Đó là một truyền thống lâu đời quý báu của dân tộc ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được nhân dân ta lưu truyền trong những câu tục ngữ, ca dao mà mọi người đều rất quen thuộc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”...
Truyền thống tôn sư trọng đạo còn được thể hiện ở một phong tục đẹp của nhân dân ta, vẫn đang được bao thế hệ học trò tiếp tục gìn giữ, phát huy. Hằng năm, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở con cháu đi chúc Tết “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Bên cạnh tục “mồng ba tết thầy”, vào dịp 20-11, các thế hệ học trò lại cùng nhau tổ chức thăm hỏi, tri ân các thầy cô. Đây cũng là dịp toàn xã hội quan tâm, động viên, cổ vũ các nhà giáo vượt mọi khó khăn, nêu cao ý thức trách nhiệm, làm tròn sứ mệnh “trồng người” vẻ vang của mình.
Các thế hệ học sinh luôn hướng về ngày 20-11 với những tình cảm đặc biệt nhất, trân trọng nhất. Truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc vẫn luôn được gìn giữ. Những năm gần đây, khi nhịp điệu cuộc sống thay đổi, những giá trị truyền thống đang được thay dần bởi những điều thiết thực hơn thì ở một góc độ nào đó nghề giáo vẫn giữ được điều cao quý vốn có.
Xã hội hiện đại hôm nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ thì việc tìm kiếm tri thức ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Bài giảng của thầy không còn đơn giản là truyền thụ kiến thức một chiều và thụ động nữa, mà vai trò của người thầy là tổ chức và điều khiển, giúp người học lĩnh hội tri thức, và đặc biệt là truyền được cảm hứng cho người học.
Tuy nhiên trải qua thời gian, sợi dây liên hệ đó đã có sự thay đổi ít nhiều. Giờ đây, phụ huynh, học sinh tri ân các thầy cô giáo không chỉ là những bông hoa, điểm 10, tấm bưu thiếp hay những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, mà còn có thể là những món quà đắt tiền, thậm chí là những chiếc "phong bì". Điều đó vô tình làm nẩy sinh sự cạnh tranh giữa các bậc phụ huynh, làm cho mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên trở nên rất tế nhị. Khi giáo viên bị tác động bởi vật chất thì cũng ít nhiều bị tri phối. Từ đó rất dễ dẫn đến có những đánh giá, thái độ với học sinh thiếu công bằng, ảnh hướng không tốt tới tâm lý chung của các em học sinh.
Việc sử dụng vật chất trong mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên nếu bị lạm dụng thì sẽ dẫn đến những tác động thiếu tích cực. Nếu các bậc phụ huynh cứ dùng vật chất để củng cố quan hệ với giáo viên thì rất dễ dẫn đến việc các em sẽ mất đi động lực phấn đấu. Bởi các em sẽ nhận ra rằng khi cha mẹ gặp thầy cô là mình được yêu quý hơn thì tự nhiên các em sẽ không cần phấn đấu nữa. Và nếu suốt cuộc đời đi học các em đều như vậy thì việc đánh giá chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể khi ra xã hội, các em tiếp tục vận dụng cách tiếp cận như vậy thì rõ ràng cả tài năng và đạo đức của các em đều bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể nhận thấy, hiện nay có một số bạn có tấm bằng xuất sắc khi ra trường nhưng chưa thật xứng tầm vì có sự tác động, nâng đỡ ở bên trong. Đây là hệ quả của việc đánh giá không đúng chất lượng học sinh.
Có lẽ, vào dịp 20-11, các bậc phụ huynh học sinh có thể cùng nhau thống nhất, cử đại diện đến chúc mừng các thầy cô. Việc các bậc phụ huynh học sinh đại diện như vậy sẽ làm cho ngày lễ của các thầy cô thực sự chan hòa, vui vẻ, mang tính tập thể; nếu chúng ta cứ đi lẻ tẻ, mạnh ai nấy làm thì rất dễ tạo sự hiểu lầm. Tính tập thể là tốt nhất, thể hiện bình đẳng, dân chủ, minh bạch, làm cho phụ huynh cũng yên tâm và thầy cô cũng cảm thấy thoải mái.
Hiện nay chúng ta đang triển khai đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Mỗi người giáo viên, mỗi trường học hãy tự lĩnh hội tinh thần đó, tự vận dụng, tự tìm hiểu xem cái gì cần làm để bắt tay vào thực hiện theo tuần tự hợp lý. Song, vấn đề hết sức quan trọng ở đây là đạo đức và nhân cách của người thầy. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải tự rèn luyện, phấn đấu đúng với chuẩn mực của nhà giáo, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc.
Những ngày đầu tháng 11 này, ở tất cả các nhà trường lại sôi động với nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả để chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Mọi người lại có dịp dành những lời tôn vinh, những tình cảm tốt đẹp nhất cho người thầy của mình. Lịch sử giáo dục của dân tộc ta sẽ mãi mãi ghi nhớ công lao những người thầy đã làm rạng rỡ trang sử vẻ vang của dân tộc, được nhân dân mãi mãi tôn vinh.