Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học (ĐH) công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và được thu học phí giá thấp nhưng lại không phát huy hiệu quả trong đào tạo. Chất lượng giảng dạy ở nhiều trường không đảm bảo nên nguồn nhân lực được đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, cho xã hội và hội nhập với thế giới.
Chính từ những bất cập trên, vào cuối tháng 10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 – 2017.
Nghị quyết của Chính phủ đã được ban hành nhưng khi áp dụng thực hiện tại các trường ĐH, CĐ công lập không phải sẽ suôn sẻ. Bởi khi được giao quyền tự chủ một cách toàn diện, trong đó có tự chủ tài chính, các trường sẽ phải tính toán rất kỹ để đảm bảo các khoản chi thường xuyên như: trả lương cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy...
Muốn duy trì ổn định các khoản kinh phí này cũng như mở rộng phương thức hoạt động, một trong những yếu tố quan trọng là các trường phải đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu trường ĐH nào không thu hút được sinh viên theo học thì trường đó không có kinh phí để duy trì hoạt động. Điều này có nghĩa là học phí đóng góp của sinh viên sẽ quyết định rất lớn tới sự tồn tại và phát triển của một trường ĐH, CĐ.
Thế nhưng, không phải trường ĐH nào cũng có thể đề ra mức học phí như mong muốn. Bài toán mà các trường nghĩ đến là nếu thu học phí cao thì có thể sinh viên không theo học hoặc khó đảm bảo được chính sách học bổng, hỗ trợ cho những sinh viên nghèo đạt thành tích xuất sắc trong học tập khi mà nhà trường không có đủ nguồn thu từ học phí.
Công khai mức thu học phí, chất lượng đào tạo
Đề cập đến vấn đề trên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc các trường tự quyết định mức tăng học phí không hề đơn giản vì có thể vấp phải sự phản đối của sinh viên và phụ huynh. Điều này không chỉ xảy ra ở nhiều trường ĐH ở trong nước mà cả ở các nước khác cũng như vậy. Ví dụ như ở Thái Lan, nhiều trường ĐH cũng ngại tăng học phí vì “sợ” sinh viên phản đối.
Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, việc tăng học phí để nâng cao chất lượng giáo dục là cần thiết khi mà ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục chỉ có hạn. Vấn đề cần giải quyết là các trường ĐH cần có lộ trình tăng học phí và công khai với sinh viên. Thậm chí, sinh viên khi vào trường học phải được nhà trường phát thông báo về mức học phí và phải ký cam kết đóng tiền như vậy. Còn nếu sinh viên không cam kết như quy định thì có thể học ở trường khác ngay từ lúc tuyển sinh.
Ngoài ra, các trường ĐH cũng phải công khai việc chi tiêu, chất lượng đào tạo, sinh viên tốt nghiệp như thế nào để người dân, sinh viên biết trường đó giảng dạy có xứng đáng với mức học phí đã thu không. Nếu các trường ĐH tăng học phí một cách minh bạch, công khai thì sẽ không gặp phải phản ứng của sinh viên.
Xung quanh vấn đề trên, bà Nguyễn Lan Hương, trường ĐH Bình Dương bày tỏ, khi nói đến tự chủ ĐH, chúng ta không thể chối bỏ quyền được tự chủ của sinh viên, xuất phát từ quyền được biết thông tin, nêu ý kiến, quyền được tham gia vào các hoạt động của trường và ban đại diện sinh viên.
Hơn nữa, nếu chúng ta nhìn lại nguyên lý cơ bản cho tự chủ ĐH, liệu nên chăng có những quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của trường ĐH tự chủ đối với sinh viên. Điều này nhằm đảm bảo rằng, dù có tăng học phí, thay đổi hệ thống quản trị của trường... thì sinh viên vẫn được quyền có ý kiến về những hoạt động trong trường, trực tiếp được tham gia vào hoạt động và các lợi ích mà trường đã cam kết sẽ được bảo vệ một cách phù hợp mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Mức học phí và đảm bảo quyền lợi cho sinh viên của một số trường ĐH
Khi thực hiện tự chủ ĐH, các trường không chỉ đối diện với phản ứng của sinh viên về việc tăng học phí mà họ cũng phải nghĩ đến việc có kinh phí để đảm bảo cho sinh viên nghèo, con gia đình chính sách được học tập.
Tuy nhiên, một số trường ĐH đang thực hiện tự chủ đã có những giải pháp để tháo gỡ những bế tắc trên và cũng đưa ra những giải pháp để phát triển hoạt động đào tạo, bảo đảm quyền lợi của sinh viên.
Năm 2006, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội được Bộ Công thương giao cho nhà trường được quyền trự chủ một phần về tài chính để nâng cao tính chủ động, sáng tạo và chất lượng giáo dục.
Nguồn thu chủ yếu của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chủ yếu là nguồn thu từ học phí (chiếm đến 78%). Chính từ việc được tự chủ về tài chính, nguồn ngân sách của Nhà nước cấp hàng năm cho nhà trường đang giảm về mức dưới 5%.
Toàn bộ nguồn thu được, nhà trường khai thác một cách hiệu quả để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Điều đặc biệt là ĐH Công nghiệp Hà Nội có được sự phối hợp tốt với các doanh nghiệp trong việc quan tâm tạo việc làm, cấp học bổng khuyến học cho hàng nghìn sinh viên.
PGS.TS Trần Đức Quý, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, để phát huy cơ chế tự chủ trong các đơn vị giáo dục ĐH công lập, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ theo nguyên tắc: Đơn vị nào tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính, tự chủ cao về thực hiện nhiệm vụ, về tổ chức bộ máy, nhân sự và ngược lại. Để phát huy được những tích cực do chính sách mới này mang lại, trong thời gian tới, Nhà nước cần trao nhiều quyền tự chủ về mức thu cho các trường ĐH công lập, đặc biệt là mức thu về học phí, lệ phí.
Các cơ sở giáo dục ĐH công lập được phép tính đủ chi phí tiền lương, chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí khấu hao tài sản cố định trong học phí theo nguyên tắc thu đủ bù chi. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần có chính sách tín dụng cho sinh viên, chính sách hỗ trợ đối với sinh viên nghèo, dân tộc thiểu số và ở vùng sâu, vùng xa... Điều này cũng là tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên đều có thể tiếp cận giáo dục ĐH.
Theo PGS.TS Trần Đức Quý, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập cần thực hiện đồng bộ với giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên các lĩnh vực khác như tổ chức cán bộ, thực hiện nhiệm vụ đào tạo.
Khác với trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, từ năm 1995 đến 2011, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã tự chủ chi thường xuyên. Từ năm 2012 đến nay, trường đã bước đầu tự chủ cả phần đầu tư mặc dù mức tự chủ này còn khiêm tốn và chưa đáp ứng được yêu cầu về thiết bị hiện đại cho khối ngành kỹ thuật công nghệ.
TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, về mức thu học phí đối với sinh viên, nhà trường chỉ thu bằng 50-60% mức thu theo quy định trong Nghị định 86/2015/NĐ-CP đối với các trường ĐH tự chủ theo từng giai đoạn nên khả năng thu hút sinh viên khá tốt. Lý do là vì ở trình độ Cao đẳng trở xuống, 90% sinh viên của trường xuất thân từ nông thôn, miền núi do chiến lược phát triển ngành dệt may là chuyển về vùng nông thôn và miền núi, không thể thu học phí cao với các đối tượng này.
Là trường ĐH có yếu tố thực hành cao nên ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội phải tính toán tìm vật tư cho sinh viên thực hành, thực tập nhưng không được để tác động quá lớn đến chi phí đào tạo. Giải pháp mà trường đã sử dụng là nhận sản phẩm từ thị trường hoặc tự thiết kế sản phẩm, lấy sản phẩm từ nhà máy của trường vào cho sinh viên học tập phù hợp với chương trình đào tạo.
Với giải pháp này, ĐH Công nghiệp Dệt may không phải chi phí cho việc mua vật tư để sinh viên thực hành, giảm gánh nặng về học phí cho sinh viên. Mức độ tự chủ về tài chính của trường được nâng cao mà không làm tăng giá thành đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của trường.
Đến thời điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho 14 trường ĐH, CĐ được thực hiện tự chủ tài chính. Việc cho các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Với những mô hình và đề xuất của một số chuyên gia, lãnh đạo các trường ĐH cũng là cơ sở rất hữu ích để các trường ĐH khác nghiên cứu, tham khảo trên lộ trình hướng tới tự chủ toàn diện./.