Những người thầy của nông dân

15:23, 04/11/2016

Chúng tôi gọi các giáo viên ở Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là “những người thầy của nông dân”. Bởi từ khi đi vào hoạt động (tháng 1-2011) đến nay, cùng với việc đào tạo các lớp trung cấp nghề cơ điện nông thôn, điện công nghiệp, thú y…, họ luôn sát cánh và mang đến cho bà con nông dân nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực cho nghề nông.  

Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên đứng chân trên địa bàn huyện Phú Lương nhưng những người thầy ấy đã đi đến khắp các xã miền núi, vùng cao trong tỉnh để dạy nghề nông cho bà con. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, bên cạnh việc đào tạo nghề (hệ trung cấp) cho hơn 500 học viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, các thầy, cô giáo của Trường còn dạy nghề ngắn hạn cho hơn 1.100 lượt nông dân.

 

Chị Đào Thị Hoa, một người dân ở xã Phú Lạc (Đại Từ) cho biết: Năm ngoái, tôi được tham gia một khóa học về quy trình sản xuất, chế biến chè do Trường tổ chức. Ngoài việc truyền đạt kiến thức trên lớp, các thầy giáo còn ra tận đồi chè hướng dẫn bà con cách trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho loại cây này. Các thầy cũng hướng dẫn rất tỉ mỉ từ cách bảo quản chè búp tươi sau khi thu hoạch đến việc sao chè, lên hương và đóng gói sản phẩm. Sau khi tham gia khóa học, gia đình tôi không còn lạm dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh cho chè. Nhờ đó chi phí đầu vào giảm, chất lượng chè lại được nâng lên, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bán được với giá cao hơn.

 

Gia đình không có chè, chỉ gieo cấy lúa nên chị Hà Thị Mận, ở xã Yên Đổ (Phú Lương) lại tham gia một lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa lai. Chị chia sẻ: Lâu nay, người dân miền núi chúng tôi đã quen với việc gieo cấy các giống lúa địa phương (do bà con tự để giống) nên năng suất đạt rất thấp. Thời vụ gieo cấy cũng theo tập quán canh tác cũ là cấy lúa xuân sớm, vụ mùa muộn và thường bỏ trống đất ruộng trong vụ đông. Từ năm 2013, sau khi được các thầy giáo của Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích, chúng tôi đã áp dụng và thấy hiệu quả kinh tế đạt cao hơn. Cụ thể, chúng tôi đã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ (cấy lúa xuân muộn và mùa sớm), gieo cấy nhiều giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao (như Nhị ưu 838, Syn6, TH3-3…) và thực hiện các biện pháp thâm canh nên năng suất lúa tăng đáng kể. Vụ mùa năm nay, năng suất lúa của gia đình tôi đạt 220 kg/sào, tăng hơn 40kg/sào so với 3 năm trước.

 

Không chỉ dạy nông dân nghề trồng chè, sản xuất lúa đạt năng suất cao, các thầy, cô giáo của Trường còn mang đến cho bà con nhiều thông tin hữu ích trong chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Ông Đinh Văn Hinh, một nông dân ở xã Phú Tiến (Định Hóa) cho biết: Qua lớp học do Nhà trường tổ chức, chúng tôi đã có kiến thức trong lựa chọn giống vật nuôi; phòng trừ, xử lý các dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở đàn trâu, bò, lợn; bệnh cúm gia cầm ở gà… Từ đó giúp nông dân chúng tôi tránh được rủi ro trong quá trình đầu tư cho chăn nuôi…

 

Chúng tôi - những người thực hiện bài viết này - đã được nghe nhiều nông dân ở các xã miền núi, vùng cao trong tỉnh thể hiện tình cảm với các thầy, cô giáo của Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên bằng những lời nói mộc mạc và giản dị như thế. Tuy nhiên, để có được tình cảm yêu mến, trân trọng của những người nông dân, các thầy, cô giáo đã phải nỗ lực rất nhiều. Bởi từ khi thành lập đến nay, Nhà trường vẫn phải thuê cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Phú Lương làm nơi giảng dạy (đối với các lớp học hệ trung cấp nghề). Với những lớp đào tạo ngắn hạn (từ 2 đến 3 tháng/khóa học) cho nông dân, giáo viên phải về tận cơ sở xã, xóm giảng dạy cho bà con. Trong khi đó, 37 cán bộ, giáo viên của Nhà trường tuy đã tốt nghiệp đại học và trên đại học nhưng đều còn trẻ cả về tuổi đời và tuổi nghề. Do đó, khi đồng hành cùng nông dân trong mỗi khóa học, ngoài việc truyền đạt lý thuyết một cách dễ hiểu, các thầy, cô phải tự trang bị kiến thức thực tế để có thể thực hiện các bài thực hành trên đồi chè, dưới đồng ruộng… một cách thuần thục.

 

Thầy Hiệu trưởng Phan Anh Tuấn chia sẻ: Chúng tôi chẳng có gì ngoài sự tận tâm và lòng ham học hỏi. Vì lẽ đó, mỗi giờ giảng trên lớp hay những buổi thực hành trên đồi, ngoài ruộng… là cả một sự cố gắng của những con người say mê với nghề. Mời chúng tôi tham dự buổi thuyết trình về một số mô hình mới được các thầy, cô giáo của Trường sáng chế, anh Tuấn vui vẻ giới thiệu: Có hai mô hình rất thiết thực với nhà nông là mô hình ứng dụng logo trong điều tiết thức ăn chăn nuôi và mô hình tưới nước thông minh. Với kinh phí đầu tư thấp, cơ chế hoạt động thông minh, người nông dân hoàn toàn có thể đưa các mô hình này vào phục vụ cho chăn nuôi cũng như tưới cho diện tích chè, cây màu… của gia đình để giảm chi phí đầu vào và công lao động.

 

Trước thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay, việc đào tạo nghề cho học sinh miền núi, vùng cao và đặc biệt là dạy nghề cho bà con nông dân trực tiếp lao động, sản xuất là điều rất cần thiết. Bởi từ việc đào tạo nghề cho nông dân sẽ giúp cho bà con có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Thái Nguyên đang là ngôi trường duy nhất của tỉnh có đội ngũ cán bộ, giáo viên khá bài bản để đào tạo nghề ngắn hạn cho nông dân ở các xã miền núi, vùng cao. Luôn giải đáp những thắc mắc của nông dân một cách tỉ mỉ, hướng dẫn nông dân làm nghề nông nghiệp một cách hiệu quả và thiết thực nhất, những người thầy dưới mái trường này đang thực sự trở thành người bạn đồng hành của nông dân ở những nơi còn nhiều gian khó. Mong rằng, trong thời gian tới, cơ sở vật chất của Nhà trường sớm được đầu tư xây dựng để những người thầy của nhà nông ấy ngày càng yên tâm giảng dạy và cống hiến.