện là Núi Hồng và Phúc Lương đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Như vậy, Đại Từ là địa phương thứ 2 của tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu 33/33 trường MN đạt chuẩn Quốc gia, trong đó có 4 trường đạt chuẩn mức độ 2. Đây là nền tảng vững chắc để địa phương nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, bài toán lớn nhất hiện nay mà các địa phương trong đó có Đại Từ đang phải đối mặt đó là duy trì và nâng cao chất lượng trường chuẩn. Được biết địa phương đã xây dựng các nhóm giải pháp đủ mạnh để tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học; bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, giáo viên; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ…