Đừng tiếp tục để cử nhân phải làm trái nghề

08:25, 21/09/2016

Đó là trăn trở của TS. Lê Thẩm Dương, một trong những cố vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, về thực trạng số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tại Việt Nam đang ở mức báo động. Ông cũng chỉ ra rằng, việc một sinh viên đã hoặc chuẩn bị tốt nghiệp mà vẫn không biết nên chọn công việc nào là lỗi của nền giáo dục.

Thực trạng đáng báo động

 

Tháng 5 vừa qua, tại Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất tại Việt Nam”, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Dạy nghề (thuộc Bộ LĐTB&XH), cho biết: tại một số tỉnh, có tới 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng ra trường phải làm trái nghề.

 

Theo số liệu thống kê từ Bộ LĐTB&XH, ở thời điểm đó, cả nước có tới 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Ngày 17-8 vừa qua, Bộ LĐTB&XH tiếp tục công bố “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, quý II-2016”, trong đó số người thất nghiệp nhiều nhất nằm trong nhóm “trình độ đại học trở lên”: hơn 191 nghìn người.

 

Thực trạng này xuất phát từ một số nguyên nhân, mà chủ yếu là do sinh viên đã bị hướng nghiệp nhầm trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học.

 

Tại buổi gặp gỡ báo chí giới thiệu chương trình “Hướng nghiệp cho sinh viên năm nhất cùng công cụ MBTI”, TS. Lê Thẩm Dương, Chuyên gia cố vấn Quản trị doanh nghiệp, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh), đã chỉ ra rằng: việc bị hướng nghiệp nhầm khiến rất nhiều bạn trẻ chọn ngành học, ngành làm việc chưa chính xác với năng lực, sở thích, đam mê cá nhân.

 

“Nhiều bạn trẻ không định hình được lượng kiến thức của mình đến đâu. Một số bạn kiến thức nghề khá tốt nhưng kiến thức cơ bản lại quá yếu. Kỹ năng kém, thái độ - điều kiện chiếm tới 85% khả năng thành công - chưa tốt nhưng lại thiếu rèn luyện. Ngay cả những khí chất trời cho bản thân cũng không rõ. Từ đó, các bạn có xu hướng chọn ngành theo xu thế xã hội, mà quên mất rằng xu thế là thứ chỉ tồn tại trong thời gian nhất định. Ngoài ra, còn một bộ phận không nhỏ trong số người trẻ chọn ngành theo lời khuyên của bạn bè, người thân trong gia đình, hoặc đơn giản vì… bố mẹ muốn thế”, TS. Lê Thẩm Dương nêu rõ.

 

Với những nguyên nhân kể trên, hầu hết cử nhân vừa ra trường đã phải lập tức lao vào công cuộc “săn” việc làm. Học trái năng lực, trái sở thích và trái cả đam mê cá nhân, các bạn trẻ đã tự đánh mất ý chí và niềm tin, để rồi nếu may mắn tìm được việc, nhiều bạn tiếp tục phạm phải sai lầm nguy hiểm: dùng cảm tính để làm việc.

 

Để giảm thiểu việc lãng phí nguồn nhân lực trẻ khổng lồ, ở Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều chương trình hướng nghiệp. Nhưng hướng nghiệp tại Việt Nam vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, chưa được thực hiện dựa trên các công trình mang tính khoa học, bài bản. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời là Nhà sáng lập Langmaster - một trong những trung tâm đào tạo tiếng Anh lớn tại Việt Nam - cho hay: “Mỗi năm, chúng tôi nhận khoảng 7-8 nghìn hồ sơ ứng viên tuyển dụng. Trong đó, có rất nhiều bạn ứng tuyển vào vị trí trái ngành, nghề được đào tạo. Ngay trong đội ngũ của Langmaster hiện tại cũng có một số bạn như vậy”.

 

“Là người trong cuộc, tự các bạn phải định hướng được: Tôi hướng nghiệp hay nghiệp hướng tôi? Ai là người hướng nghiệp cho tôi? Họ hướng tôi tới vị trí, công việc, nghề hay nghiệp? Hay đơn giản họ chỉ muốn thu học phí? Bằng mọi giá, các bạn phải trả lời được câu hỏi: Mình là ai? Kiến thức, kỹ năng, thái độ và cá tính của mình đang ở mức nào?”, TS. Lê Thẩm Dương đặt hàng loạt câu hỏi cho các bạn trẻ là sinh viên tham dự chương trình “Hướng nghiệp cho sinh viên năm nhất cùng công cụ MBTI”.

 

Công cụ khoa học, bài bản để hướng nghiệp

 

Xuất phát từ những trăn trở về một bộ công cụ định hình chuẩn cho hướng nghiệp, TS. Lê Thẩm Dương và một số chuyên gia đã nghiên cứu, chọn lựa để giới thiệu đến học sinh, sinh viên bộ sách hướng nghiệp cùng MBTI.

 

MBTI (Myers-Briggs Type Indication) là công cụ định vị và phát triển năng lực cá nhân, được sử dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại các doanh nghiệp thuộc nhóm 500 công ty hàng đầu của Mỹ (Fortune 500). Hằng năm, trên thế giới có hàng triệu người sử dụng công cụ này để xác định tính cách đặc trưng của mình và những người chung quanh, từ đó định hướng phát triển tối đa tiềm năng để có một cuộc sống hạnh phúc, thành công hơn. Theo TS. Lê Thẩm Dương, tại Việt Nam, MBTI đã được áp dụng trong mô hình giáo dục VNEN.

 

“Nguyên lý của MBTI thực tế khá đơn giản. Việc đầu tiên, tôi phải khiến mọi người chung quanh “tin tưởng”, rồi từ đó hình thành khái niệm “thích”, tiếp tục mới nghĩ tới những nội hàm chuyên môn khác. Bởi nếu chưa chiếm được niềm tin, thì dù tố chất bạn có giỏi đến mấy, nhà tuyển dụng cũng không quan tâm”, vị chuyên gia này chia sẻ.

 

“Một trong những nguyên lý thú vị khác của MBTI là sự “chân thành thông minh”. Nghĩa là bạn có gì thì thể hiện cái đó, nhưng đừng phạm vào những điều nhạy cảm cá nhân của người đối diện, càng không nên phạm vào rồi tìm cách xoa dịu, đó là “chân thành dại dột”. Để hạ gục được nhà tuyển dụng, phải dùng cái gốc là sự chân thành. Để quản trị được đám đông thì phải xuất phát từ sự mình bạch. Nhưng để hai “bí kíp” này thành công, còn cần đến các giá trị cốt lõi: họ đã “tin”, đã “thích” mình hay chưa?”, TS. Lê Thẩm Dương nói.

 

Theo Trưởng khoa Tài chính của Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, hiện nay các trường đại học trên thế giới không còn “dạy”, mà chỉ hướng cho sinh viên cách tự đào tạo chính mình. Bởi lẽ, hướng nghiệp phải xuất phát từ chính chủ thể cần điều đó. “Nhiều bạn trẻ vẫn chưa nắm được khái niệm “nghiệp” trong hướng nghiệp. Một công việc cụ thể có thể được chia thành nhiều mảng. Khi một nghề theo đuổi bạn rất lâu, thậm chí khi bạn ngủ cũng trằn trọc nghĩ tới nó, thì đó mới là “nghiệp”. Hướng nghiệp vì thế phải “khớp lệnh” một cách toàn diện cho chính các bạn”, ông giải thích.

 

Tại chương trình, bạn Kiều Anh, sinh viên năm hai Đại học Ngoại thương Hà Nội, đã chủ động đặt câu hỏi về những “chiêu săn việc”. Về vấn đề này, TS. Lê Thẩm Dương đã đặt câu hỏi ngược: Tại sao không làm thế nào khiến nhà tuyển dụng phải “săn” mình? Tại sao phải dùng “chiêu”?

 

“Hãy hiểu rằng, đi xin việc thực chất là chào mời, bán sức lao động của bản thân. Nơi mình xin việc chính là thị trường mua sức lao động, người tuyển dụng thực tế đang đi mua người… Tóm lại, đã là nơi trao đổi, mua bán thì chẳng có “chiêu” nào, ngoài việc bạn phải học cật lực, tạo nội hàm kiến thức, kỹ năng, thái độ. Sau đó, khi gặp nhà tuyển dụng, bạn hãy thể hiện hết sức mạnh, làm sao để họ buộc phải nhận mình. Nói cách khác, “chiêu” duy nhất là hãy vượt lên trên mọi ứng viên còn lại. Những “chiêu” như ăn mặc lịch sự bóng bẩy, nói năng nhỏ nhẹ, người ta hỏi mình điều này thì mình trả lời thế nào… hoàn toàn chỉ là phụ”, ông thẳng thắn.

 

Trong khi đó, bạn Ngô Xuân Giang, Viện Đại học Mở Hà Nội, lại bày tỏ những lo lắng cho tương lai, khi được biết đến bộ công cụ MBTI thì đã là sinh viên năm cuối. Trao đổi với bạn Giang, TS. Lê Thẩm Dương nhận định: “Đúng là hơi muộn. Nhưng đó không phải lỗi của bạn, mà là do nền giáo dục. Đáng lẽ chúng ta phải đưa học sinh lớp một vào môi trường "bàn tròn", mà ở đó các cô cậu bé được cọ xát, để hiểu ra khí chất của mình là gì, mình làm được gì và không làm được gì... Đằng này, những tương lai của đất nước phải ngồi một chỗ, nghe người lớn nói liên tu bất tận, cuối buổi lại về nhà ngồi một chỗ làm bài tập. Cuối cùng, học từ lớp một đến hết đại học, các em vẫn không biết mình là ai".