Đào tạo cử tuyển ngành Y - Dược: Chất chưa tương ứng với lượng

08:40, 30/12/2016

Nền kiến thức đầu vào thấp và chỉ có 1 năm ôn tập hệ thống lại kiến thức cơ bản, nên khó có thể theo kịp với hệ chính quy. Chính vì vậy, cả giảng viên và sinh viên đều rất vất vả trong dạy và học. Nhiều sinh viên phải học cải thiện thêm nhưng vẫn chỉ xếp ở top cuối của lớp học.

Hoàng Thị Hoa, sinh viên năm thứ 4 hệ cử tuyển Trường đại học Y Dược Thái Nguyên, đến tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Suốt 3 năm qua em đi học thêm tiếng Anh để nâng cao trình độ và đáp ứng yêu cầu học nâng cao phục vụ cho công việc sau này, nhưng học mãi mà vẫn không đạt yêu cầu. Trong khi đòi hỏi nghề bác sĩ phải giỏi một ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Trước đây, ở vùng cao chúng em chưa được học ngoại ngữ, nên học đại học thấy rất bỡ ngỡ”. Hoa chia sẻ thêm: Các môn học cơ bản cũng vậy (Toán, Hóa, Sinh), học cố gắng lắm cũng chỉ được 5-6 điểm/môn. Còn Lý Văn Chính, sinh viên năm thứ 2 hệ cử tuyển, đến từ tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Phần lớn sinh viên vùng cao, miền núi trước khi vào đại học đều không xác định được rõ động cơ, mục tiêu học tập, nên không chí thú phấn đấu, kết quả học tập, rèn luyện ở bậc phổ thông vì thế chỉ ở mức trung bình. Chính vì vậy, khi theo học đại học, ai cũng gặp khó khăn và hầu hết theo không kịp. Bản thân em đã phải mất hai năm học lại (lưu ban) kiến thức văn hóa cơ bản của ba môn Toán, Hóa, Sinh mới thi đủ điều kiện vào học chuyên ngành”.

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, bên cạnh nguyên nhân đầu vào xét tuyển thấp, khiến chất lượng học tập của sinh viên hệ cử tuyển đạt thấp còn có một nguyên nhân nữa là bắt đầu từ phía nhà trường phổ thông có nơi đánh giá chất lượng học sinh chưa phản ánh đúng năng lực học tập thực sự của các em. Thực tế kết quả đánh giá năm học 2014-2015 của tổng số hơn 500 sinh viên hệ cử tuyển (từ năm thứ nhất đến năm thứ 6) còn có gần 70% xếp ở mức trung bình và yếu. Mỗi năm có từ 7-10 sinh viên hệ này lưu ban, hoặc cảnh báo về học vụ, trả nợ học phần…Trong khi điểm  hồ sơ học bạ tốt nghiệp THPT của các em khá cao. Có em điểm số của các môn cơ bản (Toán, Lý, Hóa, Sinh) đầu vào đạt từ 7,8 đến trên 8,0, nhưng khi vào học năm dự bị để hệ thống lại kiến thức THPT thì điểm kiểm tra chỉ đạt 4,0 đến 5,0 và khi thi để lấy kết quả xét vào học chuyên ngành vẫn trượt, dẫn đến, địa phương, gia đình lại phải làm cam kết xin lưu ban học lại, theo dạng tự túc. Cũng có không ít sinh viên cử tuyển tranh thủ thời gian ngoại khóa đi học thêm, ôn tập cùng học sinh phổ thông, nhưng cũng chẳng cải thiện được nhiều, nguyên nhân chính do kiến thức nền của các em đã bị hổng từ các cấp học trước đó.

 

Thầy giáo Lê Ngọc Uyển, Trưởng phòng Công tác học sinh và sinh viên cho biết: Mỗi năm, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên được tiếp nhận khoảng 100 sinh viên hệ cử tuyển do các tỉnh từ miền Trung trở ra đến khu vực Đông  Bắc, Tây Bắc. Hầu hết các em đều rất khó khăn để hòa nhập môi trường học mới, nhất là học lực. Học kỳ đầu học môn cơ bản (Toán, Lý, Hóa, Sinh), các thầy, cô giáo thường xuyên phải phụ đạo thêm cho các em rất vất vả, trong khi bản thân các em hầu như không thể tự học. Chính vì vậy, lượng sinh viên lưu ban năm đầu thường cao hơn các năm sau từ 4 đến 5 em/tổng số 20-30 em mỗi khóa.

 

Đối với tỉnh Thái Nguyên, tình trạng sinh viên cử tuyển cũng tương tự. Chất lượng đầu vào thấp, lực học cũng hạn chế, dẫn đến chất lượng, kết quả học tập cũng không cao. Năm học 2014-2015, tỉnh Thái Nguyên có 31 sinh viên theo học từ năm dự bị đến năm thứ 6, trong đó 18 em đạt điểm trung bình tích lũy học kỳ một và học kỳ hai ở mức trung bình và yếu, chiếm gần 60%. Riêng năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 19 em theo học hệ cử tuyển, trong đó có 9 em không đủ điều kiện vào đại học và 2 em học lưu ban. Năm học 2013-2014, có 16 em theo học, một nửa số đó không đủ điểm điều kiện học tiếp đại học, hoặc lưu ban. Mới đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã gửi danh sách trình UBND tỉnh xét cử tuyển học Trường Đại học Y Dược, trong đó, có em điểm số học hết THPT mới chỉ đạt trên 6,0. Điều đó đồng nghĩa với việc đẩy thêm gánh nặng đào tạo lại những kiến thức văn hóa bậc phổ thông trong trường đại học nói chung và Trường Đại học Y Dược nói riêng.

 

Thực tế trên cho thấy, để nâng cao chất lượng đào tạo đối với hệ cử tuyển đang cần sự quan tâm tác động mạnh hơn nữa từ cơ chế, chính sách Nhà nước đến việc chăm lo bồi dưỡng kiến thức và định hướng nghề nghiệp từ cấp học phổ thông. Đối với công tác xét tuyển, các địa phương cần coi trọng sàng lọc kỹ học lực của học sinh gắn với nhu cầu học tập cũng như nhu cầu sử dụng nhân lực sau đào tạo, bảo đảm chuẩn về chất lượng, đúng đối tượng để tránh lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.