Mô hình trường học mới Việt Nam (THM) là sự chuyển đổi từ mô hình nhà trường truyền thống và được xây dựng và phát triển dựa trên quan điểm giáo dục định hướng phát triển năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy người học làm trung tâm. Sau 4 năm học triển khai ở cấp tiểu học, năm học 2015-2016, ngành Giáo dục – Đào tạo đã đưa vào thực hiện tại 16 trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm triển khai, năm học 2016-2017 này đã có tới 13/16 trường bỏ không dạy theo mô hình này.
Được biết, từ năm học 2014-2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo thí điểm triển khai thực hiện mô hình THM ở 6 tỉnh với 48 lớp 6 của 24 trường THCS. Năm học 2015-2016, Bộ GD&ĐT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung học là tiếp tục thực nghiệm mô hình THM cấp THCS đối với lớp 7 ở những trường đã triển khai từ năm học trước và mở rộng mô hình THM đối với lớp 6 ở các tỉnh. Tại Thái Nguyên, đã có 16 trường THCS của 9 địa phương trong tỉnh với 43 lớp, 1.368 học sinh (HS) lớp 6 học.
Để triển khai hiệu quả mô hình này, ngay từ đầu tháng 7-2015, Sở GD&ĐT đã cử cán bộ, giáo viên các nhà trường dạy theo mô hình THM tham gia các lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, ngành tổ chức. Về các địa phương, các phòng GD&ĐT tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho toàn bộ đội ngũ giáo viên dạy lớp 6 theo chương trình. Các phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên học hỏi tại các trường tiểu học trên địa bàn để nắm vững tính liên thông giữa chương trình cấp tiểu học và cấp THCS, rút kinh nghiệm về hình thức tổ chức hoạt động dạy - học ở các trường thực hiện mô hình THM. Tuy nhiên mặc dù tại tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới cấp trung học, lãnh đạo Phòng Phổ thông, Sở GD&ĐT đã đưa việc tiếp tục thực nghiệm mô hình THM cấp THCS, nhưng có tới 13/16 trường THCS thực hiện dạy theo mô hình này trong năm học trước quyết định dừng việc dạy học theo mô hình THM từ đầu năm học 2016-2017. Vậy lý do nào khiến các trường có quyết định như vậy.
Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Hiệu trưởng THCS Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) cho biết: Năm học 2015-2016, Trường chúng tôi tổ chức cho cả 3 lớp 6 học theo mô hình THM. Sau khi tuyên truyền, nhìn chung các phụ huynh đều ủng hộ thực hiện, chỉ có một số ít gia đình cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng vì không biết sự thay đổi này có tác động như thế nào đến việc học của con em mình. Sau 1 năm học, chúng tôi nhận thấy mô hình THM cũng có nhiều ưu việt, đó là chương trình này có sự gắn kết nội dung dạy học với đời sống thực tiễn của HS, cộng đồng thông qua việc hoạt động tìm tòi, mở rộng mỗi bài. Khuyến khích HS tích lũy kiến thức qua gia đình, cộng đồng, rèn cho các em kỹ năng giải quyết các vấn đề, khả năng giao tiếp, làm việc theo nhóm. Tuy nhiên, đây không phải là chương trình bắt buộc, nên thể theo nguyện vọng của đông đảo phụ huynh HS là không muốn cho con học theo mô hình này, nên đầu năm học Nhà trường đã báo cáo với Phòng GD&ĐT thành phố cho dừng. Cả 3 lớp học theo mô hình THM lại trở về mô hình học truyền thống trước đây.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trước thông tin về phản ứng của đông đảo phụ huynh học sinh ở các tỉnh, đặc biệt là ở Nghệ An phản đối không cho con học theo mô hình THM, nhiều phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được và bày tỏ sự băn khoăn rất nhiều. Khi được hỏi, nhiều phụ huynh cho rằng học theo mô hình THM này bản thân họ khó kiểm soát được việc học tập của con em mình. Vì nếu như học theo chương trình hiện hành, các môn đều có bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, học kỳ thì học theo mô hình THM chỉ có duy nhất bài kiểm tra cuối kỳ. Học theo mô hình THM về nhà thấy các con ít học bài cũ và cũng không có các bài kiểm tra để bố mẹ nắm bắt được kết quả học tập hàng ngày.
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 2 trường THCS Minh Lập và Hóa Thượng năm học này cũng dừng việc dạy theo mô hình THM. Theo cô giáo Trần Thị Kết, Hiệu trưởng Trường THCS Hóa Thượng: Qua 1 năm triển khai dạy chúng tôi cũng nhận thấy mô hình này bộc lộ một số mặt hạn chế như: cơ sở vật chất các trường phần lớn đầu tư xây dựng từ lâu, phòng học nhỏ, việc kê bàn ghế theo nhóm rất chật chội. Định biên ở các lớp tiểu học thì khoảng 30 học sinh/lớp, học theo mô hình này phù hợp, còn THCS định biên tới 45 học sinh/lớp, việc tổ chức lớp học theo mô hình này khó khăn hơn. Bên cạnh đó, mô hình này giáo viên chỉ là người hướng dẫn, HS tự chủ động tìm kiến thức, HS làm việc theo nhóm, nên nhiều em học trung bình yếu, trung bình non còn ỷ lại các bạn trong nhóm. Vì là quá trình tự học nên còn khá nhiều HS không tự giác trong học tập. Trước năm học mới vừa qua, qua thăm dò, xin ý kiến thì 100% phụ huynh HS không đồng ý cho con tiếp tục học mô hình này, có phụ huynh HS còn phát biểu nếu Nhà trường không chuyển cho con họ sang lớp học hiện hành, thì sẽ xin chuyển trường cho con. Vì thế, Nhà trường đã báo cáo Phòng GD&ĐT và xin tạm dừng không tổ chức dạy học theo mô hình này nữa.
Trò chuyện cùng chúng tôi, 2 em Nguyễn Hồng Hạnh và Lê Quỳnh Anh, lớp 7A, Trường THCS Hóa Thượng cho rằng: Học theo mô hình này sẽ rèn cho các bạn nhút nhát, ngại phát biểu cũng trở nên mạnh dạn hơn. Tuy nhiên, vì cả học kỳ mới có 1 bài đánh giá, nếu bạn nào tâm lý làm bài hôm đó không tốt sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình học tập. Và học theo mô hình THM thì chúng em ít có bài kiểm tra, đánh giá nên bố mẹ cũng không kiểm tra được việc học tập của con thông qua việc chấm điểm thường xuyên như các bạn học các lớp thông thường.
Được biết vì đây là chương trình thử nghiệm nên tài liệu vẫn còn một số chỗ chưa hợp lý, nội dung kiến thức một số bài còn dài khiến cho việc phân phối thời lượng cho các tiết học chưa đủ (môn khoa học xã hội, môn khoa học tự nhiên, môn giáo dục công dân). Do mới triển khai nên một số giáo viên còn lúng túng trong phương pháp, nhiều khi vẫn còn làm thay HS, kĩ năng tổ chức hoạt động nhóm của một số thầy cô còn hạn chế. Mặt khác, việc trang trí lớp học theo mô hình này khá tốn kém, trong khi kinh phí của các trường hạn hẹp phần lớn phải huy động phụ huynh HS đóng góp (Xây dựng góc cộng đồng, góc học tập…). Nhiều HS chưa học mô hình THM ở cấp tiểu học, khi chuyển sang mô hình này có nhiều bỡ ngỡ. Do vậy, việc nắm bắt kiến thức cơ bản của các đối tượng HS chưa đồng đều. Mô hình học nhóm suốt trong buổi học, tạo cho một bộ phận HS có cơ hội nói chuyện riêng và ỷ lại vào bạn khác. Khó khăn nữa là một số trường sĩ số HS trên lớp đông, việc kê bàn học theo nhóm chật chội, nên ảnh hưởng đến chất lượng học tập.
Như vậy, sau 5 năm triển khai ở cấp tiểu học, mô hình THM cấp THCS được thí điểm thực hiện song chưa thành công. Cốt lõi của vấn đề chính ở chỗ tuy đã có sự đổi mới trong phương thức giảng dạy, tiếp cận của người học song vẫn chưa tạo được niềm tin đối với các bậc phụ huynh HS. Bản thân mô hình này còn nhiều vấn đề cũng chưa thật phù hợp với cấp THCS. Và nếu không có sự đồng thuận của phụ huynh HS thì các nhà trường cũng không thể tổ chức lớp học theo định hướng của Sở GD&ĐT, cũng như chủ trương từ Bộ GD&ĐT.