Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo bài bản đầu tiên dành riêng cho văn hóa nghệ thuật

10:57, 04/09/2016

Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là tin vui với những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, động viên những tài năng thực thụ tiếp tục có động lực sáng tạo, cống hiến, bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam có đề án dành riêng cho đào tạo tài năng cho văn hóa nghệ thuật nước nhà.

* Bù đắp thiếu hụt nhân lực chất lượng

 

Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền cho biết: Đề án này đào tạo trình độ đại học cho các học sinh, sinh viên văn hóa nghệ thuật có thành tích xuất sắc trong học tập rèn luyện. Sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào được đặc cách mà các ứng viên sẽ do cơ sở đào tạo lựa chọn khách quan trên cơ sở tài năng, khả năng sáng tạo, tâm huyết với nghệ thuật. Ngoài học sinh, sinh viên thì các giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên… được đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.

 


Năm 2017, những học viên đầu tiên sẽ được đưa ra nước ngoài đào tạo, củng cố nguồn nhân lực chất lượng cao vốn đang thiếu hụt. Đến năm 2030 sẽ có 930 người được lựa chọn đào tạo ở các trình độ từ đại học đến tiến sỹ từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đề án này sẽ đào tạo bộ máy cái cho các trường, cơ sở đào tạo nghiên cứu, cơ quan đầu ngành… đang ngày một thiếu hụt nhân lực chất lượng cao vì thế hệ cán bộ cũ được đào tạo bài bản ở nước ngoài nay đã lớn tuổi, thế hệ trẻ kế cận được đào tạo ở nước ngoài không nhiều...

 

Phải nói rằng Đề án được phê duyệt đã tạo cú hích rất lớn cho ngành văn hóa nghệ thuật vốn đang thiếu hụt nhân lực chất lượng cao như hiện nay. Đề án đào tạo ở nước ngoài hướng tới việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ở những ngành trong nước chưa đào tạo được hoặc đào tạo chất lượng chưa cao. Theo đó, các ngành, lĩnh vực được ưu tiên đào tạo là âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, lý luận và sáng tác văn học.

 

Các ứng viên xuất sắc sẽ được đào tạo bài bản tại những nước xuất sắc nhất về chuyên ngành đó. Ví dụ như điện ảnh sẽ được đào tạo tại Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản về bộ môn như biên kịch, công nghiệp điện ảnh truyền hình, đạo diễn, quay phim, kỹ xảo, dựng phim. Về âm nhạc, các ứng viên sẽ được cử đi học tại Nga, Canada, Đức, Mỹ, Hàn Quốc các bộ môn như thanh nhạc, piano, kèn. Về múa sẽ học tại Pháp, Trung Quốc, nhất là diễn viên múa, biên đạo. Riêng về mỹ thuật, thiên về đào tạo hội họa, đồ họa và ngành Việt Nam hiện chưa đào tạo được là phục chế các tác phẩm hội họa. Hiện này có rất ít trường trên thế giới đào tạo được ngành học này. Ngoài ra, Việt Nam cũng hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cho ngành quản trị các ngành công nghiệp sáng tạo theo xu hướng chung của thế giới tại Anh, Canada…

 

Ngoài đào tạo dài hạn, Nhà nước sẽ cử đi thực tập, bồi dưỡng ngắn hạn với các ứng viên cần phát triển chuyên sâu một hướng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; văn nghệ sỹ ở các đơn vị nghệ thuật đoạt giải cao trong các kì liên hoan, cuộc thi trong nước, quốc tế cần nâng cao trình độ biểu diễn…

 

* Nhớ về một thế hệ vàng…

 

Bà Lê Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Việt Nam đã có một thế hệ vàng các văn nghệ sỹ được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Nhiều người trong số họ được công chúng biết đến. Cho đến giờ, dù tuổi đã cao nhưng nhiều người trong số các văn nghệ sỹ thế hệ vàng này tiếp cục cống hiến cho đất nước.

 

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ gian khổ, dù bộn bề khó khăn, thiếu thốn, công tác đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được chú trọng đặc biệt. Đảng, Nhà nước ngay từ thời điểm đó đã có nhận thức, chủ trương đúng đắn về vai trò của văn hóa văn nghệ, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nghệ thuật của đất nước sau này - thời kỳ hòa bình. Do đó, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên có năng khiếu ở các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã được gửi sang học tập tại Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và các nước thuộc khối XHCN ở Đông Âu.

 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho đến những năm 90 của thế kỷ XX, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã có một lực lượng cán bộ ở tất cả các ngành văn học, nghệ thuật trở về phục vụ đất nước trong tổng số 52.000 cán bộ được cử đi đào tạo với sự giúp đỡ của các nước XHCN. Từ thời kỳ này cho đến những thập kỷ 70 - 90 của thế kỷ trước, là thời kỳ Việt Nam thu được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo tài năng đỉnh cao các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đóng góp rất lớn vào sự phát triển văn hóa nghệ thuật của nước nhà.

 

Nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với những thế hệ kế tiếp nhau như Bùi Đình Hạc, Nguyễn Hồng Sến, Nguyễn Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy, Nguyễn Thanh Vân… Lĩnh vực âm nhạc với Tôn Nữ Nguyệt Minh và Ngô Văn Thành đạt kết quả cao tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi piano thế giới mang tên Chopin… và những tên tuổi lớn như Trọng Bằng, Quang Hải, Đỗ Hồng Quân, Tạ Bôn, Bích Ngọc, Ngô Hoàng Quân, Trần Thu Hà… Về mỹ thuật không thể không nhắc tới những tên tuổi lớn như: Diệp Minh Châu, Phạm Mười, Nguyễn Phước Sanh, Nguyễn Kao Thương, Lê Thị Kim Bạch, Nguyễn Thanh Châu, Phan Gia Hương, Lê Anh Vân, Lê Huy Tiếp… Mảng văn học với Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Châu Hồng Thủy, Hàm Anh, Thụy Anh, Thi Ải Bắc... Những thế hệ đội ngũ cán bộ này đã phát huy tài năng, lao động sáng tạo không mệt mỏi, cống hiến để sự nghiệp văn hóa nghệ thuật phát triển nở rộ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

 

Sau khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, việc cử người tài đi học nước ngoài cũng gián đoạn theo. Nhà nước ta cũng quan tâm, đưa ra nhiều đề án như Đề án 322; Đề án 599, Đề án 911… Tuy nhiên, rất ít người thuộc ngành văn hóa nghệ thuật theo học được bởi Đề án chung cho các ngành, chưa tính đến những điểm đặc thù riêng có của ngành văn hóa nghệ thuật. Chính vì thế Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dành riêng cho khối văn hóa nghệ thuật đã nối lại được sự gián đoạn trong đào tạo đội ngũ những người làm văn hóa nghệ thuật từ những năm 70-90 của thế kỷ trước…/.