Đó là một trong những kiến nghị của UBND T.P Thái Nguyên với Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại cuộc giám sát về công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo trên địa bàn, được tổ chức ngày 12-10.
Theo báo cáo của UBND Thành phố, tổng số biên chế địa phương được giao năm 2016 là 2.972 người; số biên chế, lao động hợp đồng tính đến ngày 1-9 là 2.838 người. Hiện nay, Thành phố đồng ý giao cho hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập ký hợp đồng với 70 người, số này được tính trong tổng biên chế được giao và bảo đảm kinh phí cũng như các chế độ như với viên chức sự nghiệp giáo dục. Ngoài ra còn có 385 trường hợp hợp đồng vụ việc, mùa vụ tại các trường (trong đó, giáo viên là 252, cô nuôi 118, nhân viên 15 người). Số hợp đồng lớn như trên là do các trường chưa được giao đủ biên chế theo định mức, một số môn học (môn tự chọn) chưa được đưa vào chương trình học, trong khi phụ huynh học sinh lại có nhu cầu, do đó hiệu trưởng các trường đã ký hợp đồng ngắn hạn…
Lãnh đạo UBND T.P Thái Nguyên đề nghị UBND tỉnh có giải pháp bổ sung biên chế và có cơ chế để các đơn vị sự nghiệp giáo dục được thực hiện hợp đồng đối với số giáo viên, nhân viên còn thiếu so với định mức để bảo đảm các hoạt động giáo dục ngay từ đầu năm học; tổ chức giao biên chế theo năm học chứ không theo năm tài chính. Đồng thời sớm có quy định chi tiết về việc sử dụng chứng chỉ, chứng nhận tiếng Anh trong công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng viên chức giáo dục…
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, T.P Thái Nguyên tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục; quan tâm quy hoạch mạng lưới trường lớp để giải quyết tình trạng quá tải học sinh. Đặc biệt cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng viên chức, các hoạt động bảo đảm chế độ cho người lao động; thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình. Đối với những kiến nghị của Thành phố, Ban Pháp chế tiếp thu để bổ sung vào báo cáo giám sát.