Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học

09:32, 06/09/2016

Trong những năm học vừa qua, giáo dục đại học (GDĐH) nước ta đã có những chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, GDĐH còn gặp không ít khó khăn, bất cập cần những giải pháp hữu hiệu từ bộ đến các cơ sở đào tạo.

Thứ hạng được cải thiện

 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), kết thúc năm học 2015-2016, cả nước có 223 trường đại học (ĐH) với tổng số hơn 1,75 triệu sinh viên; 219 trường cao đẳng với gần 450 nghìn sinh viên. Chất lượng đào tạo của toàn hệ thống GDĐH được cải thiện qua từng năm với chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo được xây dựng và cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ở một số trường ngày càng tăng. Vị trí xếp hạng các trường ĐH Việt Nam trên các bảng xếp hạng khu vực và thế giới tiếp tục được cải thiện. Theo Tổ chức xếp hạng các trường đại học châu Á (QS), năm 2016: ĐH Quốc gia Hà Nội đã vươn lên thứ 139 (năm 2015 thứ hạng 191); ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh xếp thứ 147 trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, kết quả xếp hạng của Tổ chức xếp hạng các trường ĐH thế giới Webometric, nhiều trường ĐH của Việt Nam có trong danh sách những trường tốt của khu vực châu Á. Số lượng công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI đạt ngưỡng hơn ba nghìn bài trong năm 2015. Ngoài ra, Bộ GD và ĐT phát triển, nâng tổng số ngành, chương trình đào tạo chất lượng cao trên cả nước lên gần 250 chương trình...

 

Vụ trưởng GDĐH (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, ngành GD và ĐT tập trung ổn định quy mô, phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, quy mô đào tạo của các trường cao đẳng (CĐ), ĐH năm học 2015-2016 đã giảm 7% so với năm trước. Trong khi đó, tổng số giảng viên tăng 2,8%; riêng số giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng 29%, số giảng viên có trình độ thạc sĩ tăng 8% so với năm trước. Trong năm học 2015-2016, Bộ GD và ĐT đã tiếp nhận gần 600 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về nước, phần lớn là giảng viên các trường ĐH, CĐ. Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT đã tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định về kiểm định cơ sở GDĐH, kiểm định chương trình đào tạo và phát triển mạng lưới các tổ chức kiểm định độc lập. Kết thúc năm học 2015-2016, có 572 trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Mặt khác, các hoạt động tự chủ của các cơ sở đào tạo ngày càng được mở rộng. Trong hơn một năm qua, đã có 14 trường ĐH công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Các trường tự chủ đã được giao quyền mạnh mẽ hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; công tác tổ chức và tài chính; từng bước chủ động đổi mới cơ chế để hoạt động ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Sắp xếp lại mạng lưới

 

Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn thì điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của một số cơ sở GDĐH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều cơ sở GDĐH chưa nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành mà xã hội cần, chủ yếu đào tạo trên cơ sở khả năng của trường. Việc công bố “chuẩn đầu ra” của các trường còn mang tính hình thức; chậm đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy khiến tính cạnh tranh của nguồn nhân lực của nước ta chậm được cải thiện. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trong thời gian dài, mô hình phát triển GDĐH nước ta chú trọng về số lượng mà chưa chú ý đúng mức các điều kiện bảo đảm chất lượng và nhu cầu xã hội. Nhất là hiện nay, tiêu chí đăng ký, xác nhận chỉ tiêu đào tạo đối với các trường chủ yếu dựa trên số lượng giảng viên và cơ sở vật chất mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động... ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Vì vậy, để GDĐH đáp ứng yêu cầu nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, GS, TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, Bộ GD và ĐT cần sớm hoàn thành và công bố rộng rãi xếp hạng để người học thấy được sự khác biệt, từ đó đồng thuận với mức thu học phí tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH. Các trường cần chú trọng nghiên cứu, khảo sát, điều tra sinh viên tốt nghiệp để thấy điểm yếu trong chuẩn đầu ra của hệ thống GD hiện nay, từ đó có giải pháp cho nâng cao chất lượng. Trong khi đó, Bộ GD và ĐT cho biết, sẽ thực hiện quy hoạch các cơ sở GDĐH dựa trên cơ sở kiểm định, phân loại để sắp xếp lại mạng lưới GDĐH một cách tổng thể, phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế. Trên cơ sở kiểm định chất lượng và phân loại có thể thực hiện sáp nhập, giải thể những trường không đủ điều kiện hoạt động để hình thành một hệ thống GDĐH tinh gọn, chặt chẽ, đủ năng lực nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Một số chuyên gia giáo dục nhìn nhận, để nâng cao chất lượng, các cơ sở đào tạo cần thực hiện kiểm định trường, kiểm định chương trình đào tạo và công bố công khai kết quả kiểm định trên trang thông tin điện tử của trường; cam kết, chịu trách nhiệm về điều kiện bảo đảm chất lượng, khả năng tìm việc làm và gia nhập thị trường lao động của người học. Ngành GD và ĐT cần đẩy mạnh tự chủ trong GDĐH, ban hành các quy định về chuẩn kiểm định chất lượng để chuyển từ quản lý chất lượng đầu vào sang quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra. Quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo phải công khai, minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo, mức thu học phí và các thông tin khác theo quy định để người học lựa chọn và các bên liên quan cùng giám sát... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội.